VĐV Nguyễn Thị Oanh dìu đồng đội Phạm Thị Huệ tại đích đến chạy 5.000m nữ Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
HLV Trần Văn Sỹ, người thầy thân thiết của Oanh ở tuyển quốc gia nhiều năm qua, xúc động tâm sự với chúng tôi như vậy trong khoảnh khắc cô học trò chuẩn bị bước lên bục nhận huy chương 1.500m nữ chiều 24-8. Trong cái nắng gắt của buổi chiều Bukit Jalil, rất ít phóng viên, người hâm mộ hiện diện trên sân đấu điền kinh. Ngoài việc bị trùng giờ với trận bóng đá, cái tên Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 1.500m còn quá xa lạ với mọi người. Sau tấm HCB 3.000m vượt chướng ngại vật giành được trên đất Myanmar cách đây 4 năm, Oanh “mất tích” khỏi làng điền kinh khá lâu. Nguyên nhân vì căn bệnh viêm cầu thận quái ác của cô.
“Đó là vào giai đoạn tháng 12-2014, đi thi đấu về tôi thấy mặt mình bỗng nhiên có nhiều chỗ sưng tấy. Nhiều người bảo tôi chỉ bị dị ứng, nhưng tôi cảm thấy bất an, tôi biết rõ cơ thể mình nên đi khám bác sĩ và biết tôi mắc bệnh viêm cầu thận”, vừa kể Oanh vẫn không giấu nổi cái nhăn mặt rùng mình khi nhớ lại kỷ niệm kinh hoàng.
Những căn bệnh về tim, thận luôn là nỗi ám ảnh với các VĐV, đặc biệt là những môn thể thao cày ải, đòi hỏi thể lực, sức bền nhiều như điền kinh. Nguyễn Thị Oanh cũng vậy. “Tôi choáng váng khi nghe bác sĩ bảo mắc bệnh thận. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là giải nghệ. Thật khó chấp nhận điều đó. Nhưng dần dà sau một thời gian khám, theo dõi, tôi được biết bệnh của mình chỉ mới chớm, còn có cơ hội chữa được” - Oanh kể.
Nhưng cuộc đời nào chỉ dễ dàng đến thế. Oanh phải nghỉ tập luyện, thi đấu từ đầu năm 2015, và cũng lỡ luôn SEA Games 2015. Nhưng rồi nghị lực cùng đam mê đã giúp cô gái quê Bắc Giang vượt qua tất cả. Đến cuối năm 2015, Oanh trị dứt điểm căn bệnh thận để quay trở lại đường đua. Tất nhiên, khó khăn giờ đây là gấp bội, HLV Trần Văn Sỹ tâm sự ông và cô học trò từng bị nghi ngờ về quyết tâm trở lại đường đua của Oanh. Việc nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật sở trường của Oanh bị loại khỏi SEA Games 2017 càng khiến giấc mơ vàng của cô trở nên mong manh. HLV Sỹ chuyển mục tiêu cho Oanh sang nội dung 1.500m và 5.000m, và rồi cô đoạt cả cú đúp.
“Tôi thực sự phải nể phục nghị lực của cô học trò mình. Điều đáng khen nhất của Oanh đó là cô có kiến thức sinh lý rất tốt, nắm rất rõ những vấn đề về cơ thể của mình để phối hợp chuẩn với ban huấn luyện. Khi Oanh vừa lành bệnh, tôi rất băn khoăn trong việc chọn giáo án tập cho Oanh, cả 2 thầy trò phải mày mò tập luyện khổ sở vì e ngại những dấu hiệu sau bệnh tật” - HLV Sỹ kể.
Đã trải qua vô vàn khó khăn để đến được vinh quang, Oanh hiểu hơn ai hết giá trị của những bàn tay giúp đỡ quanh mình. Có lẽ vì vậy mà một hình ảnh đầy xúc động đã diễn ra trên đường đua 5.000m chiều 25-8. Phạm Thị Huệ, một VĐV Việt Nam cũng thi đấu nội dung này đổ gục xuống sân vì quá mệt sau khi về đích, Oanh vội vã đến bên cạnh dìu đồng đội đứng dậy. Đó thực sự là một hình ảnh truyền cảm hứng cho tất cả những ai có mặt trên sân Bukit Jalil, đặc biệt là khi họ nghe đầy đủ về câu chuyện đằng sau vinh quang của Nguyễn Thị Oanh!
Điền kinh giành thêm 3 HCV Ngoài HCV chạy 5.000m của Nguyễn Thị Oanh, ngày thi đấu 25-8 điền kinh Việt Nam còn đoạt thêm 2 HCV. Ấn tượng nhất là HCV đầu tiên trong lịch sử dự SEA Games ở nội dung tiếp sức 4x100m nữ, với 4 cô gái Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Trần Thị Yến Hoa và Đỗ Thị Quyên. Đây là nội dung mà Thái Lan đã thống trị suốt nhiều năm qua. Càng thú vị hơn, 4 cô gái này chỉ mới tập chung với nhau vỏn vẹn 3 tháng trước SEA Games. Trong khi đó ở nội dung nhảy xa nữ, Bùi Thị Thảo giành HCV với thành tích 6,68m. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận