08/10/2008 07:41 GMT+7

Tạm đình chỉ hoạt động của Vedan

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Sáng 7-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ toàn bộ vụ việc Vedan xả trộm nước thải. Bộ đề nghị tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan cho đến khi hoàn thiện biện pháp xử lý chất thải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị:

* Không thể khởi tố vụ án hình sự

JixkjaSC.jpgPhóng to

Vedan nhả khói lên trời, xả nước thải xuống sông - Ảnh: T.T.D.

1- Vi phạm pháp luật có tổ chức và kéo dài!

Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) khẳng định bên cạnh các hành vi vi phạm có tính hệ thống, Vedan còn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác rất tinh vi, cố ý, có tổ chức và kéo dài. Theo Bộ TN-MT, những hành vi vi phạm này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại môi trường sinh thái sông Thị Vải và trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Công ty này đã thiết kế quy trình sản xuất khép kín và toàn bộ dịch thải được đưa đến khu vực sản xuất phân bón, nhưng thực chất việc sản xuất phân bón này chỉ mang tính hình thức và ngụy trang cho việc lưu giữ chất thải trong nhà máy để thải trực tiếp ra môi trường.

Cụ thể, thời gian xả dịch thải sau lên men từ 12-16 lần/tháng, mỗi lần bốn giờ (từ 20g-24g) ra cầu cảng số 1 và 2. Thời gian xả nước thải công nghiệp không qua xử lý từ 18g hôm trước đến 6g hôm sau. Khối lượng dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải bước đầu xác định được là 105.600m3/tháng và khối lượng nước thải không qua các hệ thống xử lý là 2.360m3/ngày.

2- Truy thu hơn 127 tỉ đồng

VIZnulSH.jpgPhóng to

Đại tá Lương Minh Thảo, cục phó C36, thuyết trình về cơ chế vận hành của hệ thống xả nước thải chui của Vedan bị phát hiện, tại cuộc họp báo

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, mặc dù vi phạm của Vedan rất tinh vi, có hệ thống, cố ý và có tổ chức để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành, các hành vi vi phạm của Công ty Vedan chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự về môi trường.

Trước mắt, thanh tra Bộ TN-MT quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khung hình phạt cao nhất với tổng số tiền 267,5 triệu đồng đối với 12 hành vi vi phạm của Vedan, trong đó mức phạt cao nhất đối với một hành vi vi phạm của Vedan là 50 triệu đồng. Đồng thời quyết định truy thu trên 127 tỉ đồng Vedan trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

3- Buộc tháo gỡ hệ thống xả thải “trộm”!

Thanh tra bộ yêu cầu trong vòng một tháng (trước ngày 7-11) Vedan phải tháo gỡ toàn bộ hệ thống đường ống, cống ngầm, máy bơm và các thiết bị khác có liên quan đã sử dụng để xả chất thải lỏng từ khu vực sản xuất của công ty ra sông Thị Vải trước sự giám sát của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai và các cơ quan có liên quan.

4- Đình chỉ giấy phép xả thải trong 6 tháng

PS7wrTOQ.jpgPhóng to yKOUDylt.jpg

Tin từ Bộ TN-MT cho biết Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã ký quyết định đình chỉ hiệu lực giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của Công ty Vedan trong thời gian sáu tháng kể từ ngày 6-10-2008.

5- Làm rõ vi phạm pháp luật của lãnh đạo Vedan

fSlivbux.jpgPhóng to
Vedan phải dẹp bỏ hệ thống ống xả đầy phức tạp mà đoàn kiểm tra phải hết sức vất vả mới phát hiện được - Ảnh: M.L.
Sáng 7-10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị ban hành quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty Vedan cho đến khi hoàn thành biện pháp xử lý chất thải. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo Sở TN-MT, Sở Công an phối hợp với C36 làm rõ vi phạm pháp luật của lãnh đạo và một số cá nhân của Công ty Vedan để xử lý vi phạm hành chính.

Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cho người lao động đang làm việc tại Vedan và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hợp đồng kinh tế cung cấp nguyên liệu cho đơn vị này khi bị tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất.

Đặc biệt, do hệ thống chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ, không đủ răn đe và chưa theo kịp công tác bảo vệ môi trường, lãnh đạo bộ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, kiến nghị bổ sung các văn bản pháp luật như Bộ luật hình sự, Luật thanh tra, pháp lệnh xử phạt hành chính, nghị định số 61/1998/NĐ-CP năm 1998 của Chính phủ về công tác kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên