23/04/2018 07:01 GMT+7

Tại sao tớ nghiện 'đi MUN' đến thế?

BÙI NGỌC HÀ
BÙI NGỌC HÀ

TTO - Ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam có khả năng tiếng Anh tham gia MUN để trao đổi về các vấn đề toàn cầu. MUN là gì và tại sao họ lại thích "đi MUN" đến vậy?

Tại sao tớ nghiện đi MUN đến thế? - Ảnh 1.

Thảo luận và đàm phán khi tham gia MUN là những kỹ năng quan trọng - Ảnh: WEMUN

MUN (hay Model UN) là từ viết tắt của Model United Nations - Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc. Tại đây, những người tham gia đóng vai đại biểu đại diện cho các quốc gia, cùng nhau thảo luận, quyết định về các vấn đề của thế giới trên lập trường quốc gia đó.

MUN là một chương trình được tổ chức thường niên trên toàn thế giới, thường hướng đến các đối tượng học sinh, sinh viên. Sau khoảng 4 năm xuất hiện tại Việt Nam, phong trào "đi MUN" đã thu hút nhiều bạn học sinh, sinh viên tài năng, có khả năng tiếng Anh và quan tâm đến các vấn đề toàn cầu như kinh tế, an ninh, y tế, môi trường, xã hội, công nghệ...

Hiện nay, rất nhiều chương trình MUN được các trường đại học và các trường THPT tổ chức trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM với các cái tên như VYMUN, IVMUN, DAVMUN, HMUN, WeMUN, SIMUN, HCMMUN... Một số trường THPT ở các tỉnh thành khác cũng đã tổ chức MUN như Đà Nẵng với DYMUN, Phú Thọ với CHVMUN...

Các kỳ MUN này đã tạo ra một cộng đồng đông đảo những người tham gia (hay còn gọi là MUNer) hoạt động cùng nhau một cách sôi nổi và gắn kết. Các MUNer thường nói đùa: "Không đi MUN thì thôi, chứ đã đi là "nghiện" đấy!"

Điều gì khiến MUN hấp dẫn đến vậy?

Nguyễn Tùng Lâm, 21 tuổi, đã có kinh nghiệm "đi MUN" được hai năm chia sẻ: "Có ba điều tôi trân trọng sau mỗi lần tham dự MUN, là kiến thức, kỹ năng và tình bạn".

Tại sao tớ nghiện đi MUN đến thế? - Ảnh 2.

Tùng Lâm tham gia MUN với tư cách đại biểu của Canada - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tùng Lâm cũng cho biết MUN ở Việt Nam thường hướng đến học sinh cấp ba và sinh viên, tuy nhiên không đòi hỏi người tham gia phải học về chính trị hay quan hệ quốc tế. Chỉ cần các bạn trẻ có hứng thú và tình thần ham học hỏi, MUN luôn mở cửa đón chào.

Kiến thức được sử dụng trong MUN trải dài trên nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế, công nghệ, y tế, giáo dục... tuỳ theo hội đồng (committee) mà MUNer lựa chọn. Ví dụ Hội đồng WTO đòi hỏi kiến thức về kinh tế quốc tế, Hội đồng NATO yêu cầu kiến thức về an ninh - quốc phòng, Hội đồng OPEC lại cần có những hiểu biết về thị trường dầu mỏ...

Đây cũng là một cơ hội rất tốt để các bạn trẻ có cơ hội trau dồi tri thức, hiểu biết và khám phá vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Đồng thời, đây còn là một sân chơi giáo dục mà ở đó người tham dự còn có thêm nhiều kỹ năng mới. Để tham gia một kỳ MUN, các MUNer cần sử dụng nhiều kỹ năng cùng một lúc như giao tiếp, tranh luận, phản biện, đàm phán bằng tiếng Anh, kỹ năng nghiên cứu, làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và tổ chức...

Đối với những bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực ngoại giao và quan hệ quốc tế, MUN là một cơ hội đề các bạn gặp gỡ những người có cùng đam mê và mối quan tâm. MUN còn mang đến cho các bạn một cơ hội trở thành những nhà ngoại giao trong những bộ trang phục trang trọng, ứng xử và trò chuyện với nhau bằng phong cách ngoại giao, thể hiện quan điểm của mình với các vấn đề trên quan điểm của từng quốc gia, từ đó tạo nên một cái nhìn khách quan và đa chiều hơn về thế giới.

Cần chuẩn bị gì để trở thành một MUNer?

Ngô Thanh Hải (20 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương) kể lại trải nghiệm về lần đầu "đi MUN": "Mình bị choáng ngợp khi thấy mọi người trong những bộ trang phục trang trọng, bàn luận sôi nổi về những vấn đề lớn lao bằng tiếng Anh".

"Tuy nhiên, sau khi làm quen với mọi người, mình đã thay đổi suy nghĩ. MUN không phải điều cao xa dành cho những cá nhân xuất chúng, nó là một sân chơi cho tất cả những người có khả năng".

Tại sao tớ nghiện đi MUN đến thế? - Ảnh 3.

Thanh Hải trong một phiên họp - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Để tham gia MUN, các bạn trẻ cần có một lượng kiến thức nhất định về tình hình thế giới và quan hệ quốc tế, đặc biệt là khả năng tiếng Anh", Tùng Lâm cho biết. "Nhưng trong quá trình tham gia, ban tổ chức sẽ cung cấp các tài liệu và hướng dẫn nghiên cứu về chủ đề để giúp các MUNer có hiểu biết cơ bản nên các bạn cũng không cần phải quá lo lắng".

Để tìm kiếm các kỳ MUN, những bạn trẻ quan tâm chỉ cần dùng từ khoá "MUN" hoặc "Model United Nations" để tìm kiếm các MUN trong nước và quốc tế, theo dõi và chờ đợi các đợt mở đơn tuyển đại biểu, đăng ký đơn và đợi kết quả chính thức từ ban tổ chức.

Trao đổi về kinh nghiệm cho một đại biểu khi tham gia MUN, Mai Xuân Trường, Tổng thư ký WeMUN, cho hay: "Các đại biểu nên chuẩn bị về kiến thức, nắm chắc luật, từ đó để có được sự tự tin. Ba yếu tố này là quan trọng như nhau."

"Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc như chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, hiểu rõ luật những lại không tự tin. Ngược lại, nếu như có tự tin, nhưng không chắc về kiến thức và luật thì sẽ gặp khá nhiều rắc rối trong phiên họp".

Bạn Tùng Lâm cũng nhắn nhủ với các bạn chưa từng tham gia MUN: "Hãy tham gia những phiên thảo luận, chủ động hỏi chủ toạ những điều mình chưa biết. Và quan trọng nhất là hãy trân trọng và tận hưởng những giây phút trải nghiệm. Bạn sẽ không thể biết MUN đã thay đổi mình nhiều đến thế nào đâu!".

Bảo vệ môi trường qua Bảo vệ môi trường qua 'Thách thức bảy ngày', bạn có dám không?

TTO - #7DayChallengeVN là hashtag được cư dân mạng chia sẻ mạnh trong thời gian gần đây.

BÙI NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: MUN