19/12/2017 22:32 GMT+7

Tại sao để mất rừng, mất luôn cả cán bộ?

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Trước thực trạng năm 2017 Nghệ An để mất hơn 74ha rừng và kỷ luật gần 50 cán bộ, một đại biểu chất vấn: “Tại sao để mất rừng, mất luôn cả cán bộ?”.

Tại sao để mất rừng, mất luôn cả cán bộ? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nghệ An, trả lời chất vấn chiều 19-12 - Ảnh: DOÃN HÒA

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra vào chiều 19-12, nhiều đại biểu băn khoăn, các văn bản quy định về bảo rừng rất nhiều nhưng tại sao nạn phá rừng ở Nghệ An thời gian gần đây vẫn đến mức đe dọa, vừa mất rừng vừa mất cán bộ?

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nạn phá rừng nhưng vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn như vụ chặt phá 189 cây pơmu với gần 300m³ gỗ ở huyện Tương Dương, 45 hộ dân của hai xã ở huyện Quỳ Hợp phá rừng tự nhiên để trồng keo…

Hiện nay Nghệ An có hơn 940.000ha rừng, trong đó hơn 786.000ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 57,2%.

Theo ông Hiếu, ngoài việc người dân chặt phá rừng lấy gỗ thì công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở còn có sự buông lỏng. Một số vụ phá rừng có sự tham gia của cán bộ, đảng viên. "Thậm chí, một số cán bộ xã vào rừng đánh dấu "cây này là cây của tôi", ông Hiếu nói.

"Theo quy định cứ 1.000ha rừng có 1 kiểm lâm viên nhưng hiện tại toàn tỉnh mới chỉ có 400 cán bộ công chức, viên chức, thiếu 540 người. Hàng năm chỉ tiêu biên chế mới không có lại thực hiện việc tinh giản nên anh em kiểm lâm phải căng mình ra bảo vệ rừng, làm việc gấp 2-3 lần. Có vụ việc phá rừng sau 37 ngày thì Ban quản lý rừng phòng hộ cơ sở mới phát hiện được, là chậm", ông Hiếu xho biết.

Nhìn nhận về trách nhiệm để xảy ra các vụ phá rừng thời gian qua, ông Hiếu khẳng định việc xử lý các cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng sẽ không có vùng cấm, không bao che. 

"Nếu vì thành tích mà chúng ta che dấu thì hiện tượng chặt phá rừng sẽ còn âm ỉ, lâu dài. Chúng ta chịu đau một tí để rừng được yên ổn", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói về giải pháp ngăn chặn nạn phá rừng - Video: DOÃN HÒA

Tại phiên chất vấn, một số đại biểu cũng cho rằng các địa phương có diện tích rừng càng lớn thì càng nghèo do cơ chế chính sách hiện hành chỉ mang tính hỗ trợ, chưa thể thực sự đảm bảo để người dân quản lý bảo vệ rừng tốt.

Ông Lang Văn Chiến, Đại biểu HĐND huyện Quỳ Châu, cho rằng chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện nay chưa hiệu quả nên người dân chưa thực sự sống bằng rừng, và "ở những địa phương có rừng càng nhiều thì tỉ lệ hộ đói nghèo càng cao".

Ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng quy định về bảo vệ rừng rất chặt chẽ có sự phối hợp của 4 lực lượng gồm chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, chủ tịch các xã, bộ đội biên phòng, "nhưng tại sao rừng vẫn bị tàn phá"? 

Chúng ta phải xử lý nghiêm không có ngoại lệ, không phân biệt đó là ai để lập lại trật tự, nếu không sẽ không bảo vệ được rừng".

Tại sao để mất rừng, mất luôn cả cán bộ? - Ảnh 3.

Kiểm lâm và công an kiểm tra một vụ phá rừng ở huyện Quế Phong, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Năm 2017, Công an Nghệ An đã khám phá ra 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Với hơn 500m³ gỗ, 15 tấn gỗ các loại, có 17 vụ có dấu hiệu hình sự.

Ngành chức năng đã khởi tố 14 vụ với 39 đối tượng về vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng, hủy hoại rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tỉnh Nghệ An cũng xử lý kỷ luật gần 50 cán bộ liên quan đến các vụ phá rừng.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên