24/10/2011 05:34 GMT+7

Tài liệu sử học về Người lính thuộc địa Nam kỳ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Một công trình quan trọng của một lĩnh vực hiếm thấy trong các đề tài sử học: nghiên cứu về người lính bản xứ Nam kỳ trong thời Pháp thuộc, của tác giả Tạ Chí Đại Trường, vừa được Nhã Nam liên kết với NXB Tri Thức xuất bản.

6SJ12npa.jpgPhóng to
Ảnh: L.Đ.

Trong các lĩnh vực văn chương, âm nhạc, đã có rất nhiều ý kiến nói về nhiều thế hệ bà mẹ tiễn nhiều lượt con lên đường đi làm người lính. Nỗi đau của người dân trong cái thế đối mặt trường kỳ với chiến tranh như vậy, xuyên thời gian, đã thành đặc thù thân phận của dân tộc.

Hồi nhỏ, từng nghe một bà mẹ quê chép miệng than: cái đất nước này thời nào cũng có người đi lính. Cho nên, một công trình sử học nghiên cứu rõ ngọn ngành về người lính vẫn là đề tài gần gũi không chỉ với học giới mà còn là điểm quan tâm của nhiều người dân.

Người lính thuộc địa Nam kỳ, với khuôn khổ khởi đi từ bản thảo luận án tiến sĩ sử học thuộc Trường đại học Văn khoa Sài Gòn hồi 1975, Tạ Chí Đại Trường khai thác được nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, đã làm rõ được bối cảnh xã hội và thân phận người lính bản xứ từ thời đầu thuộc Pháp đến khoảng giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

Đây quả là một lĩnh vực phức tạp với những nguồn tài liệu khó xử lý và rất nhiều chi tiết lịch sử cần có một thái độ vừa nghiêm túc khoa học vừa am tường lịch sử nhân học bản địa mới lý giải được. Người đọc cũng cần có độ tập trung nhất định mới tiếp nhận, phân biệt được các khái niệm lính tập, mã tà cùng với lịch sử ra đời của các đội quân bản xứ.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa các đơn vị hành chính bản địa (chủ yếu là làng) cùng với quá trình phát triển các kế hoạch của Pháp khai thác thuộc địa được thể hiện trong tập sách này là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu.

Đọc Người lính thuộc địa Nam kỳ mới thấy sự gắn kết tưởng chừng như “không đâu” lại hết sức mật thiết giữa bộ máy thiết chế làng xã và quá trình vận động cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương, thông qua cầu nối sống động là những người lính bản xứ.

Không những cung cấp chi tiết số liệu bảng biểu, các con số định lượng về người lính, tác giả còn khéo léo phân tích những diễn biến tâm lý, các tác động khách quan giữa một thực thể là đội quân bản xứ với hoàn cảnh sống của người dân Nam kỳ trong hành trình phát triển.

Đó cũng là đóng góp đáng kể của nhà nghiên cứu sử: vừa cung cấp sử liệu, vừa gợi mở những hướng tiếp cận có trách nhiệm cá nhân, rất cần cho học giới các thế hệ tiếp sau.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên