30/01/2018 14:35 GMT+7

Tái hiện lịch sử ở sân trường

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Những viên đá cuội nhỏ được sắp thành bản đồ Tổ quốc, Thánh Gióng cưỡi ngựa đánh giặc... sân trường bỗng trở thành 'không gian kỳ diệu' của thầy và trò.

Tái hiện lịch sử ở sân trường  - Ảnh 1.

Bản đồ Việt Nam bằng đá cuội được sắp giữa sân Trường tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: QUỐC NAM

Cứ tới giờ ra chơi là tụi em chạy ra đây. Nhiều bữa còn chơi đố nhau xem tỉnh nào ở vị trí nào trên bản đồ, và những quần đảo của Việt Nam ở đâu. Nhờ đó tụi em có thêm kiến thức về đất nước

Em HỒ VĂN HÙNG (học sinh lớp 5)

Trường tiểu học Hướng Phùng nằm ở lưng chừng dãy Trường Sơn thuộc xã biên giới Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Bước vào sân trường, khoảng sân rộng gần 1.000mđược thầy trò tái hiện những câu chuyện lịch sử, văn hóa.

Thầy Nguyễn Mai Trọng - hiệu trưởng - gọi sân trường là "không gian kỳ diệu" do thầy trò cùng nhau tạo nên.

Đá suối đắp hình Tổ quốc

Đập vào mắt chúng tôi khi vừa bước qua cổng chính của trường là những cụm đá suối được sắp xếp uốn lượn theo hình chữ S. Ngoài viền của những cụm đá này là những khóm hoa bao bọc. 

Ngay bên phải nơi chữ S cong ra là hai khối đá suối lớn hơn nằm cách nhau một khoảng. Một nhóm học sinh tầm lớp 2 đang tụm lại phía những khối đá lớn. Hỏi đó là cái gì, một học sinh nữ đáp liền: "Đây là hình bản đồ Việt Nam. Hai khối đá lớn này là đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Thầy Trọng cho hay ý tưởng về bản đồ xuất hiện từ đầu năm học trước khi vấn đề chủ quyền biển đảo nóng lên. Là một trường nằm sát biên giới Việt - Lào, thầy Trọng nghĩ cần giúp học sinh có kiến thức hơn về biển đảo của Tổ quốc. 

Kinh phí của trường miền núi không có nhiều nên sau khi bàn bạc với giáo viên trong trường, thầy Trọng quyết định chọn dùng đá suối để sắp hình bản đồ.

Con suối Chênh Vênh ở hẻm núi gần trường là nơi có sẵn đá cuội. Liên tục mấy tuần liền, các giáo viên trong trường tranh thủ ngày nghỉ xuống suối nhặt đá. Cuối cùng những viên đá cuội nhỏ cũng về nằm ngay ngắn giữa sân trường. 

Học sinh trong trường rất tò mò nên cứ xúm lại mấy đống đá để xem. Thầy Trọng thấy học sinh hào hứng nên cho các em góp sức luôn. Sau một lúc thuyết giảng về ý nghĩa của bản đồ Việt Nam, cả giáo viên và học sinh cùng sắp đá cuội.

Những viên đá cuội nhỏ được sắp thành phần đất liền của Tổ quốc. Hai khối đá lớn được dùng để tượng trưng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những cây hoa màu tím được dùng để trồng viền ranh giới đất liền của bản đồ để học sinh dễ nhận diện. Và bản đồ Việt Nam hiện ra giữa sân trường nơi lưng chừng núi.

Thánh Gióng, nhà sàn Bác Hồ

Tái hiện lịch sử ở sân trường  - Ảnh 3.

Mới đầu năm học này, thầy và trò Trường tiểu học Hướng Phùng lại tiếp tục nhặt đá cuội về sắp thành bức tranh Thánh Gióng cưỡi ngựa đi đánh giặc - Ảnh: QUỐC NAM

Từ ngày có bản đồ, thầy Trọng yêu cầu các lớp trong trường dành một giờ học mỗi tuần để học sinh học ngoại khóa trước bản đồ Việt Nam để hiểu thêm về toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Mới đầu năm học này, thầy Trọng lại cho giáo viên tiếp tục xuống suối Chênh Vênh nhặt đá cuội. Cũng chỉ mất thêm vài tuần, sân trường lại xuất hiện thêm hai hình hài mới. Đó là hai bức tranh được thầy và trò sắp từ đá cuội ngay trên mặt đất. 

Một là bức tranh hình Thánh Gióng cưỡi ngựa ra trận đánh giặc. Bức còn lại là nhà sàn Bác Hồ. Câu chuyện về hai hình ảnh này cũng được các giáo viên đưa vào lịch ngoại khóa cho học sinh mỗi tuần.

"Học sinh không chỉ được nghe mà còn được nhìn. Nhiều em còn trực tiếp sắp từng viên đá tạo thành hình hài đó. Mỗi học sinh góp một viên đá thôi cũng đủ làm ý thức và kiến thức lịch sử văn hóa các em tăng lên nhiều rồi" - thầy Trọng bảo vậy.

Không quên nguồn cội

Tái hiện lịch sử ở sân trường  - Ảnh 4.

Ngôi nhà sàn nguyên bản của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô được dựng lên trong sân trường để học sinh bản địa không quên đi nguồn cội - Ảnh: QUỐC NAM

Thầy Trọng dẫn chúng tôi đến khoảng sân phía trước dãy nhà nội trú của giáo viên. Lẩn sau những bóng cây là một ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô. Ngỡ rằng có một hộ dân nào đó làm nhà ở đây, nhưng thầy Trọng nói đây chính là ngôi nhà sàn được nhà trường dựng lên để học sinh con em đồng bào Vân Kiều - Pa Cô học tại trường không quên nguồn cội của mình.

Ngoài việc vận động kinh phí, thầy Trọng phải đi tìm những già làng của tộc người này trong vùng về giúp dựng nhà. Ròng rã hàng tháng trời từ khi lên ý tưởng đến khi hình thành ngôi nhà cũng đủ khiến thầy trò mừng rơi nước mắt. 

Ngoài cái cốt nhà, những vật dụng truyền thống của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô như ploai (vỏ bầu), ktho (gùi), nục (kiềng)... được thầy Trọng cất công đi xin ở các bản làng về để phục hồi phiên bản toàn diện nhất ngôi nhà truyền thống này.

"Cuộc sống hiện đại làm thay đổi nhiều thứ. Ngay cả văn hóa gốc của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô nhiều khi cũng bị mai một ở những thế hệ học trò sau này. Đó là điều không thể và không nên. Dù gì cũng không thể để học sinh quên đi cái gốc của mình" - thầy Trọng nói về lý do làm nhà sàn.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên