26/07/2020 23:36 GMT+7

Tái hiện cuộc gặp mặt xúc động của Nguyễn Đức Cảnh với mẹ trong nhà tù Hỏa Lò

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Cuộc gặp mặt của hai mẹ con đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa và câu chuyện nhạc sĩ Đỗ Nhuận dùng cành bàng để chế tạo nhạc cụ trong những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù này sẽ được tái hiện với công chúng.

Tái hiện cuộc gặp mặt xúc động của Nguyễn Đức Cảnh với mẹ trong nhà tù Hỏa Lò - Ảnh 1.

Tái hiện hoạt cảnh cuộc gặp mặt xúc động giữa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ tại nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: BTC

Đây là các hoạt cảnh được tổ chức tại nhà tù Hỏa Lò, trong khuôn khổ chương trình đặc biệt Về miền ký ức - Thắp lửa tri ân được nhà tù Hòa Lò tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7.

Chương trình tham quan và trải nghiệm được thực hiện từ 19h các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. 

10 câu chuyện tiêu biểu về cuộc sống lao tù khắc nghiệt, về tình yêu, tình mẫu tử, tình đồng chí… trong "chốn địa ngục trần gian" - nhà tù Hỏa Lò - được tái hiện trong chương trình.

Đặc biệt, trong tuần lễ tri ân dịp 27-7 sẽ có thêm hai hoạt cảnh xúc động như đã nói ở trên. Hoạt cảnh cuộc gặp gỡ xúc động của mẹ con đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được diễn ngay tại khu xà lim tử hình.

Còn tại gốc cây bàng gần 100 năm tuổi, bằng hình thức sân khấu hóa, đại biểu sẽ được gặp lại nhạc sĩ Đỗ Nhuận với câu chuyện làm nhạc cụ từ cành bàng trong năm tháng bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò.

Trong tuần lễ tri ân dịp 27-7, đại biểu tham dự còn được thể hiện lòng thành kính, tri ân qua hoạt động thắp nến tưởng niệm trong không gian thiêng liêng tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hi sinh tại nhà tù Hỏa Lò.

Tái hiện cuộc gặp mặt xúc động của Nguyễn Đức Cảnh với mẹ trong nhà tù Hỏa Lò - Ảnh 2.

Dịp 27-7, đại biểu tham dự còn được thể hiện lòng thành kính, tri ân qua hoạt động thắp nến tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hi sinh tại nhà lao Hỏa Lò - Ảnh: BTC

Ngoài những hoạt cảnh này, chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò luôn mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm đặc biệt về một di tích lịch sử mang trong mình nhiều câu chuyện bi hùng.

Theo tài liệu của nhà tù Hỏa Lò, di tích này xưa thuộc thôn Nam Phụ, tổng Tiền Nghiêm. Đến giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Nguyên Khánh thành thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Nam.

Phụ Khánh là một thôn chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hỏa lò bằng đất (nung và để mộc), đem bán khắp kinh kỳ, nên địa danh này có tên là làng Hỏa Lò.

Khi Pháp chiếm Hà Nội, chúng chuyển dân làng đi nơi khác, dỡ bỏ chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chùa Bích Hoạ để lấy đất xây tòa án và nhà tù. Do ở trên đất thôn Hỏa Lò nên nhà tù được người dân gọi là "nhà tù Hỏa Lò".

Từ sau ngày hòa bình lập lại (10-10-1954), nhà tù được đổi tên là "trại tạm giam phạm nhân Hà Nội" và giao cho Ủy ban Quân quản Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của công an thành phố. Trong những năm 1964 đến năm 1973, nhà tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ những phi công Mỹ.

Năm 1993, nhà nước quyết định một phần của nhà tù Hỏa Lò được sử dụng để xây dựng "Tháp trung tâm" dùng làm khách sạn, văn phòng cho thuê; một phần tiếp giáp đường phố Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành khu lưu niệm nhà tù Hỏa Lò.

Tại khu di tích này có đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã hi sinh tại nhà tù Hỏa Lò, mô hình tái tạo hình ảnh các chiến sĩ cách mạng trong lao tù, chiếc máy chém mà thực dân Pháp đã dùng để hành quyết các chiến sĩ yêu nước, cách mạng và hệ thống trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu quý.

Khử trùng di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu... Khử trùng di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu...

TTO - Trong ngày 10-3, nhiều di tích như nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... đã tạm dừng hoạt động và tiến hành phun thuốc khử trùng, dọn vệ sinh phòng dịch COVID-19.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên