19/06/2012 08:03 GMT+7

Tái cấu trúc kinh tế cần quyết tâm chính trị

TRẦN VĂN THỌ (Tokyo)
TRẦN VĂN THỌ (Tokyo)

TT - Từ Nhật Bản, giáo sư tiến sĩ kinh tế Trần Văn Thọ vừa gửi cho Tuổi Trẻ bài viết bàn việc thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế VN.

ydh8FtAm.jpgPhóng to
Theo GS.TS Trần Văn Thọ, cần thực hiện cuộc cách mạng về giáo dục đạo học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nền kinh tế tri thức - Ảnh: THANH ĐẠM

Sau hơn một năm từ khi có chủ trương của Đảng Cộng sản VN tại Đại hội XI, đề án về tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng (gọi tắt là đề án tái cấu trúc) đã được Chính phủ đưa ra vào tháng 3-2012 và trình Quốc hội bản tu chỉnh vào tháng 5-2012. Có thể nói những phân tích về hiện trạng kinh tế và phương hướng, nội dung tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên căn bản là đúng.

Đặc biệt bản kiến nghị tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012 mang tên “Kinh tế VN năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” (do Viện Khoa học xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Phòng Thương mại - công nghiệp VN tổng kết) là một trong những bản báo cáo làm cơ sở cho đề án tái cấu trúc, đã phân tích vấn đề rất có sức thuyết phục.

Đề án tái cấu trúc phân tích về mặt kinh tế như vậy là khá rõ, nhưng để thực hiện thành công cần những tiền đề ngoài lĩnh vực kinh tế mà những tiền đề này hiện nay VN chưa có. Nói khác đi, ít nhất VN cần có ngay các tiền đề sau đây để thực hiện thành công đề án này:

Cần cam kết của người lãnh đạo

Người lãnh đạo cao nhất đất nước phải dựa trên kết quả các phân tích của chuyên gia và trịnh trọng tuyên bố với quốc dân về thực trạng của kinh tế hiện nay, đồng thời phác họa một viễn ảnh cần nhắm tới của kinh tế VN vào năm 2020, một điểm mốc quan trọng với nội dung thiết thực, hợp với nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng.

Bức xúc của người dân hiện nay là công ăn việc làm có đảm bảo không, thu nhập có đủ sống không, nông dân có an tâm trên mảnh đất đang canh tác không, họ có phải bất đắc dĩ đi lao động ở nước ngoài không, bao giờ nhân viên công chức sẽ sống được bằng tiền lương, bao giờ sẽ có những ngành công nghiệp có công nghệ cao vươn ra thị trường thế giới, bao giờ VN sẽ không phải vay nợ nước ngoài...

Tôi nghĩ lãnh đạo phải cam kết rằng họ sẽ đem sinh mệnh chính trị của mình để phấn đấu đáp ứng được nhu cầu thiết thân đó của người dân, mà trước mắt là phải thực hiện thành công đề án tái cấu trúc, và cam kết đưa ra những hình thức nhận trách nhiệm nếu không thực hiện được.

Tại một nước chỉ có một đảng lãnh đạo, cam kết chính trị và tinh thần trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo phải mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn những nước có thể chế chính trị khác.

Quyết tâm, cam kết chính trị của lãnh đạo là tiền đề quan trọng nhất, từ đó mới hi vọng bảo đảm các tiền đề tiếp theo sau đây.

Ai sẽ trực tiếp triển khai?

Chưa nói đến năng lực, những quan chức quản lý ở các bộ, ban, ngành ở trung ương và ở chính quyền địa phương có đủ tinh thần trách nhiệm và sự toàn tâm, toàn ý trong việc thực hiện đề án này không. Thử nêu một ví dụ: Trong đề án có nói đến nhiệm vụ phải thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành có công nghệ cao, một trong những biện pháp để VN thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng chủ trương này cũng đã có từ trước, tại sao không thành công?

Mới đây Khu công nghệ cao TP.HCM vừa tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm hoạt động đã nhận xét rằng “10 năm hình thành vẫn chưa thấy công nghệ cao”, “các thủ tục hành chính hiện còn rườm rà”, “phải thay đổi cách làm”... Bộ máy hành chính và năng lực, đạo đức của quan chức các cấp sắp tới có khác 10 năm vừa qua không?

Đề án tái cấu trúc còn nhấn mạnh “Coi khoa học và công nghệ là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung ưu tiên thực hiện các chương trình đề án khoa học công nghệ quốc gia...”. Nhưng điều này đã được đưa ra từ 15 năm trước, khi đó Nhà nước đã xem khoa học và công nghệ là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Kết quả thì như ta đã thấy.

Liên quan đến bộ máy quản lý hành chính ít nhất có ba vấn đề làm cho các chính sách, chiến lược không thực hiện được.

Một là, thiếu sự chuyên tâm và tinh thần trách nhiệm của không ít người giữ trách nhiệm cao. Tại sao các quan chức vẫn đua nhau học tại chức lấy bằng tiến sĩ? Hiện tượng này có lẽ chỉ có ở VN và làm bộ máy quản lý kém hiệu lực, gây lãng phí, đã được các thức giả phê phán từ 15 năm trước mà vẫn không thay đổi.

Hai là, tiền lương không đủ sống làm nhiều quan chức chẳng những không chuyên tâm với công việc chính mà còn tìm cách duy trì cơ chế xin - cho, hành doanh nghiệp, hành dân để tham nhũng.

Ba là, vẫn còn nạn chạy chức, chạy quyền mà hậu quả là nhiều người không có tài, có đức được giữ những trọng trách trong việc thực hiện các chính sách.

Ba vấn đề này nếu không giải quyết ngay thì khó hi vọng đề án tái cấu trúc sẽ được thực hiện thành công. Lãnh đạo cao nhất nếu có cam kết chính trị như đã nói sẽ phải bắt tay vào việc tuyển chọn quan chức (qua thi cử và những biện pháp khách quan, minh bạch), cải cách tiền lương và ngăn cấm quan chức dạy hoặc học lấy bằng tiến sĩ.

Cách mạng về giáo dục đại học

Tái cấu trúc để chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao, sử dụng tiến bộ công nghệ và kỹ thuật đòi hỏi phải có đội ngũ lao động với chất lượng tương ứng. Điều này đòi hỏi phải thực hiện ngay cuộc cách mạng về giáo dục đại học, trong đó tập trung các nguồn lực cho việc đào tạo theo chất lượng.

Tình trạng hiện nay cho thấy đại học được mở ra tràn lan, tỉnh nào cũng có đại học và hầu hết các bộ, ngành nào cũng có đại học. Nhưng phần lớn là đào tạo đại trà, kết cuộc số lượng người tốt nghiệp đại học tăng nhanh nhưng thị trường vẫn thiếu lao động chất lượng ở cả bậc đại học và cao đẳng. Cần cuộc cách mạng trong giáo dục đại học và cuộc cách mạng này chỉ được thực hiện khi những người lãnh đạo cao nhất có cam kết chính trị và chịu trách nhiệm kết quả việc thực thi đề án tái cấu trúc.

Lãnh đạo chính trị phải thấy hết những vấn đề này và quyết tâm cải cách mới có tiền đề cho việc thực hiện thành công đề án tái cấu trúc nền kinh tế.

Chỉ còn vài năm nữa là VN kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. So với thế giới, nhất là các nước xung quanh, thành quả phát triển trong thời gian dài này quả còn khiêm tốn. Bản đề án tái cấu trúc đã nêu rõ những vấn đề cơ bản của kinh tế hiện nay.

Theo tôi, nếu đề án không được thực hiện, kinh tế VN sẽ sớm mắc vào bẫy thu nhập trung bình và trì trệ lâu dài. Trách nhiệm chính trị của những người lãnh đạo tối cao hiện nay rất lớn.

Bài học từ Hàn Quốc

Vào đầu năm 1998, Hàn Quốc đã thực hiện một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế với nội dung gần như VN bây giờ.

Sau ba năm thực hiện chương trình tái cấu trúc, họ đã thành công trong việc chuyển dịch từ một nước thu nhập trung bình cao lên hàng các nước tiên tiến. Các công ty Samsung, Hyundai đang cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới là một trong những kết quả của chương trình tái cấu trúc ấy. N

guyên nhân chính để họ thành công là vai trò lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm của tổng thống Kim Dae Jung. Với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức sứ mệnh lịch sử mà người dân đã tin tưởng giao phó, ông đã tập hợp nhanh nhóm chuyên gia và dựa trên kết quả nghiên cứu của họ, tự phát biểu chương trình tái cấu trúc và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện.

Cùng với tư chất ấy của lãnh đạo, Hàn Quốc còn có một đội ngũ quan chức tài năng, có tinh thần dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo việc thực hiện thành công đề án tái cấu trúc.

TRẦN VĂN THỌ (Tokyo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên