Phóng to |
Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo điều 23 của dự thảo về tác giả tượng đài, tranh hoành tráng, tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo đối với mọi công trình phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điêu khắc đối với tượng đài, có trình độ đại học trở lên chuyên ngành hội họa, đồ họa, tranh hoành tráng đối với tranh hoành tráng, đồng thời đã có ít nhất hai công trình tượng đài, tranh hoành tráng đạt chất lượng loại A, theo xác nhận của Bộ VH-TT&DL.
Về điều này, điêu khắc gia (ĐKG) Lâm Quang Nới cho biết: “Quy định trên đã có trong quy chế tượng đài, tranh hoành tráng từ bao năm nay rồi, bây giờ mới trình Quốc hội để cụ thể hóa thành nghị định thôi. Thực tế thì bao lâu nay anh em cũng không ai tranh cãi về vấn đề này”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu quy định tác giả phải tốt nghiệp chuyên ngành là có phần khắt khe. Ông lấy ví dụ, ĐKG Nguyễn Thành Thi và ông trước đây đều tốt nghiệp hội họa, nhưng đều thành danh từ những công trình điêu khắc. Cho nên yêu cầu bằng cấp thì đúng, nhưng nếu yêu cầu phải bằng cấp chuyên ngành mà không dựa vào hoạt động, thành tích mỹ thuật cụ thể thì không được “thông thoáng” cho lắm.
ĐKG Bùi Hải Sơn - trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho rằng đối với những công trình điêu khắc, tranh hoành tráng được chỉ định thì quy định trên là cần thiết để bảo đảm chất lượng cho tác phẩm.
Ở lĩnh vực tượng đài, tranh hoành tráng, số tiền đầu tư mỗi tác phẩm thường lên đến con số hàng chục tỉ đồng. Do đó, nếu việc nhà đầu tư chỉ định tác giả (nghĩa là đặt hàng đích danh) sáng tác không rõ ràng bằng quy định cụ thể thì dễ dẫn đến tiêu cực. Về điều này, ĐKG Bùi Hải Sơn giải thích: “Một người có tài năng mỹ thuật dù không kinh qua trường lớp thì họ vẫn có thể vẽ những bức tranh, nặn những bức tượng để triển lãm và trưng bày được. Nhưng điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng không phải là việc đơn giản như vẽ một bức tranh, nặn một pho tượng. Ở tượng đài, tranh hoành tráng thì mỹ thuật chỉ là một yếu tố được xét đến đầu tiên. Ngoài ra còn phải tính đến các yếu tố khác như sự phối hợp cảnh quan, kiến trúc, yếu tố lịch sử, xã hội học, nhân chủng học, khoa học kỹ thuật, pháp lý... Cho nên, nếu mời người không được đào tạo thì tôi e không đảm bảo về mặt chất lượng. Hơn nữa, về mặt định chế nhà nước thì tôi nghĩ quy định như vậy là hợp lý, nếu không dễ “loạn” hay nảy sinh tiêu cực trong việc chỉ định thầu. Hãy nhìn xem, mảng tượng đài ở ta dù có quy chế trước đây mà cũng nảy sinh bao nhiêu là tiêu cực!”.
ĐKG Nguyễn Xuân Tiên - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - tỏ ra đồng tình: “Thật ra làm điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng không đơn giản như mọi người nghĩ. Nó là một quy trình đòi hỏi phải được sự đào tạo bài bản, không phải chỉ với bản năng hay tài năng mỹ thuật tự học mà có được. Nếu cho rằng người tự học có thể làm tượng đài, tranh hoành tráng thì tôi không thể chấp nhận được”. Để bảo vệ quan điểm của mình, ĐKG Nguyễn Xuân Tiên đưa ra một dẫn chứng: “Từ trước đến nay, trong đội ngũ làm tượng đài, tranh hoành tráng ở nước ta, tôi chỉ mới thấy những người tốt nghiệp hội họa rồi thành danh trong điêu khắc. Trong thực tế, người không qua đào tạo bài bản mà có thể làm tượng đài, tranh hoành tráng thì tôi chưa thấy ai!”.
Nhiều góp ý quanh dự thảo nghị định về hoạt động mỹ thuật Dự thảo nghị định về hoạt động mỹ thuật được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-1. Theo phạm vi điều chỉnh được quy định tại dự thảo, hoạt động mỹ thuật bao gồm: thi sáng tác và triển lãm mỹ thuật; cửa hàng mỹ thuật (gallery), sao chép, đấu giá, giám định tác phẩm mỹ thuật; tượng đài, tranh hoành tráng; trại sáng tác điêu khắc. Tuy là nghị định có nội dung chuyên môn khá sâu, nhưng dự thảo đã bị nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý cả về câu chữ lẫn nội dung. Ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng mỹ thuật có nhiều loại hình, chứ không chỉ gói gọn như liệt kê tại quy định phạm vi điều chỉnh của dự thảo. “Hơn nữa, có những khái niệm cần phải xem lại. Tôi không giỏi tiếng nước ngoài, nhưng với những thứ tiếng mà tôi biết thì gallery là phòng triển lãm, còn cửa hàng mỹ thuật để mua bán tác phẩm thì nó khác. Dùng chữ hoành tráng cũng vậy, thế nào là hoành tráng, kích cỡ bao nhiêu, có nội dung hoành tráng không hay chỉ hình thức hoành tráng?” - ông Lý hỏi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã khiến nhiều người dự phiên thảo luận cùng bật cười khi dẫn cụm từ “quyết định hạ giải công trình nghệ thuật” trong dự thảo nghị định. “Tôi hỏi thì được biết “hạ giải” tức là phá bỏ, dỡ bỏ đi, vậy tại sao không dùng từ dỡ bỏ, phá bỏ? Với một văn bản pháp quy thì nên dùng từ ngữ để dân chúng dễ hiểu” - ông Hiện nói. L.K. |
Bằng cấp chỉ là một phần Trái ngược với một số đồng nghiệp, ĐKG Phạm Văn Hạng cho rằng quy định về bằng cấp trong sáng tác nghệ thuật nói chung, cụ thể ở đây là mẫu phác thảo tượng đài và tranh hoành tráng, là rất không cần thiết. Ông nói: “Tôi thấy rằng trong nghệ thuật, bằng cấp chỉ là một phần. Điều quan trọng là tài năng, là khả năng sáng tạo. Một người dù có học chuyên ngành bao nhiêu, có bằng cấp cao đến mấy đi nữa thì cũng không thể sánh được những người có tài. Ở phương Tây, kiến trúc sư làm rất nhiều tượng đài hoành tráng và độc đáo. Ngay ở VN, các kiến trúc sư như Ngô Viết Thụ, Nguyễn Ngọc Nhâm... cũng sáng tác các tượng đài đẹp. Tác giả của hồ Con Rùa là anh Nguyễn Kỳ, một kiến trúc sư đấy thôi. Chúng ta hiện nay thường lấy bằng cấp để làm nấc thang, điều này nếu áp dụng trong nghệ thuật sẽ tạo ra sự khập khiễng, khó tìm được công trình vừa mang tính sáng tạo của nghệ sĩ vừa mang dấu ấn sáng tạo của thời đại”. TH.LỘC ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận