Nền cộng hòa 49 ngày (Kỳ cuối)
Phóng to |
Từ phải sang trái: đồng chí Lê Quang Sô, con trai Lê Vũ Lang và con dâu (ảnh chụp ở Hà Nội năm 1956) - Ảnh tư liệu |
Kỳ 1: Tổn thất trước ngày khởi nghĩa Kỳ 2: Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc Kỳ 3: Báu vật 23-11-1940 Kỳ 4: Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?
"Cha tôi đã vẽ quốc kỳ!"
Trong số báo trước, nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang) đã khẳng định tác giả thiết kế cờ đỏ sao vàng căn cứ vào hồi ký năm 1968 của đồng chí Lê Quang Sô. Tuy nhiên, đó là hồi ký thuật lại nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Sô, nên những nội dung liên quan đến việc vẽ cờ đỏ sao vàng chưa được chi tiết lắm.
Nhưng vào tháng 12-2004, con trai đồng chí Lê Quang Sô là ông Lê Vũ Lang đã công bố "Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng". Ông Lê Vũ Lang sinh năm 1920, vào thời điểm Nam kỳ khởi nghĩa ông tròn 20 tuổi, sau đó ông tập kết ra Bắc và trở thành cán bộ Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia. "Tờ khai" này có nội dung như sau:
...Đầu năm 1939, cha tôi là Lê Văn Sô (tức Lê Quang Sô) cùng với ông Hồ Tri Hạ (lớn hơn tôi trên 10 tuổi) loay hoay vẽ thử lá cờ có ngôi sao năm cánh. Lúc đầu vẽ dưới đất, ngôi sao ở góc trên, bên trái.
Khoảng tháng 8-1939, cha tôi có sai tôi đi chợ mua hai tờ giấy hồng đơn màu đỏ và vẽ lên đó ngôi sao bằng bút chì, rồi lấy vôi xoa vào làm ngôi sao trắng, rồi lại bôi đi, thay vị trí ngôi sao, cuối cùng để ở chính giữa. Cuối tháng tám năm đó, đồng chí Thẹo ghé hỏi: có gì mới không? Cha tôi trả lời chỉ xong cờ đỏ có ngôi sao, nhưng chưa ưng ý lắm. Đồng chí Thẹo sau này tôi mới biết rõ tên là Phan Văn Khỏe - bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, thường vụ Xứ ủy Nam kỳ.
Tháng 4-1940, đồng chí Thẹo ghé nhà kiếm cha tôi vào buổi trưa trời nắng chang chang và ngồi nói chuyện rất lâu. Khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Thẹo cùng với cha tôi thức dậy đi đâu không rõ. Khi trở về, cha tôi sai tôi in cho ông các loại truyền đơn có nội dung hiệu triệu các nơi ủng hộ tài chính cho cách mạng. Các tờ truyền đơn này đều có vẽ ngôi sao năm cánh.
Đến tháng 7-1940, cha tôi lại sai tôi đi chợ mua giấy hồng đơn màu đỏ và màu vàng. Hồi đó, cả Đạo Thạnh chỉ gia đình tôi là có xe đạp. Tôi đạp xe ra chợ Vĩnh Kim mua cho cha ba tờ giấy hồng đơn, hai tờ màu đỏ, một tờ màu vàng. Ông Hồ Tri Hạ đã vẽ hình ngôi sao lên giấy vàng và cắt theo đường chì vẽ, sau đó để lên tờ giấy màu đỏ, xoay tới xoay lui cho cha tôi coi. Cha tôi ưng ý để ngôi sao ở giữa và kêu tôi dán vào. Sau đó, cha tôi đem lá cờ giấy có nền đỏ sao vàng đi đâu không rõ.
Khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi và sau này Đảng và Nhà nước lấy làm cờ Tổ quốc. Cha tôi nói với tôi rằng thật ra ý tưởng về một lá cờ quốc gia đã hình thành từ khi ông ở tù cùng với đồng chí Ngô Gia Tự ở Côn Lôn từ năm 1931-1936. Trong thời gian này, ông học tiếng Pháp của Ngô Gia Tự và dạy lại Ngô Gia Tự chữ Nho. Đồng chí Ngô Gia Tự cho rằng cách mạng Việt Nam cần có một ngọn cờ riêng để tập họp thêm đông đảo lực lượng quần chúng, mặc dù trong chi bộ nhà tù chưa có ai hình dung lá cờ như thế nào…
Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói gì?
Như vậy, cơ sở để khẳng định "tác giả quốc kỳ Lê Quang Sô" chính là hồi ký của ông và lời kể của con trai. Cơ sở này có lẽ chắc chắn hơn "lời kể trong rừng của ông Năm Thái" như trường hợp "tác giả Nguyễn Hữu Tiến".
Nhưng liệu những tư liệu đó có đầy đủ giá trị và cơ sở khoa học để kết luận về một vấn đề lịch sử quan trọng hay không? Hơi khó. Do sau khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp dã man và khủng bố tàn bạo bằng hải, lục, không quân trên diện rộng nên đến nay chúng ta vẫn không tìm thấy những tài liệu quan trọng: biên bản và nghị quyết hội nghị Tân Hương tháng 7-1940, hội nghị Bến Lức tháng 4-1940...
Vì vậy, mặc dù lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và nhà nghiên cứu Lê Minh Đức khẳng định tác giả quốc kỳ là đồng chí Lê Quang Sô, Hội đồng biên soạn công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa vẫn tỏ ra thận trọng. Chủ nhiệm công trình, nhà nghiên cứu Trần Giang, cho biết: “Hội đồng đã trao đổi về tài liệu do tỉnh Tiền Giang cung cấp, trong đó nêu đồng chí Lê Quang Sô là người vẽ cờ đỏ sao vàng. Nhưng hội đồng cho rằng đó là hồi ký, chưa đủ căn cứ khoa học để kết luận”.
Còn viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - đã “gút” lại như thế nào tại hội thảo Mỹ Tho năm 2005? Sau đây là nguyên văn phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc về vấn đề tác giả quốc kỳ:
...Trong hội thảo các đồng chí đã đưa ra chi tiết đồng chí Phan Văn Khỏe (bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho) trao đổi với đồng chí Lê Quang Sô và sau đó đi đến thiết kế cờ đỏ sao vàng. Thế thì đến nay có hai loại ý kiến: Một là, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến thiết kế. Hai là, đồng chí Phan Văn Khỏe và đồng chí Lê Quang Sô thiết kế. Nhưng cả hai loại ý kiến trên đều chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định.
Theo chúng tôi, có một vấn đề chung cần thống nhất khẳng định: lá cờ đỏ sao vàng là từ chủ trương của Đảng, là biểu tượng của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nói chủ trương của Đảng là nói chung, nhưng trực tiếp xây dựng lá cờ là Xứ ủy Nam kỳ. Và thực tế đồng chí Khỏe, đồng chí Tiến và một số đồng chí nữa đều tham gia Xứ ủy Nam kỳ. Do đó có thể kết luận lá cờ đỏ sao vàng là do các đồng chí Xứ ủy Nam kỳ trực tiếp xây dựng, ý tưởng và kết quả công trình cờ đỏ sao vàng là của tập thể chứ không phải của cá nhân nào.
Thống nhất như thế có lẽ sẽ thuyết phục hơn. Bây giờ chúng ta khẳng định một ai đó, nếu thế sau này có một công trình khác chứng minh khác đi thì sẽ rất phức tạp.
Chúng ta khẳng định lá cờ đỏ sao vàng ra đời như thế. Sau này Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) đã quyết định: lá cờ Nam kỳ khởi nghĩa được chọn làm lá cờ của Mặt trận Việt Minh. Và Quốc dân đại hội Tân Trào quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó đến Quốc hội khóa 1 (năm 1946), lá cờ đó chính thức trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
* * *
Như vậy, câu hỏi về tác giả lá cờ đỏ sao vàng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể và chính xác. Nhưng hi vọng các nhà nghiên cứu, các sử gia tiếp tục cuộc kiếm tìm. Những cuộc kiếm tìm đó sẽ càng làm sáng tỏ về ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trong lịch sử cứu nước, về khát vọng độc lập cho dân tộc, khát vọng tự do và dân chủ của nhân dân.
Để chuẩn hóa quốc kỳ, ngày 5-9-1945, sau ngày độc lập, Sắc lệnh số 5 do đồng chí Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó, ký thay Chủ tịch Chính phủ lâm thời về quốc kỳ, qui định: Cờ hình chữ nhật màu đỏ và vàng tươi, bề ngang bằng 2/3 chiều dài. Ngôi sao có năm góc lồi và năm góc lõm. Ngôi sao ở trung tâm nền cờ. Mẫu cờ này được kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I tháng 11-1946 biểu quyết thông qua. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I tháng 9-1955, Bộ Tuyên truyền thay mặt Chính phủ báo cáo lên Quốc hội xin sửa đổi chi tiết về ngôi sao vàng trên quốc kỳ như sau: “Múi sao phình ra bây giờ sửa lại múi sao thon lại. Năm góc thẳng đều nhau, như vậy sẽ dễ hơn, đơn giản hơn”. Quốc hội giao cho một tiểu ban nghiên cứu về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy do bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng làm trưởng tiểu ban và báo cáo của tiểu ban đọc trước Quốc hội có đoạn như sau: “Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Chính phủ qui định rằng: hình những cánh sao của quốc kỳ sẽ thon lại. Năm nét thẳng đều nhau. Nhân dân từ trước đến nay vẫn vẽ ngôi sao với cánh thon”. Quốc hội đã nhất trí thông qua qui định này về quốc kỳ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận