Nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân tại lễ nhận giải Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội - Ảnh: V.V.TUÂN |
Lễ viếng ông diễn ra sáng ngày 14-4, tại nhà tang lễ bệnh viện 108, sau đó, chiều cùng ngày, di cốt ông được đưa về an táng tại quê nhà Cẩm Giàng, Hải Dương.
Trưa ngày 14-4, con gái nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết thông tin trên.
Nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân sinh năm 1927, tại Hải Dương. Đến năm 1950, ông cùng gia đình dọn lên Hà Nội. Ông đã “phải lòng” văn hoá Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long từ đó. Với vốn Hà Nội học uyên bác, ông được xem như “cuốn từ điển sống về Hà Nội”.
Khi đã gần 90 tuổi, trải qua ba lần tai biến, bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, nhưng ông vẫn tiếp tục viết sách về Hà Nội.
Ông là tác giả của hơn 30 đầu sách chuyên khảo về đất và người Hà Nội như: Khâm Thiên gương mặt cuộc đời, Từ điển đường phố Hà Nội, Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ, Ký sự địa chí Hà Nội
Năm 2011, ông đã được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô”.
Năm 2015, ông cũng đã được trao Giải thưởng lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hoá (Thông tấn xã VN) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức.
Tại buổi lễ nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, nhà nghiên cứu Giang Quân từng chia sẻ: “Tôi với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái từng cộng tác với nhau 20 năm, thường gặp nhau luôn và hôm nay, tôi được nhận giải thưởng mang tên ông, giải thưởng vì tình yêu Hà Nội, được gặp gia đình ông, tôi rất cảm động.
Nhưng có một điều tôi rất hối tiếc, là trước đây, tất cả các bản vẽ của anh Phái cho các sách, báo…sau khi mang đi in, tôi đã không nghĩ đến chuyện giữ lại những bản vẽ ấy. Nếu vậy thì sẽ có hàng trăm bức tranh của anh Bùi Xuân Phái sẽ còn được lưu giữ đến bây giờ. Đó là sự hối tiếc của tôi, mà tôi cứ nghĩ mãi đến giờ là ngày đó sao mình không nghĩ ra điều ấy. Nhưng có ai nghĩ được giá trị ngày mai của tất cả các tác phẩm của chúng ta? Thời gian, lịch sử, công chúng mới sẽ công nhận nó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận