27/08/2016 14:02 GMT+7

​Tác dụng phụ của xạ trị ung thư

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao (tia X, tia gamma) hoặc các hạt nguyên tử (electron, proton) chiếu vào khối u ung thư nhằm hủy diệt nó.

Xạ trị được áp dụng trong điều trị ung thư từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đến nay, hiểu biết về xạ trị ngày càng sâu, kỹ thuật xạ trị ngày càng cao, nhiều phương pháp xạ trị mới đã được đưa vào sử dụng. Bên cạnh phẫu trị, xạ trị ngày nay vẫn là một vũ khí điều trị mạnh, có khả năng điều trị hết một số loại ung thư và khi phối hợp với phẫu trị, hóa trị làm tăng hiệu quả điều trị đối với các loại ung thư khác.

Cũng như các phương pháp điều trị khác, bên cạnh hiệu quả điều trị, xạ trị cũng có những tác dụng phụ nhất định trên các mô lành của cơ thể. Mục đích của điều trị cần đạt được là giảm các tác dụng phụ này xuống mức thấp nhất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện tác dụng phụ của xạ trị

- Lâm sàng: Vị trí và đáp ứng với xạ trị của khối u ung thư nguyên phát. Sự  dung nạp của mô bình thường quanh khối u với xạ trị. Việc sử dụng hóa trị kèm theo.

- Vật lý: Việc sắp xếp nguồn chiếu xạ, năng lượng bức xạ, các cấu trúc giải phẫu học trên đường đi của tia xạ.

- Sinh học: Đáp ứng của mô ở mức độ phân tử đối với tia xạ, tính nhạy cảm của cơ thể đối với tia xạ.

Tác dụng phụ của tia xạ

Có hai loại cấp tính và mạn tính.

- Tác dụng phụ sớm hay cấp tính: thường thấy trên các tế bào cơ thể có tốc độ tăng trưởng nhanh như tế bào niêm mạc, da, tủy xương. Xuất hiện trong hay ngay sau xạ trị và tăng dần nếu vẫn tiếp tục xạ, đạt mức cao nhất ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Thông thường sẽ hồi phục khi kết thúc xạ trị và không để lại di chứng. Tác dụng phụ này có thể kéo dài và/ hoặc nặng hơn nếu có hóa trị kèm theo.

- Tác dụng phụ muộn hay mạn tính:  Tế bào chết đi với biểu hiện là teo mô hoặc tạng hay xơ hóa. Thông thường diễn tiến chậm, nhiều tháng, nhiều năm nhưng không hồi phục, có ảnh hưởng hoặc làm mất chức năng của tạng.

Các tác dụng phụ của xạ trị thường gặp

1. Trên da

Cấp tính: bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 7 của xạ trị, với các biểu hiện từ  nhẹ đến nặng gồm phát ban da, khô da, tăng sắc tố, rụng lông/tóc, khô da tróc vảy sau 4 - 5 tuần. Có thể tróc vảy ướt 5 - 7 ngày sau khi tróc vảy khô.

Điều trị: chủ yếu là điều trị triệu chứng và tại chỗ.

- Rửa da sạch và để khô tự nhiên.

- Dùng thuốc điều trị tại chỗ: kem Biafin, kem hydrocortisone.

- Sử dụng thêm kháng sinh khi có nhiễm khuẩn và thuốc giảm đau khi đau nhiều.

Muộn: biểu hiện tăng hoặc giảm sắc tố da, giãn mao mạch, rụng tóc vĩnh viễn, loét dai dẳng hoặc teo da, xơ hóa và phù khu trú. 

Điều trị: bằng cách giữ da ẩm, tránh ánh nắng, cắt lọc ngoại khoa, dùng oxy  cao áp, pentoxifylline (Torental), alpha- tocopherol (vitamin E).

2. Trên xương và mô mềm 

Cấp tính: biểu hiện chủ yếu là phù khu trú.

Điều trị: Corticosteroid (Dexamethasone liều uống, giảm dần theo thời gian).

Mạn tính: phù khu trú, hoại tử mô, xơ hóa mô vùng chiếu xạ.

Điều trị: điều trị tương tự tác dụng phụ cấp tính: giữ vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn, Corticosteroid đường uống, pentoxifylline, alpha- tocopherol, oxy cao áp.

3. Trên vùng đầu cổ

Niêm mạc miệng và khẩu hầu

Cấp tính: thường xuất hiện 1 -  2 tuần sau xạ trị vùng đầu cổ.

Triệu chứng bao gồm: cảm giác khó chịu ở miệng, đỏ, viêm loét niêm mạc, đau, chảy máu, khó khăn trong ăn uống. Sau khi ngưng xạ trị, triệu chứng sẽ giảm dần và mất hẳn sau 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ kéo dài và nặng hơn khi có hóa trị kèm theo.

Điều trị: súc miệng liên tục bằng nước muối đẳng trương, soda hoặc bicarbonate đẳng trương. Giảm đau bằng thuốc tê tại chỗ: viscous lidocain 2%, dùng thuốc giảm đau dạng morphine hay morphine tại chỗ, đường uống hoặc chích tùy theo mức độ đau. Dùng    thuốc kháng    nấm (Mycostatin, fluconazole), kháng sinh dự  phòng (amoxicilline + clavulanic acid,  metronidazole) nếu kết quả lâm sàng nghi có nhiễm nấm hoặc bội nhiễm vi khuẩn kèm theo.

Muộn: giảm sắc tố, giãn mao mạch, mỏng niêm mạc. Không có điều trị đặc hiệu, cần giữ vệ sinh răng miệng cẩn thận.

Loét niêm mạc kéo dài: cần dùng thuốc giảm đau phù hợp, dùng oxy cao áp để tránh lộ xương, nguy cơ hoại tử xương.

Thanh quản: xạ trị vùng thanh quản có khả năng gây viêm, phù thanh quản cấp gây khó thở thanh quản, thậm chí ngạt thở. Do đó, cần đánh giá chỉ định mở khí quản dự phòng hoặc mở khí quản cấp cứu khi cần thiết.

Cứng hàm: do xơ hóa khớp thái dương - hàm và/hoặc cơ cắn. Cần phải tập luyện phòng ngừa, điều trị trong và sau xạ trị.

Hoại tử xương hàm do xạ trị: 

Phòng ngừa trước xạ: nhổ răng sâu, chữa bệnh nha chu. Dùng máng răng có fluor, chải răng bằng kem có fluor trong và sau xạ trị.

Các tác dụng phụ khác

Viêm tuyến nước bọt: gây sưng, đau, cô đặc nước bọt, giảm lượng tiết nước bọt gây khó chịu, khô miệng, hạn chế ăn uống.

Điều trị: bù đủ nước, sử dụng nước muối, dung dịch bicarbonate đẳng trương hoặc soda súc miệng. Nếu có thể được, nên che chắn cẩn thận vùng tuyến nước bọt khi xạ trị, dùng thuốc pilocarpin, kem glycerine.

4. Trên vùng hầu và thực quản

Cấp tính: viêm vùng hầu, viêm thực quản, gây nuốt khó, nuốt đau.

Điều trị: sử  dụng thức ăn lỏng (sữa, súp), viscous lidocaine, thuốc giảm đau morphine hoặc dạng morphine như đã đề cập ở trên.

Trường hợp điều trị dài ngày, tiên lượng tác dụng phụ nhiều cần cân nhắc chỉ định đặt ống thông mũi - dạ dày hoặc mở dạ dày nuôi ăn trước khi bắt đầu xạ trị.

Sau xạ trị: chú ý tập luyện phát âm và phản xạ nuốt cho người bệnh. 

Tác dụng phụ muộn: xơ sẹo làm hẹp, gây khó nuốt.

Nuốt sặc: cân nhắc đặt ống nuôi ăn lâu dài hoặc mở khí quản để bảo vệ đường thở.

5. Trên phổi

Cấp tính: viêm phổi do tia xạ. Biểu hiện bằng triệu chứng ho khan dai dẳng sau xạ (trước đó không có), không có biểu hiện viêm nhiễm rõ rệt kèm theo.

Điều trị triệu chứng: thuốc ho, dãn phế quản, khí dung ẩm. Sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm.

Trường hợp triệu chứng kéo dài  không giảm: cân  nhắc sử dụng corticosteroid.

Mạn tính: biểu hiện xơ phổi, xuất hiện 1 - 2 tháng sau khi ngưng xạ trị. Điều trị: điều trị triệu chứng, nâng đỡ là chủ yếu, tập vật lý trị liệu hô hấp, thở oxy, thuốc dãn phế quản…

6. Trên não

Tác dụng phụ cấp tính: làm tăng áp lực nội sọ gây buồn nôn/nôn, nhức đầu, thay đổi ý thức, hành vi.

Điều trị: Dexamethasone, điều trị triệu chứng. Trường hợp nặng có thể dùng thêm Mannitol hoặc các biện pháp hỗ trợ khác.

Tác dụng phụ muộn: hoại tử não khu trú, tổn thương chất trắng lan tỏa (leukoencephalopathy), sa sút sinh lý thần kinh và trí tuệ. Điều trị hạn chế với  Dexamethasone, thuốc chống co giật, động kinh, chăm sóc nâng đỡ.

7. Trên tủy sống

Cấp tính: triệu chứng giống điện giật lan dọc cột sống xuống dưới, đến các chi gây gập cổ, thường tự hết. Điều trị bằng Dexamethasone. 

Mạn tính: viêm tủy tiến triển do xạ trị (CPRM) dù ít gặp nhưng sẽ dẫn đến các di chứng không hồi phục. Điều trị bằng Dexamethasone liều cao và oxy cao áp.

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên