24/05/2017 15:58 GMT+7

​Tác dụng của gừng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng

Gừng là thân rễ (củ) của cây gừng, gừng còn gọi là khương, sinh khương, can khương. Sinh khương là thân rễ (củ) tươi của cây gừng, can khương là thân rễ (củ) khô của cây gừng.

Gừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy củ ăn và làm thuốc. Gừng được sử dụng làm gia vị trong các bữa ăn rất thông dụng của người Việt, đồng thời còn có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt các chứng bệnh liên quan đến bệnh đường tiêu hoá, cảm lạnh…

Gừng giúp cho tiêu hoá được tốt hơn

- Trong gừng tươi có Enzym phân huỷ rất mạnh các protein thành các amino acid làm cho thức ăn dễ được tiêu hoá và loại bỏ các chuỗi peptid lạ nên chống được dị ứng thức ăn. Gừng còn có tác dụng kích thích nhu động ruột làm tăng vận chuyển thức ăn nhưng lại không gây nên sự co thắt quá mức, làm cho thức ăn được tiêu hoá dễ dàng, chống được đầy hơi, chống nôn và tiêu chảy. Trong thí nghiệm trên chuột, gừng còn có tác dụng ức chế việc hình thành Histamin (chất gây dị ứng và gây loét dạ dày tá tràng). Ngày xưa nhân dân đã ứng dụng tính chất chống nôn, giải dị ứng, kích thích tiêu hoá để sử dụng trong chế biến thức ăn , đồ ăn có tính hàn được ăn với gừng như cua, ốc, thịt vịt…

- Sau bữa ăn với đồ ăn có tính hàn (cá, ốc..) mà đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy thì dùng một củ gừng to bằng ngón tay cái (6 – 10g) sắc uống hoặc gia nhỏ pha lấy 30ml nước, cho thêm vài hạt muối vào rồi để uống có tác dụng giảm đau bụng, giảm nôn, cầm tiêu chảy.

- Khi bị lạnh mà đau bụng, tiêu chảy, mệt lả, nôn mửa thì dùng 3 – 6 gam can khương tán nhỏ hoà với nước ấm để uống.

Gừng có tác dụng điều hoà thân nhiệt

- Khi lạnh sử dụng gừng có tác dụng làm cho cơ thể ấm lên là do gừng có tác dụng kích thích trung tâm vận mạch, làm cường tim cho nên chống được lạnh.

- Mặt khác gừng lại làm dãn mạch, tăng tiết mồ hôi, cho nên khi bị sốt dùng gừng thì hạ được nhiệt. Ứng dụng đặc tính này của gừng là để chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi: gừng sống khoảng 50 gam, giả nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượu xào nóng đánh khắp người và xát vào chỗ đau mỏi có tác dụng giải cảm, chữa cảm cúm.

Một số tác dụng khác của gừng

- Chữa bệnh đau nửa đầu: dùng 500 – 600mg can khương (gừng khô) hoà với nước uống lúc lên cơn đau, lặp lại mỗi 4 giờ một lần. Thấy tác dụng giảm đau sau 30 phút uống thuốc. Liệu trình sử dụng 4 ngày liên tục, sau đó sử dụng gừng tươi để ăn hàng ngày. Khi sử dụng điều trị đau nửa đầu như trên thấy cơn đau đầu nhẹ hơn, tần xuất thưa hơn.

- Gừng có tác dụng giảm đau, kháng viêm: trong gừng có chất chống ôxy hoá, ức chế hình thành các chất gây viêm (Protaglandin): một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học trên thế giới cho kết quả: 75% người đau xương khớp và 100% người đau cơ được giảm đau và giảm sưng khi sử dụng gừng khô với liều 500mg – 1000mg trong vòng từ 3 tháng đến 30 tháng. Một nghiên cứu khác cho thấy: những người bị viêm khớp dạng thấp ít đáp ứng với nhiều loại thuốc khác nhưng khi dùng mỗi ngày 5gam gừng tươi hoặc 1gam gừng khô thì bệnh có chuyển biến rõ rệt: giảm đau, giảm sưng, cải thiện được độ hoạt động của khớp, giảm cứng khớp buổi sáng.

Tóm lại gừng là một vị thuốc, một thứ gia vị thông dụng trong mỗi gia đình người Việt, chúng ta biết được tác dụng của củ gừng sẽ tốt trong chế biến thức ăn để làm giảm tính hàn của một số đồ ăn, hạn chế được vấn đề dị ứng thức ăn; có thể điều trị ban đầu một số chứng bệnh thông thường như tiêu chảy, đau bụng lạnh, cảm sốt, nôn ói.., tuy nhiên một số trường hợp như đau bụng do nhiệt, trong ngoài đều nhiệt thì không được sử dụng gừng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gừng củ gừng