08/05/2019 06:31 GMT+7

Tá hỏa thấy mình là 'gương mặt đen' dán trước thiên hạ

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Các tổ chức công chứng thường dán hình đối tượng sử dụng giấy tờ giả tại trụ sở để phòng ngừa, cảnh báo. Mới đây do nhầm lẫn, một văn phòng công chứng đã "bêu" luôn hình người ngay.

Tá hỏa thấy mình là gương mặt đen dán trước thiên hạ - Ảnh 1.

Anh Nam bên vách kính có dán hình của anh cạnh hình của P.T.T. và nhiều hình khác bị “bêu” cảnh giác tại trụ sở VPCC Hoàng Xuân Hoan - Ảnh: ÁI NHÂN

Việc "bêu" hình anh Nam như vậy của văn phòng công chứng là sai quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Trâm (Đoàn luật sư TP.HCM)

Người bị "bêu" hình là anh Trần Phương Nam (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM). Anh Nam bị Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan (Q.5, TP.HCM) "bêu" hình trên bảng tin "Những đối tượng dùng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng" tại trụ sở của văn phòng.

Từ nạn nhân thành đối tượng bị "bêu" hình

Sáng 23-4, anh Nam nhận cuộc gọi từ người quen làm thủ tục công chứng tại văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan thông báo thấy hình ảnh của anh Nam trên bảng thông tin các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để yêu cầu công chứng của văn phòng.

Quá bất ngờ, anh Nam liền đến văn phòng để kiểm tra thì phát hiện sự việc đúng như người quen thông báo. Anh Nam lập tức làm việc với công chứng viên Hoàng Xuân Hoan, thì được ông Hoan giải thích là hình ảnh ông lấy trên hệ thống thông tin nội bộ công chứng. Quá bức xúc, anh Nam trình báo Công an P.8, Q.5 ghi nhận việc anh bị "bêu" hình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nam cho hay cuối tháng 3-2019, anh có đến Văn phòng công chứng Tân Phú (Lũy Bán Bích, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) để làm thủ tục công chứng việc mua đất từ một người tên P.T.T.. Tuy nhiên văn phòng công chứng này phát hiện giấy tờ mà P.T.T. dùng để công chứng bán đất cho anh Nam là giấy tờ giả nên đã ngăn chặn.

Sự việc ngay lập tức được báo cho công an phường và Công an Q.Tân Phú. Lực lượng công an có mặt và đã mời P.T.T. về trụ sở giải quyết. Đồng thời, anh Nam là nạn nhân bị P.T.T. lừa lấy tiền cọc 50 triệu đồng để mua đất cũng được cơ quan công an ghi nhận giải quyết. Vụ việc đang được công an giải quyết thì xảy ra sự việc anh nam bị "bêu" hình. Hình của anh Nam bị dán bên cạnh hình của đối tượng P.T.T..

Anh Nam cho hay khi phát hiện bị "bêu" hình, anh đã vận động vài người anh em chia nhau đi một số văn phòng công chứng khác để xem còn nơi nào "bêu" hình của mình nữa không. Anh Nam làm nghề mua bán nhà đất, đây là lần đầu tiên anh bị lừa mà còn bị "bêu" hình. 

"Tôi rất bức xúc vì danh dự, uy tín ảnh hưởng. Tôi không phải là người dùng giấy tờ giả để công chứng mà bị "bêu" hình như vậy. Trong khi kể cả những đối tượng phạm tội hình sự khác còn chưa bị "bêu" hình như vậy..." - anh Nam nói.

"Bêu" hình là sai quy định

Hiện nay, tình trạng "bêu" hình như vậy là khá phổ biến ở các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP. Một đại diện Hội Công chứng viên TP.HCM cho hay nhiều năm qua, các vụ việc dùng giấy tờ giả để công chứng (chủ yếu lừa đảo mua bán nhà đất) xảy ra rất nhiều nhưng cơ quan công an xử lý chưa tương xứng.

Vì vậy, Hội Công chứng viên có thiết lập mạng nội bộ thông tin về công chứng để tự bảo vệ mình. Trên đó các văn phòng, phòng công chứng chia sẻ các clip, hình ảnh đối tượng kèm giấy tờ giả xảy ra tại đơn vị mình đưa lên hệ thống tin nội bộ.

"Thông tin, hình ảnh chia sẻ trong hệ thống mạng nội bộ chỉ có giá trị tham khảo cho các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phòng tránh các trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo. Tuy nhiên, việc sử dụng các thông tin, hình ảnh đó như thế nào là việc của mỗi tổ chức. Và tổ chức hành nghề công chứng tự chịu trách nhiệm trước việc sử dụng thông tin, hình ảnh đó..." - đại diện Hội Công chứng viên TP.HCM khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, công chứng viên Hoàng Xuân Hoan - trưởng văn phòng - cho hay sau khi anh Nam đến văn phòng phản ảnh sự việc thì ông Hoan đã cho gỡ hình ảnh anh Nam xuống.

Giải thích về mục đích, ông Hoan cho rằng việc dán hình chỉ nhằm để các công chứng viên của văn phòng ghi nhớ hình ảnh của đối tượng dùng giấy tờ giả để kịp thời phát hiện, xử lý. Đồng thời, việc dán hình cũng có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn đối tượng khi đối tượng đến văn phòng công chứng. 

"Clip do Văn phòng công chứng Tân Phú ghi lại, đưa lên hệ thống. Trong đó, ngoài hình ảnh của P.T.T. còn có cả anh Nam mà không ghi chú anh Nam chỉ là người đi công chứng mua đất. Từ đó tôi in hình cả anh Nam và P.T.T. dán cạnh nhau tại trụ sở. Việc nhầm lẫn là đáng tiếc, tôi xin lỗi anh Nam..." - ông Hoan nói.

Bình luận vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Bích Trâm - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết việc "bêu" hình anh Nam như vậy của văn phòng công chứng là sai quy định pháp luật. Mặc dù hình chỉ bị "bêu" trong phạm vi trụ sở, nhưng nhiều người có thể nhìn thấy và thực tế người quen của anh Nam đã nhìn thấy, điều đó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của anh Nam.

Anh Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ cho mình. Đồng thời có thể yêu cầu bên có lỗi phải xin lỗi công khai, bồi thường...

Luật sư Bích Trâm phân tích: việc các văn phòng công chứng phát hiện người dùng giấy tờ giả để công chứng thì báo cho cơ quan công an tiếp nhận xử lý theo quy trình tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Điều này không đồng nghĩa với việc đối tượng có bị khởi tố, kết án về hành vi đó hay không.

"Kể cả khi đối tượng bị kết án thì việc tổ chức công chứng "bêu" hình cũng là không đúng quy định. Tôi hoàn toàn chia sẻ áp lực của các tổ chức hành nghề công chứng trước nạn giả giấy tờ hiện nay. Tuy nhiên, họ chỉ nên sử dụng thông tin trong hệ thống nội bộ để tham khảo, phòng ngừa chứ không tùy tiện "bêu" hình như vậy..." - luật sư Bích Trâm chia sẻ.

Đừng bêu tên em dưới cờ, thầy ơi! Đừng bêu tên em dưới cờ, thầy ơi!

TTO - 'Em Danh không thuộc bài, em Sơn nhiều lần không mang dép quai hậu, em Dương chưa đóng học phí, em Sơn và em Danh hay nói chuyện để giáo viên nhắc nhiều lần, em Đăng mang dao nhựa nhọn đến lớp...'.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên