18/04/2008 17:51 GMT+7

Suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thế giới

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Dù Tổng thống Bush đã tiếp tục thúc đẩy kế hoạch kích thích nền kinh tế Mỹ bằng giải pháp cả gói trị giá trên 150 tỉ USD và Cục Dự trữ liên bang (FED) còn có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhiều nhà quan sát tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn sẽ tiếp tục bị xuống dốc.

BtQYcv8n.jpgPhóng to
Thị trường chứng khoán bị sụt giảm
Dù Tổng thống Bush đã tiếp tục thúc đẩy kế hoạch kích thích nền kinh tế Mỹ bằng giải pháp cả gói trị giá trên 150 tỉ USD và Cục Dự trữ liên bang (FED) còn có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhiều nhà quan sát tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn sẽ tiếp tục bị xuống dốc.

Tình trạng thắt chặt tín dụng đang diễn ra trên toàn nước Mỹ vì các tập đoàn tài chính đã thua lỗ nặng nề. Giá dầu vượt hơn 100 USD/thùng khiến dân Mỹ không dám tiêu xài mạnh tay như trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn không ngừng tăng. Dù giá nhà cứ giảm và giảm nữa nhưng người Mỹ lúc này đã rỗng túi, không thể sử dụng ngôi nhà của mình như máy rút tiền ATM để thỏa mãn thú vui mua sắm như trước. Sự thật là kinh tế Mỹ đã và đang suy thoái.

Thế giới đang theo dõi tình hình ở Mỹ với sự lo lắng ngày một tăng. Trong những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã tồn tại sự mất cân đối lớn. Dân Mỹ chi nhiều hơn những gì họ kiếm được và do đó, thâm hụt thương mại của nước này luôn ở mức cao. Khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu tấn công nước Mỹ, các nhà quan sát hy vọng nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia khác trên thế giới sẽ đủ sức bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu tại Mỹ.

Nhưng điều này không thể xảy ra vì người Mỹ chi tiêu khoảng 9.000 tỉ USD mỗi năm, trong khi người Trung Quốc chỉ tiêu khoảng 1.000 tỉ USD, còn người Ấn chi trên 600 tỉ USD. Thậm chí người dân ở những nước giàu có thuộc châu Âu hay Nhật Bản cũng không dám mạnh dạn mở hầu bao vì tốc độ tăng thu nhập thấp và tình hình bất ổn của kinh tế toàn cầu khiến họ quan tâm đến tiết kiệm hơn là tiêu dùng.

Nước Mỹ chiếm tới 25% GDP của toàn thế giới và giữ vai trò quan trọng trong các giao dịch tài chính quốc tế. Do đó, lo ngại về việc “virus tài chính” ở Mỹ có thể đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn thụt lùi của kinh tế thế giới là có cơ sở. Điều này không đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trên toàn cầu, nhưng rõ ràng nhiều nước sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm chạp. Lý do là kinh tế Mỹ suy thoái sẽ gây ra sáu tác động mạnh đến kinh tế thế giới.

1. Thương mại toàn cầu sụt giảm

LC3ipO0m.jpgPhóng to
Người tiêu dùng Mỹ giờ cũng phải đắn đo khi mua sắm

Đây là ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất. Nếu cả sản lượng và nhu cầu của nền kinh tế Mỹ cùng suy giảm thì tiêu dùng tư nhân và việc đầu tư của các công ty, rồi các hoạt động sản xuất cũng giảm, dẫn tới sự sụt giảm trong nhập khẩu các loại hàng hóa từ thị trường bên ngoài.

Trong khi đó, rất nhiều nước trên thế giới coi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, trong đó nổi bật là Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Nhập khẩu vào Mỹ giảm sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của những nước này.

Người Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại vì Mỹ là nước tiêu dùng lớn nhất, còn họ là những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nếu người Mỹ không mua hàng thì hàng “Made in China” sẽ đi về đâu? Trước đây, Hàn Quốc và Đài Loan sản xuất nhiều hàng điện tử để xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, nhưng với sự nổi lên của Trung Quốc trong lĩnh vực này, các nước châu Á đã chuyển sang sản xuất linh kiện để xuất sang Trung Quốc để Trung Quốc lắp ráp thành sản phẩm “Made in China” rồi xuất sang Mỹ. Hàng của Trung Quốc không bán được thì các nước châu Á khác chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng cũng bị khốn đốn theo.

2. Đồng USD yếu khiến mọi chuyện thêm tồi tệ

Sự suy yếu của kinh tế Mỹ và việc FED liên tiếp cắt giảm lãi suất đồng USD đã khiến giá trị đồng tiền này giảm mạnh so với nhiều đồng tiền thả nổi khác như euro, yen và won. Đồng USD yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, nhưng lại là cơn ác mộng đối với các nhà xuất khẩu Đức, Nhật và Hàn Quốc vì họ bị phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ.

3. Bong bóng bất động sản sẽ nổ tung toàn cầu

Yc3nILmQ.jpgPhóng to
Căn nhà bị phát mãi

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có tình trạng bong bóng xảy ra trên thị trường bất động sản trong những năm gần đây. Hoạt động tín dụng lỏng lẻo, mức lãi suất thấp và dài hạn cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác, nhất là ở châu Âu.

Mỹ không phải là nước duy nhất chứng kiến bong bóng bất động sản đang tan vỡ. Các nước Anh, Iceland và Tây Ban Nha cũng đang rất lo lắng vì họ chỉ đứng sau Mỹ chút ít về tốc độ mất giá của nhà đất. Các nước khác có nguy cơ nổ bong bóng là Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italia, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Baltique.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Trung Quốc, New Zealand và Singapore đều đã xảy ra những vụ nổ bong bóng nhà đất tại một số khu vực. Cả Ấn Độ cũng xảy ra tình trạng bong bóng địa ốc. Những bong bóng này chắc chắn sẽ vỡ một khi bị tình trạng thắt chặt tín dụng và lãi suất cao chích vào. Điều đó dẫn tới tốc độ tăng trưởng thấp và nghiêm trọng hơn là suy thoái kinh tế.

4. Giá hàng hóa và nguyên vật liệu thô sẽ giảm

Vì giá dầu tăng cao nên nhu cầu và giá cả của thế giới đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ kéo dài không lâu vì hai đầu máy của kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, kéo theo sự sụt giảm mạnh nhu cầu của các loại hàng hóa như dầu, thực vật và khoáng sản. Điều này tất yếu sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu và tăng trưởng của các nước xuất khẩu các mặt hàng này từ châu Phi và Mỹ Latinh. Chẳng hạn, Chilê là nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới (đồng được sử dụng để làm chip máy tính và dây điện) chắc chắn sẽ bị giảm lượng hàng xuất khẩu, khiến giá cả và nhu cầu về đồng cùng giảm, hệ quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chilê tất nhiên bị giảm theo.

5. Niềm tin vào thị trường tài chính bị lung lay

Cuộc khủng hoảng tín dụng đã gây ra tình trạng thắt chặt thanh khoản và tín dụng trên phố Wall rồi lan rộng ra thị trường tài chính ở nhiều nước khác. Một lượng trái phiếu bất động sản chứa đựng đầy rủi ro và nợ thế chấp của Mỹ đã được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lý do tại sao những thất thoát tài chính do tình trạng vỡ nợ tại các thành phố của Mỹ như Cleveland, Las Vegas và Phoenix lại có tác động mạnh đến Úc và châu Âu, thậm chí tới cả những ngôi làng nhỏ ở Na Uy.

Niềm tin tiêu dùng bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là tại châu Âu và Nhật Bản sẽ yếu hơn trước những tin xấu về kinh tế Mỹ. Những khoản thua lỗ trong hoạt động tại Mỹ cũng sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia phải cắt giảm đầu tư xây dựng nhà máy không chỉ ở Mỹ, mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Các tập đoàn tại châu Âu sẽ bị tác động lớn hơn do họ phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng nhiều hơn các doanh nghiệp Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán toàn cầu, các nhà đầu tư tỏ ra e dè hơn trước vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đã chậm hẳn lại. Một kịch bản thường gặp là khi các nhà đầu tư phố Wall bán tháo cổ phiếu, khiến chỉ số Dow Jones sụt giảm thì chỉ một vài giờ sau, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Á cũng đi xuống, sau đó, tình hình các thị trường chứng khoán châu Âu cũng diễn biến tương tự.

6. Các ngân hàng trung ương bó tay

bs7mWGSN.jpgPhóng to
Người dân biểu tình tại trụ sở của Bear Stearns
Những người lạc quan tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương có thể cứu thế giới khỏi những tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế ở Mỹ. Người ta vẫn nhớ rằng ở kỳ suy thoái năm 2001, FED đã cắt giảm lãi suất từ 6,5% xuống còn 1%, Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm lãi suất từ 4% xuống 2%, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giảm lãi suất xuống 0%. Nhưng hôm nay, khả năng của các ngân hàng trung ương sử dụng các công cụ tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hạn chế tác động của tình trạng kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đã hạn chế hơn trước rất nhiều.

Lạm phát tăng cao tại nhiều nước đang bó tay các ngân hàng trung ương. FED sẽ còn cắt giảm lãi suất, nhưng chắc chắn sẽ e ngại về tình trạng mất giá liên tiếp của đồng USD khiến các nhà đầu tư nước ngoài không muốn bỏ tiền mua các loại trái phiếu của Mỹ. Trong nền kinh tế toàn cầu nói chung, đồng USD yếu sẽ tạo ra trò chơi có kết quả cuối cùng bằng 0: đồng USD yếu sẽ có lợi cho xuất khẩu của Mỹ, nhưng lại làm tổn thương khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của các đối tác thương mại gần gũi với Mỹ.

Chính sách tiền tệ cũng kém tác dụng hơn vào thời điểm này vì nguồn cung nhà cửa, xe cộ và hàng tiêu dùng khác trên thế giới nói chung đang rất dư dả. Nhu cầu đối với những hàng hóa này đã bớt nhạy cảm hơn trước những biến động lãi suất vì phải mất nhiều năm người tiêu dùng mới có thể xài hết lượng hàng hóa thừa mứa này. Việc cắt giảm thuế cho dân Mỹ cũng chẳng thể thay đổi tình huống, nhất là khi dân Mỹ đang nợ như chúa chổm.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của FED. Vấn đề lớn mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt không phải là thiếu tiền, mà là những khoản nợ không trả nổi. Hàng triệu ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị tịch biên vì người sở hữu không có tiền trả nợ và hơn 100 tổ chức cho vay cầm cố đang đứng bên bờ vực phá sản. Không chỉ cho vay cầm cố, các ngân hàng Mỹ còn thả cửa cho các doanh nghiệp vay để đầu tư vào các vụ mua lại hoặc vào các cơ sở thương mại, dịch vụ.

Do đó, nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi, khối lượng vỡ nợ của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng vọt. Thêm vào đó, ở Mỹ còn tồn tại một hệ thống ngân hàng chợ đen, bao gồm những tổ chức tài chính không phải là ngân hàng nhưng lại vay tiền ngắn hạn để cho vay hoặc đầu tư dài hạn, chẳng hạn các quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ có thể bị rút sạch vốn trong vòng một đêm, hay các quỹ phòng hộ chỉ được báo trước một tháng để trả nợ. Một lượng không nhỏ các quỹ đó đã tự trói mình vào những loại trái phiếu có độ rủi ro cao và dài hạn, do đó sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn vì không được nhận hỗ trợ của FED trong trường hợp xấu nhất.

Khả năng áp dụng các biện pháp kích thích tài chính của Chính phủ Mỹ hiện nay cũng đã hạn chế hơn trước rất nhiều do Mỹ, Nhật và châu Âu hiện đều cùng ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách. Trong lần suy thoái trước, ngân sách của Mỹ đã đi từ thặng dư 2,5% GDP vào năm 2000 đến thâm hụt 3,2% GDP vào năm 2004. Nhưng lần này, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã ở mức cao và chính phủ Mỹ chỉ có thể thực hiện kích thích tài chính bằng 1% GDP như trong kế hoạch kích thích kinh tế cả gói mới đây của ông Bush.

Vào thời điểm hiện nay, kế hoạch kích thích kinh tế của ông Bush khó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn và những gì mà FED đang làm là quá ít ỏi, lại muộn màng. Nước Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết những vấn đề đã dẫn tới cuộc khủng hoảng này. Nguyên nhân có rất nhiều, nào quản lý yếu kém đối với các hoạt động cho vay cầm cố, thiếu minh bạch đối với những sản phẩm tài chính phức tạp, nào chính sách khuyến khích thiếu hợp lý về lương, thưởng cho lãnh đạo các ngân hàng, quản lý rủi ro kém, nào đánh giá tín dụng sai lầm…

Trong thế giới phẳng ngày nay, nếu sự phụ thuộc lẫn nhau có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia vào những thời điểm tốt đẹp, thì chính những ràng buộc thương mại và tài chính còn gây cả tác động ngược, bởi lẽ suy thoái ở những nước mạnh sẽ “truyền nhiễm” sang các nước khác theo những mức độ khác nhau.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên