23/09/2014 08:09 GMT+7

​Sụt lún đất cạnh lòng hồ thủy điện

CHÍNH THÀNH
CHÍNH THÀNH

TT - Cả trăm hộ dân sống cạnh lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 (các huyện Di Linh và Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đang sống trong lo lắng vì đất ở sụt lún nguy hiểm.

Ông Đặng Quang (ở xã Liên Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng) bên khu vườn cà phê bị sụt lún - Ảnh: C.Thành

Liên tiếp một tuần nay, cả trăm hộ dân sống cạnh lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 (các huyện Di Linh và Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) sống trong lo lắng khi khu đất cả trăm hecta nơi họ đang sống sụt lún, nứt toác, trượt dần xuống phía lòng hồ.

Cơ quan chức năng cho biết khu vực trên nằm cách lòng hồ thủy điện 300-600m, ngoài vùng giải tỏa để tích nước của thủy điện Đồng Nai 2.

Trước đó năm 2013, hiện tượng sụt lún, nứt đất đã xảy ra tại đây chỉ sau một thời gian ngắn khi lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 tích nước.

Trước khi có khẳng định chính xác và có cơ sở khoa học từ các chuyên gia về nguyên nhân gây sụt lún đất, theo tôi, người dân không nên xây nhà tại khu vực trên và tránh ở qua đêm vì có thể nguy hiểm tới tính mạng

Ông LÊ XUÂN THÁM 
(giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng)

Sống thấp thỏm từng giờ

Sáng 22-9, ông Đặng Quang (ngụ xã Liên Hà, huyện Lâm Hà) cho biết 8 sào cà phê nhà ông đã bị sụt lún hoàn toàn khiến gần 1.000 cây cà phê 10 năm tuổi chỉ sau một đêm đã nghiêng ngả, đứt rễ hoặc bật gốc.

Ông Quang mô tả vết lún nứt dài 200m, sâu 3m so với vị trí ban đầu. Vụ sụt đất cũng làm nhà ông Quang xuất hiện các vết nứt chân chim rải rác từ móng lên tường nhà.

“Đêm qua mưa gió vợ chồng tôi không dám ngủ, cứ thấp thỏm không biết nhà bị đất lở kéo sập khi nào. Sáng dậy chứng kiến vườn bị sụt lún tan hoang mà rầu!” - ông Quang kể.

Hai con của ông Quang đêm xuống phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm phòng nguy cơ xấu nhất xảy ra. Anh Đặng Văn Xuân (xã Liên Hà) cũng cho biết sáng 22-9 khi đi kiểm tra ao nước rộng gần 2.000m2 của gia đình ở cạnh vườn nhà ông Quang thì tá hỏa phát hiện diện tích ao chỉ còn lại gần 200m2 do đất sụt lún phía trên kéo xuống lấp gần hết.

Đến sáng 22-9, tại thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh có thêm khoảng 2ha đất bị sụt. Trước đó, thống kê sơ bộ từ UBND huyện Di Linh cho thấy vụ sạt lở đất ngày 15-9 tại đây đã làm 51ha cà phê và các loại cây trồng khác bị ảnh hưởng nặng.

Anh Điểu Văn Quang - một người dân ở thôn Gia Bắc 2, người chứng kiến cảnh đất trượt ngay trước nhà mình - kể:

“Đêm 16-9 mưa lớn, ngồi trong nhà tôi thấy đất trượt trôi ngay trước mặt. Chỉ chưa đầy một giờ, vụ trượt đất kéo phăng cả tám cột điện trung thế đi một đoạn hơn 10m mới dừng lại”.

Nhưng điều anh Quang lo nhất là việc sụt lún đất có thể làm sập nhà, nguy hiểm tính mạng bất cứ khi nào.

Ông Lương Văn Tư, một người dân có đất bị lún nứt, nói như mếu:

“Mới 10 ngày trước 2ha cà phê của tôi có người mua 2 tỉ đồng. Đùng một cái gần 3 sào vuờn cà phê bị nứt toác loang lổ giữa vườn. Giờ có cho không cũng không ai đụng tới”.

Một cán bộ xã Tân Nghĩa cho biết đất của ông Tư và nhiều hộ dân tại thôn Gia Bắc 2 đều có sổ đỏ và nằm ngoài vùng giải tỏa của thủy điện.

Tuy nhiên, do đất lún nứt lan rộng bất thường, người dân không thể bán được đất, còn ở lại thì lo nơm nớp từng phút.

Không loại trừ biến động địa chất do thủy điện tích nước

Những thay đổi này được giới chuyên môn gọi là tai biến địa chất. Từng đi khảo sát nhiều lần tại khu vực đất lún nứt ở hai huyện Di Linh và Lâm Hà, ông Lê Xuân Thám, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng, cho rằng những thay đổi ở khu vực trên không thể loại trừ nguyên nhân do thủy điện Đồng Nai 2 tích nước gây ra.

Tuy nhiên, qua những khảo sát sơ bộ ban đầu, ông Thám cho rằng chưa ghi nhận được việc tích nước của thủy điện Đồng Nai 2 ảnh hưởng tới các tai biến địa chất xảy ra ở khu vực nói trên từ tháng 9-2013 đến nay.

Ông Lê Anh Tuấn, trưởng phòng tổ chức Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam (đơn vị chủ đầu tư), cho biết sẽ ghi nhận hiện trường vụ lún nứt đang lan rộng tại các thôn ngay khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2.

Ông Tuấn khẳng định khi làm các báo cáo đánh giá tác động môi trường thì khu vực lân cận gần lòng hồ thủy điện đều đủ tiêu chuẩn cho phép, không có dấu hiệu tai biến địa chất nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo biên bản làm việc của Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng và đại diện các cơ quan liên quan sau vụ lún nứt đất tại huyện Di Linh cuối năm 2013, nguyên nhân ban đầu được đánh giá là khu vực cạnh lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 nằm trong vùng có nguy cơ tai biến địa chất cao và trung bình.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chương trình Tây nguyên 3, từng có hai tuần nghiên cứu thực địa tại khu vực trên - cho biết tới tháng 3-2015 đề tài khảo sát mới có báo cáo đánh giá nguyên nhân chính thức.

Tuy nhiên, tiến sĩ Huyên cho biết đã gửi báo cáo chuyến khảo sát tới UBND tỉnh Lâm Đồng đầu năm nay.

Theo báo cáo này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không ở qua đêm trên vùng đất có nguy cơ sụt lún cao vào mùa mưa lũ.

Hiện tượng sụt lún đất sẽ còn tiếp tục xảy ra do kết cấu đất yếu, bề mặt đất tại khu vực trên được đánh giá là không bền vững.

Di dời và hỗ trợ dân ra khỏi vùng sụt lún

Ông Lê Viết Phú - phó chủ tịch UBND huyện Di Linh - cho biết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định hỗ trợ 300 triệu đồng cho 46 hộ dân thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa bị ảnh hưởng bởi vụ lún nứt đất gần khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2.

Ngoài ra, theo ông Phú, 11 hộ có nhà xây kiên cố trên vùng bị sạt lở đã được vận động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các hộ còn lại có đất nông nghiệp nhưng không xây nhà kiên cố trên đất được chính quyền khuyến cáo không ở lại khu vực đất lún nứt qua đêm để tránh rủi ro có thể xảy ra bất ngờ.

CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên