01/11/2004 10:12 GMT+7

Sức ép gia tăng dân số đang trở thành vấn đề "nóng"

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Tỉ lệ phát triển dân số năm 2003 là 1,47%. Năm 2004, con số này tiếp tục tăng. Ước tính mỗi năm có thêm 1,1 - 1,2 triệu công dân mới. Tuổi Trẻ trao đổi với chánh văn phòng Ủy ban Dân số - gia đình & trẻ em Nguyễn Văn Tân chung quanh vấn đề này.

pJMkeL3N.jpgPhóng to
TT - Tỉ lệ phát triển dân số năm 2003 là 1,47%. Năm 2004, con số này tiếp tục tăng. Ước tính mỗi năm có thêm 1,1 - 1,2 triệu công dân mới. Tuổi Trẻ trao đổi với chánh văn phòng Ủy ban Dân số - gia đình & trẻ em Nguyễn Văn Tân chung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Tân, chánh văn phòng Ủy ban Dân số - gia đình & trẻ em cho biết:

- Theo chiến lược dân số VN 2001-2010 mà Thủ tướng đã phê duyệt, đến 2005 chúng ta phải đạt một số mục tiêu chính mà chủ chốt nhất là đạt mức sinh thay thế, bình quân trong toàn xã hội mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con, tỉ lệ tăng dân số đạt mức 1,22%. Với tình hình trong vài năm trở lại đây, đặc biệt từ 2003 thì chắc chắn mục tiêu đặt ra trong 2005 không đạt được. Tuy nhiên nếu làm quyết liệt, với những giải pháp đồng bộ, được tính toán kỹ thì chúng ta có thể đạt mục tiêu đã đặt ra vào 2010. Tôi nhấn mạnh rất nhiều ở chữ “nếu”. Bởi nếu chúng ta lơ là, buông trôi thì sự việc sẽ hoàn toàn khác. Nước VN ta khi ổn định qui mô dân số vào khoảng giữa thế kỷ này ở mức 115 triệu người hay 120, 125 triệu hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng của chúng ta hôm nay.

* Nguyên nhân nào dẫn đến tình hình trên?

Theo số liệu Tổng cục Thống kê đã công bố, tỉ lệ phát triển dân số năm 2003 là 1,47%, tăng hơn năm 2002 khoảng 1,5 phần ngàn. Nếu tính theo số tuyệt đối, số người dân tăng thêm do tỉ lệ tăng dân số tăng đã xấp xỉ 100.000 người.

Năm 2004 mức sinh tiếp tục tăng so với 2003, số người sinh con thứ ba và tỉ lệ người sinh con thứ ba đều tăng. Ngay cả ở thủ đô Hà Nội, nơi làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình trong nhiều năm, tỉ lệ người sinh con thứ ba rất thấp, nhưng số cán bộ, công chức, đảng viên sinh con thứ ba trong tám tháng đầu năm 2004 đã gấp đôi... cả năm 2003.

- Do chúng ta đã thỏa mãn, chủ quan trước những kết quả ban đầu đã đạt được. Việc phân bổ ngân sách theo qui chế mới (chuyển thẳng về địa phương) cũng đã dẫn đến không khuyến khích được những địa phương làm tốt.

* Ông nghĩ thế nào về nguyên nhân được rất nhiều chuyên gia thừa nhận là pháp lệnh dân số năm 2003 và việc chậm chạp trong ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện pháp lệnh?

- Pháp lệnh dân số có hiệu lực từ 1-5-2003, như vậy toàn bộ nhóm sinh năm 2003 không thể kết luận từ nguyên nhân pháp lệnh dân số. Trong khi đó, tỉ lệ tăng dân số đã tăng từ 2003, như vậy không thể qui hết trách nhiệm cho pháp lệnh dân số. Nhưng tất nhiên pháp lệnh cũng có ảnh hưởng đến mức tăng sinh năm 2004. Cũng về mặt chủ quan, còn có những nguyên nhân trong quản lý điều hành, ví dụ công tác tuyên truyền vận động chậm đổi mới. Khi đời sống đã nâng lên, chúng ta vẫn trưng khẩu hiệu “sinh ít con để đảm bảo kinh tế gia đình”, nhưng nay sinh nhiều con cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống người ta cả. Công tác dự báo của chúng ta cũng không tốt. Chúng ta cũng thiếu kinh nghiệm và chậm trễ trong xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện pháp lệnh.

* Có ý kiến cho rằng không nên kiềm chế mức sinh ở đối tượng trí thức, cán bộ công chức, người dân đô thị, trong khi dân số vẫn tăng nhanh ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa vì sẽ ảnh hưởng đến cải thiện chất lượng dân số. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Tôi cũng là trí thức nhưng tôi hoàn toàn không tán thành loại ý kiến này. Trong thực tế, những người xuất sắc không hoàn toàn xuất thân từ giới trí thức, từ thành phố, mà có nhiều người xuất thân từ nông thôn. Chưa có một kết luận nào khẳng định rằng những người xuất chúng xuất thân từ tầng lớp trí thức, tầng lớp cao nhiều hơn. Hãy xem con cái của những người giỏi giang có giỏi giang hơn con cái những người không giỏi giang không? Đây là một quá trình sinh học - xã hội rất phức tạp, chưa ai giải mã được. Cải thiện chất lượng dân số, theo tôi, nên gắn với hạn chế tốc độ tăng dân số để mỗi nhà sinh ít con hơn, tạo điều kiện cho họ nuôi dạy, chăm sóc con tốt hơn.

* Chương trình dân số 10 năm qua đạt nhiều kết quả tốt, nhưng hình như các ông phải dựa vào nhiều biện pháp xử phạt, xử lý mới đạt được chứ nó chưa xuất phát từ ý thức người dân?

- Tôi không đồng ý cách đánh giá cho rằng kết quả tốt của chương trình kế hoạch hóa gia đình trong gần 10 năm qua là do các biện pháp hành chính. Nếu ai đã đọc nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần 4 khóa 7 về chính sách kế hoạch hóa gia đình một cách kỹ càng thì thấy rằng trong nghị quyết ấy, các biện pháp hành chính chỉ dành cho cán bộ công chức và đảng viên, chứ không phải dành cho những người dân thường. Cho nên phải khẳng định rằng khi nghị quyết đi vào cuộc sống, chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình căn bản dựa trên sự tự nguyện của người dân. Những kết quả đạt được cũng dựa trên sự tự nguyện của người dân là chính chứ không phải dựa vào những yếu tố xử phạt xử lý, nhất là từ năm 1993 trở đi. Về cơ bản, có khá đông người trẻ tuổi, nhất là lớp người dưới 30 tuổi đã cho rằng hai con đối với họ là lý tưởng. Tất nhiên tôi cũng phải nói thành thật là việc đạt được các yếu tố này cũng chưa bền vững, nhiệm vụ của những người làm công tác kế hoạch hóa gia đình và toàn xã hội là phải làm cho các giá trị này trở thành những giá trị bền vững.

* Thế chúng ta sẽ làm gì trước tình hình dân số tăng nhanh trở lại như hiện nay?

- Ủy ban dân số - gia đình & trẻ em đang thực hiện kế hoạch đẩy mạnh công tác dân số ở 38 tỉnh thành đông dân và có mức sinh cao, với chi phí gần 7 tỉ đồng. Kế hoạch này thật ra là một giải pháp tình thế, xử lý nhanh trước tình hình dân số tăng nhanh. Chúng tôi hi vọng những giải pháp tình thế ở 38 tỉnh thành này sẽ giúp đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2004, góp phần tích cực vào việc giảm mức sinh 2005 vì trong lĩnh vực dân số bao giờ cũng phải tính trước ít nhất là chín tháng. Tuy nhiên đó không phải là những giải pháp dài hạn và cơ bản. Đó là tăng cường sự chỉ đạo, củng cố bộ máy từ T.Ư đến cơ sở, đầu tư thêm kinh phí và cải tiến cơ chế điều hành sao cho hợp lý hơn. Đồng thời mở rộng hệ thống cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh truyền thông giáo dục...

* Câu hỏi cuối thưa ông, theo ông, điều gì ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống của 81 triệu người VN hiện nay khi dân số tăng nhanh trở lại?

- Dân số VN là cơ cấu dân số trẻ, sức ép cho nền kinh tế vẫn chưa giảm nhiều. Mặc dù với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, ta đã giải quyết được nhiều việc làm, xuất khẩu lao động cũng giúp giải quyết thêm một số việc làm nữa. Nhưng sức ép về lao động việc làm trong điều kiện đất đai ngày càng hạn hẹp, tài nguyên thiên nhiên không giàu thì đó là sức ép rất đáng kể mà chúng ta phải tính đến, vì lực lượng lao động không được sử dụng sẽ làm nảy sinh các vấn đề khác về mặt xã hội. Chưa kể với mức tăng dân số như hiện nay, mỗi năm nước VN có thêm 1,1-1,2 triệu công dân mới, bằng số dân của một tỉnh lớn. Giải quyết vấn đề này tùy thuộc vào hành động của chúng ta hôm nay, chúng ta đã có lúc lơi lỏng, nhưng nếu chấn chỉnh lại kịp thời thì chưa muộn. Nhưng nếu bỏ trôi thêm 2-3 năm nữa, chúng ta sẽ phải trả giá.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên