Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để không thua kém, và đó là sức ép đối với ngành giáo dục. Trong ảnh: sinh viên ngành kiến trúc Trường ĐH Văn Lang trong giờ thực hành vẽ. Kiến trúc là một trong tám ngành nghề thông thương lao động ngay từ hôm nay - Ảnh: Như Hùng |
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 30-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN (SOM), cho rằng nếu thanh niên Việt Nam chưa đủ kỹ năng và năng lực, họ sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thanh niên ở các quốc gia khác trong ASEAN.
Ông Lê Hoài Trung - Ảnh: Việt Dũng |
* Cơ hội lớn nhất mà ông nghĩ giới trẻ Việt Nam sẽ và phải tận dụng được khi Cộng đồng ASEAN ra đời là gì?
- Ông Lê Hoài Trung: Cơ hội lớn nhất theo tôi chính là môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, vì có hòa bình, ổn định thì mới phát triển được.
Trong thời gian tới, môi trường và tính cộng đồng của ASEAN sẽ ngày càng tăng theo nghĩa là về mặt kinh tế, ASEAN sẽ cố gắng phấn đấu có được một cơ sở sản xuất chung, thị trường chung, tạo ra thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thanh niên sẽ có nhiều kiến thức hơn về các nước ASEAN.
Điểm mạnh của thanh niên Việt Nam là kế thừa một truyền thống của cả dân tộc khi đứng trước khó khăn, thách thức, lúc đó thanh niên sẽ bộc lộ được truyền thống, sức mạnh kết tinh của dân tộc trong rất nhiều năm |
Ông LÊ HOÀI TRUNG |
* Gần đây báo chí nêu cả nước có 225.500 người có trình độ ĐH trở lên đang thất nghiệp. Ông nghĩ gì về con số này trong bối cảnh gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN?
- Tôi nghĩ sức ép cạnh tranh sẽ lớn hơn. Nếu thanh niên chưa đủ kỹ năng và năng lực, họ không những không vươn ra được bên ngoài mà còn chịu sự cạnh tranh với thanh niên ở các nước ASEAN phát triển khác.
Có một đối tác nước ngoài làm việc với tôi rằng họ muốn vào Việt Nam để mở một chương trình. Họ nói cái khó nhất là tìm được người ở Việt Nam để tham gia.
Do đó, câu chuyện tỉ lệ 20% thất nghiệp không chỉ là do nền kinh tế chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu công ăn việc làm mà còn liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, mà cụ thể là chất lượng giáo dục.
Như một số nước phát triển, họ xếp hạng các trường đại học, tạo sức ép nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều nhà giáo dục đã bàn chuyện này rồi.
Thanh niên Việt Nam đã trải qua những thử thách rất lớn. Một chiến lược gia quân sự phương Đông có nói chiến tranh và hòa bình là vấn đề sinh tồn của một quốc gia. Thanh niên của chúng ta từng vượt qua thử thách khắc nghiệt của chiến tranh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta cũng vượt qua những thử thách bị cấm vận, rồi sau đó bước vào hội nhập khi tham gia WTO, hiệp định thương mại Việt - Mỹ, chúng ta cũng vượt qua được.
Dựa trên bối cảnh hiện tại, có rất nhiều thách thức nhưng cơ hội cũng nhiều hơn. Thách thức là nên có.
Đó là đối đầu với cạnh tranh để vươn lên mức độ cao hơn. Hôm nay tôi mới xem một tiêu đề bài báo có trích lời kình ngư Ánh Viên: “Càng nhìn ra thế giới thì càng thấy mình nhỏ bé”. Tôi nghĩ thanh niên Việt Nam nên có cách nhìn như vậy để vươn ra biển lớn, biển hội nhập.
* Từ kinh nghiệm bản thân, ông mong muốn chia sẻ gì với thế hệ thanh niên?
- Truyền thống của dân tộc Việt Nam là rất coi trọng lớp trẻ. Ít nhất là trong thời cận đại và hiện đại, thanh niên Việt Nam luôn đảm đương những vai trò rất quan trọng như bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến cũng như xây dựng đất nước trong thời bình.
Hiện nay có khoảng cách phát triển rất lớn giữa Việt Nam và các nước ASEAN-6, đặc biệt là Singapore.
Thanh niên phải quyết tâm để đưa đất nước đi lên trình độ phát triển cao hơn về mặt kinh tế, không chỉ để thế giới biết về Việt Nam chỉ với truyền thống đấu tranh kiên cường để giành độc lập, mà còn phải là một đất nước có vị thế cao hơn, nền kinh tế phát triển hơn.
Thanh niên phải vươn lên trở thành top hàng đầu không chỉ trong ASEAN mà còn trên thế giới. Hiện nay, tôi theo dõi, thanh niên phải luôn luôn học tập, học những cái mới để trang bị kiến thức cho mình, không chỉ kiến thức học thuật mà còn cả kiến thức thực tiễn để đóng góp phát triển kinh tế.
Ngoài quyết tâm và trau dồi kiến thức, giới trẻ Việt Nam cũng phải thay đổi về tác phong, cách suy nghĩ.
Khi đi đến những nước như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, bên cạnh những hào nhoáng, sự thay đổi của các đô thị, tôi còn ấn tượng với phong thái con người của các nước đó thay đổi rất nhiều.
Đặc biệt là lớp trẻ của họ ở cả đô thị và nông thôn đều có tác phong đĩnh đạc, sự tự tin dựa trên kiến thức, vị thế trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tự tin về sự thành công của các doanh nghiệp các nước đó.
Cho nên tôi nghĩ điểm mạnh của thanh niên Việt Nam là kế thừa một truyền thống của cả dân tộc khi đứng trước khó khăn, thách thức, lúc đó thanh niên sẽ bộc lộ được truyền thống, sức mạnh kết tinh của dân tộc trong rất nhiều năm.
Đó là yêu đất nước, cần cù lao động, sẵn sàng đóng góp vào những công việc chung.
Hôm nay tổ chức lễ thượng cờ ASEAN Sáng nay 31-12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội) diễn ra lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp Cộng đồng ASEAN được thành lập (31-12-2015) do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì. Tham dự buổi lễ này có các đại sứ, đại diện các quốc gia ASEAN tại Việt Nam và các khách mời quốc tế. Cũng trong sáng hôm nay, TP.HCM tổ chức lễ thượng cờ ASEAN tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Bên cạnh cụm cờ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, một số tuyến đường tại TP.HCM cũng được trang hoàng bằng biểu tượng cờ của 10 nước thành viên ASEAN và cờ chung của ASEAN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận