03/12/2015 10:55 GMT+7

Một lần làm lãnh đạo ASEAN

HÀNG DUY LINH
HÀNG DUY LINH

TT - Được trải nghiệm cảm giác trở thành các nhà lãnh đạo ASEAN là một điều tuyệt vời. Nhưng điều tuyệt vời hơn sau đó là sự gắn kết và tăng cường hiểu biết giữa những người trẻ của ASEAN.

Hội nghị mô phỏng ASEAN được tổ chức nghiêm túc như hội nghị thật. Trong ảnh: Người đứng đầu chính phủ (giả định) các nước ASEAN bắt tay nhau sau khi thông qua tuyên bố chung của hội nghị - Ảnh: Duy Linh

Đây là lần đầu tiên một hội nghị mô phỏng Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức dành riêng cho các bạn trẻ đến từ 10 nước thành viên ASEAN.

“Mình tham dự chương trình vì mong muốn được hiểu rõ hơn về ASEAN, tổ chức quan trọng hàng đầu khu vực. Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN được thành lập, bản thân mình cũng muốn ngoài là công dân của chính quốc gia mình đang sống, mình muốn tự hào nói với bạn bè quốc tế mình là một công dân ASEAN” - Leng Sokchea đến từ Campuchia bày tỏ.

Học đàm phán

Yovindra Kanezin, người từng tham gia chương trình mô phỏng Liên Hiệp Quốc, chia sẻ: “Điều khiến Hội nghị mô phỏng ASEAN trở nên thú vị là các nước thành viên bằng cách nào đó phải đạt được sự đồng thuận trong một vấn đề. Do đó, đòi hỏi kỹ năng đàm phán của người tham gia nhiều hơn, khó khăn hơn nhưng càng khó thì càng thú vị”.

Đây cũng chính là đặc trưng của ASEAN - đề cao sự đồng thuận giữa các nước thành viên. Thêm vào đó, đại diện đến từ mỗi nước sẽ không được đại diện cho chính quốc gia của mình trên bàn đàm phán mà phải đứng trên cương vị của một quốc gia thành viên khác.

“Khi đứng trên cương vị là đại diện cho một quốc gia khác, phải tạm thời quên đi “quốc tịch” của mình. Điều này đã tạo điều kiện cho mình và các bạn trong nhóm hiểu sâu hơn về nước mà nhóm mình đại diện giả định” - Mimee Khammoungkhoun đến từ Lào nhận định.

Các bạn trẻ đến từ 10 nước ASEAN lần lượt trải qua bốn phiên họp với tên gọi và thứ tự như một hội nghị cấp cao ASEAN thực thụ: hội nghị quan chức cấp cao (SOM), hội nghị bộ trưởng, hội nghị bộ trưởng ngoại giao và hội nghị thượng đỉnh.

Trừ hội nghị bộ trưởng ngoại giao và hội nghị thượng đỉnh, mỗi phiên họp lại được chia thành ba nhóm theo từng trụ cột của Cộng đồng ASEAN là: Chính trị - an ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa - xã hội (ASCC).

“Thật sự rất căng thẳng. Mình cảm thấy áp lực rất lớn ngay từ khi bắt đầu SOM. Mọi khía cạnh của vấn đề đều được đem ra phân tích và thảo luận khiến mình có cảm giác như đang tham gia một phiên họp thật chứ không còn giả định nữa - Narith Ra đến từ Campuchia nhìn nhận - Nhưng cũng nhờ vậy mà mình càng có quyết tâm phải làm tốt vai trò đại diện giả định”.

Thất bại nhưng được... tình bạn

Giả định nhưng cũng chẳng khác thật. Như tại phiên họp bộ trưởng không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề xây dựng trung tâm hỗ trợ và tiếp nhận nạn nhân buôn người. Đại diện các nước bất đồng ý kiến và tranh cãi không ngừng đến nỗi chủ tịch buộc phải tuyên bố hội nghị thảo luận kín. Không khí lúc đó rất căng thẳng.

Lần lượt các nước phản đối trình bày quan điểm của họ. Bản thân tôi, trong vai trò đại diện cho Lào, vẫn kiên trì quan điểm rằng đó là một kế hoạch tốt và nên triển khai. Tôi đặt vấn đề về ý thức trách nhiệm của các quốc gia, cùng là thành viên trong một tổ chức thì nên giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển, rút ngắn khoảng cách.

Mặc dù đã cố gắng thuyết phục và bảo vệ quan điểm, song các nước phản đối ban đầu vẫn không tán thành. Và vì vậy, do không đạt được sự đồng thuận, chúng tôi buộc phải tạm gác lại vấn đề này sang hội nghị năm sau.

Kết thúc phiên họp, Porthor, một thành viên của đội Lào (giữ vai trò đại diện cho Indonesia), đã đến bắt tay tôi và nói lời cảm ơn. Tôi cảm thấy bất ngờ, vì tôi nghĩ mình đã thất bại vì không thể thuyết phục được các nước khác.

Thế nhưng, Porthor nắm chặt khuỷu tay tôi và nói: “Bạn đã làm rất tốt vai trò là đại diện của Lào. Bạn đã cố gắng hết sức để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi. Bạn cho tôi có cảm giác như bạn là một người Lào chứ không còn là người Việt Nam khi tranh luận nữa”.

Điều đó thật sự làm tôi xúc động, vì những nỗ lực mà tôi nghĩ là thất bại lại được sự ghi nhận của người khác.

Ngoài những phiên họp căng thẳng, chúng tôi thường có những giờ giải lao ngắn và nhờ đó mà chúng tôi có dịp trao đổi và hiểu về đất nước của nhau nhiều hơn, một cách sinh động qua từng lời kể thay vì đọc sách báo.

Rồi cảm giác bỡ ngỡ, những căng thẳng, giận hờn trong suốt chương trình cũng bị bỏ lại sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.

Lấy chủ đề “Nạn buôn người”, Hội nghị mô phỏng ASEAN lần thứ nhất do Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation) tổ chức diễn ra từ ngày 17 đến 23-11-2015 tại Malaysia, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan khác.

Đây là cơ hội để các bạn trong độ tuổi từ 18 - 25 của 10 nước thành viên ASEAN hiểu rõ hơn về tổ chức quan trọng nhất khu vực.

Trải qua vòng xét chọn hồ sơ, đại diện mỗi nước là một nhóm gồm 6 thành viên và 1 cố vấn giữ vai trò trung gian liên lạc trong suốt chương trình. Ngoài kiến thức đã chuẩn bị sẵn từ trước, các nhóm tham dự còn được trang bị thêm một số kiến thức chuyên môn, kỹ năng và định hướng hoạt động của chương trình.

Sáng nay, giao lưu trực tuyến trên tuoitre.vn: 

Cộng đồng ASEAN - cơ hội nào cho người Việt?

Dựa trên nhu cầu hiểu biết về Cộng đồng ASEAN của người dân, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương tổ chức buổi giao lưu trực tuyến vào lúc 9g sáng nay (3-12).

Các khách mời là chuyên gia cấp cao Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương:

* Ông Trịnh Minh Mạnh - phó vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.

* Ông Trịnh Minh Anh - phó văn phòng Ủy ban hợp tác quốc tế, Bộ Công thương.

* Ông Văn Đức Mười - phó chủ tịch CLB các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).

Xin mời bạn đọc cùng tham gia đặt câu hỏi và theo dõi phần tường thuật trực tiếp trên tuoitre.vn.

 

HÀNG DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên