TT - Cuối tuần qua lại thêm một sự kiện không hay khác đến từ Luis Suarez của Liverpool, người bị treo giò tám trận vừa trở lại không lâu.
HLV Ferguson của Manchester United (M.U) đã phát biểu: “Suarez là một nỗi nhục (disgrace) của Liverpool” sau khi tiền đạo người Uruguay này từ chối bắt tay Patrice Evra trước trận derby được chờ đợi giữa M.U và Liverpool.
Chữ “nỗi nhục” mà ông Ferguson dùng có lẽ là một trong những chữ nhẹ nhất nói về hành động của Suarez. Rất nhiều CĐV các đội trung lập, không liên quan đến cả M.U lẫn Liverpool nên khách quan đã gọi Suarez là “scumbag”, một từ rất nặng gần giống chữ “giá áo túi cơm” trong tiếng Việt vì tội phân biệt chủng tộc là tội bị khinh nhất ở Anh, có lẽ chỉ sau giết người hoặc lạm dụng tình dục trẻ em.
Còn nhớ ở World Cup 2010, Suarez đã dùng tay cản bóng vào lưới nhà trong trận gặp Ghana, rồi sau đó nán lại không xuống đường hầm ngay khi bị đuổi mà chờ đối phương đá hỏng quả phạt đền rồi ăn mừng, sau đó tiếp tục phát biểu “bàn tay của Chúa bây giờ thuộc về tôi”, “tôi đã thực hiện cú cản bóng hay nhất giải”.
Nhiều người lúc đó đã cho Suarez là kẻ xấu, nhưng tôi vẫn nghĩ có thể anh còn trẻ người non dạ, và ta không thể đánh giá một người chỉ vì sai lầm duy nhất. Nhưng sau những sự kiện liên tục gần đây với đỉnh điểm là việc gọi Evra là “mọi đen” rồi không chịu bắt tay anh này sau án phạt, tôi có thể kết luận Suarez đã hết thuốc chữa.
Phân biệt chủng tộc trong bóng đá là một điều gây đau đầu ở Anh. Thập niên 1980 là thời vấn đề này phổ biến nhất, một trong những đội tệ nhất là Chelsea với CĐV đội bóng áo xanh bôi nhọ cầu thủ da đen của chính đội mình. Một sự kiện đáng buồn khác là việc cầu thủ Anh John Barnes ghi một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử bóng đá Anh vào lưới Brazil trong trận giao hữu ngay trên sân Macarana của đối phương năm 1984, giúp Anh thắng Brazil 2-0.
Trong chuyến bay về London của tuyển Anh chung với các CĐV, những kẻ phân biệt chủng tộc của đảng cực hữu National Front đã nói ngay trước mặt Barnes rằng Anh chỉ thắng 1-0, bàn thắng của Barnes không tính do anh là người da đen.
Đó là vấn đề của vài chục năm trước, còn những năm gần đây nước Anh tự hào là cái nôi của việc nuôi dưỡng sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và tín ngưỡng. Việc Suarez dùng chữ “mọi đen” (nigrito) nhắm vào Evra là một điều không chấp nhận được trong thế kỷ 21 này.
Trở lại với chuyện từ chối bắt tay Evra trong trận derby hôm thứ bảy, theo tôi nếu Suarez đáng trách một thì HLV Dalglish của Liverpool đáng trách mười. Trước trận, ông đã nói Suarez sẽ bắt tay Evra để làm lành. Trên thực tế, Evra đã rất lịch sự chìa tay ra bắt Suarez trước và bị từ chối. Nhưng ông Dalglish lại giả lơ như không biết và còn kêu phóng viên thổi phồng sự việc khi được hỏi. Một cựu cầu thủ xuất sắc và HLV lâu năm như ông lẽ ra không nên cố tình dung dưỡng một kẻ phân biệt chủng tộc sờ sờ ra đó.
Sau vụ việc này, Thủ tướng Anh David Cameron đã đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh về phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Hi vọng cuộc họp này sẽ mang lại những án phạt nặng hơn cho kẻ vi phạm, nhưng tạm thời Evra và những cầu thủ da đen, da vàng khác của giải ngoại hạng nên tập trung vào đá bóng và tâm niệm hai câu Kiều: “Anh hùng mài một lưỡi gươm. Những phường giá áo túi cơm sá gì”.
GIÁNG UYÊN (London)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận