Phóng to |
Luật đất đai sửa đổi sẽ không còn khung giá đất. Trong ảnh: Một khu dân cư mới bên sông Giồng Ông Tố, quận 2 TPHCM - Ảnh: VIỆT DŨNG |
(với luật hiện hành, sau khi Chính phủ ban hành khung giá và phương pháp xác định giá đất, các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá đất cụ thể, ban hành và công bố 1 năm 1 lần vào ngày 1-1 hàng năm).
Đó là một trong những thay đổi rất quan trọng của văn bản luật này liên quan đến chính sách tài chính về đất đai.
Ông Bùi Ngọc Tuân, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận xét: “Sau gần 5 năm triển khai Luật Đất đai, chúng ta đã phát hiện ra nhiều điểm hạn chế của khung giá đất. Có thể nói là khung giá đất mà Chính phủ ban hành không theo kịp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo tổng kết của Bộ Tài chính, mức giá cao nhất do các tỉnh ban hành (trên cơ sở khung giá của Chính phủ) hiện chỉ đạt 60% so với giá thị trường, tỉnh thấp nhất chỉ bằng 30% giá thị trường.
Thực tế này dẫn đến rất nhiều khiếu nại về đất đai, chủ yếu là về giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Có những dự án đền bù cho người nông dân chỉ 130.000 đồng/m² đất, nhưng sau đó chủ đầu tư đã bán tới… 43 triệu đồng/m2! Đầu vào theo giá Nhà nước, đầu ra lại theo giá thị trường và khoản chênh lệch đó Nhà nước và người nông dân bị thu hồi đất đều không được hưởng.
Thêm vào đó, theo quy định thì từ ngày 1-1 hàng năm, các địa phương phải ban hành khung giá đất nên từ tháng 7 trở đi, các ngành phải ngồi lại với nhau để họp bàn khung giá đất cho năm tiếp theo. Người dân luôn muốn chờ đợi, kéo dài việc bàn giao đất đến thời điểm ban hành khung giá đất mới với hy vọng được hưởng giá bồi thường cao hơn, nên từ giữa năm trở đi các dự án cần GPMB thường ách tắc, rất khó thu hồi đất.
Dự án luật sửa đổi tới đây đưa ra phương án bãi bỏ khung giá đất, Chính phủ chỉ ban hành quy phạm, quy trình xác định khung giá đất; Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố xây dựng khung giá đất, quy định ổn định trong vòng 5 năm. Nói cách khác, Nhà nước sẽ chỉ quản lý quy trình, quy phạm, phương pháp định giá.
Sở dĩ chọn thời hạn ổn định lên tới 5 năm là vì khoảng thời gian này phù hợp với một kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách…, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai.
Giải thích thêm về điều này, ông Bùi Ngọc Tuân cho biết, giá đất này chỉ áp dụng trong 4 trường hợp. Đó là căn cứ để tính các loại thuế; lệ phí về đất; tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất) và tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất. Những nơi giao đất mới, cho thuê đất mới, tính tiền bồi thường GPMB... thì áp dụng theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi bỏ quy định về khung giá đất Chính phủ giao địa phương xác định giá thì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được đảm bảo bình đẳng hơn hiện nay, với đầu vào và đầu ra đều “bám sát” giá thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận