1. Mỗi chặng đường vui buồn, mỗi thôi thúc trăn trở của người họa sĩ rốt cuộc chỉ để tìm về với cái nơi chốn dành riêng cho mình, đã được dành riêng cho mình tự bao giờ. Lao động của họa sĩ là tìm đường trở về. Thường khi người họa sĩ trở về là hun hút, bất luận ở tuổi nào, về tận cái nơi còn trước cả tuổi thơ nữa, nó ở mãi tận miền tiềm thức xa xăm.
Nguyễn Thanh Bình cơn cớ gì mà bút pháp nhẹ nhõm đến thế, sau bao nhiêu thăng trầm sống chết. Nguyễn Thành Quốc Thạnh sao lại lung linh lồng lộng sau những mịt mờ lang bạt quê người. Lê Văn Thìn làm sao mà cử động hội họa lại thoát như hơi thở sau cả một chặng đường đời gian nan... Những người bạn đồng lứa với tôi, kể ra vài người đã thấy sự trở về thật là kỳ bí.
Nhưng sự trở về của anh Ca Lê Thắng mới là ngoạn mục. Anh quê ở Nam Bộ, tập kết ra Bắc cùng với gia đình từ khi còn niên thiếu. Trước 70 tuổi anh tìm tòi rất nhiều, mà cho đến giờ mọi người mới ồ lên, đây chính là hội họa Ca Lê.
Không chỉ là mùa nước nổi, gió bưng biền, mùi phù sa châu thổ đậm sắc, mà chính là cái bút pháp ấy, cái bút pháp chắc chắn không chỉ từ bàn tay, mà từ tâm linh, đã làm cho các tác phẩm của anh dâng tràn cảm xúc. Tha hương sao lại gần gũi vậy. Nghĩ rằng người này phải được trồng ở Đồng Tháp Mười nhiều năm mới có thể...
Cái chất Nam Bộ ở ngay trong giọng nói của Ca Lê Thắng, trong cử chỉ sảng hoạt và ân tình đậm đà với anh em bè bạn. Thế nhưng hội họa lại ẩn náu quá là sâu kín, cho mãi đến tận cái tuổi rưng rưng mới chợt bừng lên...
2. Ai đã ngồi với anh thì lập tức thấy cảm mến. Tếu táo bát ngát mà hồn cốt không ngả nghiêng. Tranh của anh bây giờ đã rất giống anh, chân thành, thơ mộng, phiêu linh. Tác phẩm của anh là ngôi nhà ngày hôm nay của anh, ở đấy có mọi thứ, ấm áp, thân quen, đền bù, nhắn nhủ. Giờ thì ra vào sẽ tự nhiên, xuống lên sẽ thong thả. Đây hay đó cũng trong miền thương quý của mình.
3. Có một người vẽ về Nam Bộ rất cảm động, đó là cố họa sĩ Nguyễn Hiêm. Toàn bộ sáng tác của ông đều là Nam Bộ. Cầu tre, kênh lạch, xóm làng và những người du kích, nông dân mộc mạc. Đấy là hơi thở của người con thở cùng quê mẹ của mình.
Sáng tác của họa sĩ Ca Lê Thắng thì ra đi trăm ngả, giờ kịp trở về, thốt nhiên cuồn cuộn những nhịp thơ lung linh say đắm. Có đủ yêu thương, có đủ nội lực để trang trải lòng mình trên những tấm toan rất lớn như thế, đủ biết quê hương với anh sâu đậm đến nhường nào.
Phong cách giống như cơ địa, khó mà "tìm" ra được. Nó thực sự rất tự nhiên. Họa sĩ Ca Lê Thắng đã gặp mình trong một dịp trở về, chắc anh cũng không thể nhớ là dịp nào, chỉ biết giờ đây anh thoải mái vô cùng trên các tác phẩm của mình.
Trường phái hay xu hướng là việc các nhà lý luận sẽ sắp xếp. Các tác phẩm vẽ về quê hương của họa sĩ Ca Lê Thắng được thốt lên từ cảm hứng của một thi sĩ, từ tình yêu của một người con và từ tay nghề điêu luyện có thể lập tức bắt nhịp được cảm hứng của trái tim mình.
Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 ở Bến Tre. Ông tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội và Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM thập niên 1990.
Ông cũng là em trai của hai nghệ sĩ nổi tiếng: nhạc sĩ Ca Lê Thuần và nhà thơ - liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân).
Triển lãm Mùa nước nổi của ông diễn ra từ chiều 28-6 đến 4-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận