18/04/2014 06:10 GMT+7

Sự thức tỉnh của cá nhân và cộng đồng

ĐẶNG HOÀNG GIANG (Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam)
ĐẶNG HOÀNG GIANG (Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam)

TT - LTS: Từ hai trường đại học, hai tác giả thuộc hai thế hệ khác nhau gửi đến diễn đàn của Tuổi Trẻ những mong mỏi chung trong việc ngăn chặn thói hư tật xấu, cùng xây dựng một cộng đồng tử tế. Hi vọng đó bắt đầu từ việc mỗi người phải tự kiểm soát chính mình...

Căn bệnh dối trá4 nguyên nhân của “xấu xí”Câu chuyện của giáo dục

LwBPLOEz.jpg
Cảnh xả rác bừa bãi - một trong những hình ảnh xấu xí thường gặp. Một cộng đồng tử tế hơn đang cần mỗi con người biết tự xấu hổ hơn - Ảnh: Thuận Thắng

Làm chủ trước tham, sân, si

"Vì thiếu tự trọng và tự tin sinh ra thói a dua, “ném đá” theo kiểu bầy đàn"

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP

Trong nhiều thập niên, việc giáo dục đạo đức cách mạng được tiến hành sâu rộng đã huy động sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến, phải nói là kỳ tích. Nhiều đảng viên, cán bộ, người dân đã không tiếc thân mình hi sinh vì nghĩa lớn của dân tộc.

Tuy nhiên, điều mà tôi học được từ GS Hoàng Ngọc Hiến là đạo đức cách mạng coi trọng giáo dục quan hệ đạo đức của cá nhân với người khác (mỗi người vì mọi người) nhưng lại coi nhẹ quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân đối với bản thân mình.

Trách nhiệm này thể hiện ở những đức tính như tự xấu hổ (tự ố), tự trọng, tự tin, tự ái. Rất tiếc là trong sinh hoạt đạo đức và tư tưởng cũng như trong công tác giáo dục một thời kỳ dài coi nhẹ và sao nhãng những đức tính tốt này. Đây là một chỗ hổng rất đáng được quan tâm trong đời sống đạo đức của chúng ta.

Tự xấu hổ là hành vi bản năng của con người khi nhận ra một điều gì đó phải ăn năn, hối lỗi. Tự xấu hổ là cách thức điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân (sự sám hối) trước bản thân mình và người khác. Người mà không biết xấu hổ sẽ không có lòng tự trọng (tức mình coi trọng mình), đồng thời cũng không coi trọng người khác. Vì thiếu tự xấu hổ và tự trọng nên giới quan chức chưa hình thành văn hóa từ chức.

Văn hóa phê bình và tự phê bình được hô hào như phương thuốc chữa trị những vấn nạn hiện nay nhưng lại là vô hiệu quả vì cũng thiếu hai cái nói trên.

Tự tin tức là mình tin ở mình. Tự ái tức mình biết yêu quý mình, hiểu theo nghĩa tốt đẹp là ý thức về phẩm giá cá nhân như là một tình cảm cao quý khiến ta cố gắng tìm mọi cách để xứng đáng với sự quý trọng của người khác. Đây là một phẩm giá cao thượng, một điều cốt yếu của nhân cách, đạo đức.

Quan hệ mình với mình là tiền đề cho sự hình thành chủ thể để tự xét mình (phản thân) để rồi bản thân tỉnh ngộ. Tinh thần coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác trong hành vi đạo đức cùng một bản chất với tinh thần coi trọng sự xem xét độc lập, sự phán xét độc lập và sự quyết định độc lập của chính mình trong hành động.

Vì thiếu tự trọng và tự tin sinh ra thói a dua, “ném đá” theo kiểu bầy đàn, thiếu tính chân thật ngay thẳng sinh ra tệ nạn nói dối. Tiếc rằng, một thời ở Việt Nam, vì cái chúng ta nên quên mất cái tôi, vì nói đến cái tôi là vi phạm đạo đức, bị khép vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cần phải dẹp bỏ. Nhiều người bị oan khuất khi nói đến cái tôi chân chính này.

Thêm nữa, một thời gian dài cho tới bây giờ, ở Việt Nam thiếu những định chế hữu hiệu để ngăn chặn, giám sát, giáo dục và xử lý hành vi thiếu đạo đức nên tệ nạn gia tăng, thói ăn cắp và các thói hư khác lộng hành. Quan chức tham nhũng lấy của công (tức của dân) làm của tư không còn tự xấu hổ, tự trọng gây nhiều nhức nhối. Dân thường một số cũng đánh mất mình, không lấy được của công thì lấy của người khác.

Đã đến lúc phải thay đổi thể chế giáo dục, xây dựng những định chế xã hội mới để có thể ngăn chặn và dẹp bỏ những thói hư tật xấu nói trên. Trước hết mỗi người phải tự kiểm soát và làm chủ được mình trước tham, sân, si với nhân cách văn hóa của mình trước khi sửa và dạy cho người khác.

PGS.TSNGUYỄN VĂN TIỆP (khoa nhân học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

Tạo dựng một cộng đồng gắn kết

Xuất hiện trong mọi ngõ ngách của đời sống, thói hư tật xấu không “buông tha” bất cứ tầng lớp xã hội nào. Chỉ khi nền tảng đạo đức được cải thiện, hình ảnh người Việt mới trở nên đẹp hơn. Nhưng các giá trị đạo đức lại phụ thuộc vào các định chế xã hội cấu thành nên nó, trong đó quan trọng nhất là định chế giáo dục.

Do đó ở tầm vĩ mô, cải cách hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, nhân bản là yêu cầu khẩn trương, bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, sự thức tỉnh của các cá nhân và cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Vì xét cho cùng, thói hư tật xấu là hệ quả của việc con người đánh mất ý thức chủ thể, phó mặc mọi suy nghĩ và hành động cho bản năng chi phối.

Câu chuyện mà tôi chia sẻ ở đây có thể đưa đến một ý niệm cụ thể nào đó về mối quan hệ giữa sự thức tỉnh của các cá nhân và sự hình thành một cuộc sống cộng đồng ấm áp.

Là người nghiên cứu văn hóa, tôi luôn khao khát làm một điều gì đó có ích cho làng (tôi sinh ra ở làng Hương Thọ, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Tôi muốn làng trở thành một cộng đồng chia sẻ, tương trợ và gắn kết, thay vì phân tán, rời rạc như lâu nay. Phát triển ý tưởng đó thành một chương trình hành động, chia sẻ và thảo luận với thanh niên trong làng, từ cuối năm 2011, chúng tôi bắt đầu triển khai công việc.

Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là vận động thanh niên tạo ra một số hình thức sinh hoạt mới để làm cho tết trở nên thú vị hơn, mới mẻ hơn. Năm đó, từ chiều 28 tết, chúng tôi tổng vệ sinh trong toàn làng. Đêm giao thừa, toàn bộ thanh niên tập trung ở sân bóng để đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ.

Cao điểm của cuộc vui là cả đoàn rồng rắn nối đuôi nhau đi từ đầu đến cuối làng, vừa đi vừa hát vang Nối vòng tay lớn và các ca khúc vui nhộn. Trên đường đi, chúng tôi ghé vào chúc tết những hộ khó khăn, neo đơn. Mồng 2 tết, thanh niên tổ chức trồng cây dọc đường làng.

Các sinh hoạt của thanh niên được người làng chú ý và ủng hộ. Vì vậy, từ năm 2013 chúng tôi quyết định bổ sung các hoạt động mới nhằm lôi cuốn sự tham gia của tất cả các hộ trong làng: xây dựng quỹ tương thân tương ái nhằm hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn.

Được cả làng ủng hộ, quỹ của chúng tôi có ba nguồn đóng góp: những người làm ăn ở nước ngoài (20.000 đồng/tháng), những người được hưởng lương (10.000 đồng/tháng) và tất cả các hộ không thuộc diện nghèo trong làng (5.000 đồng/tháng).

Nhờ có quỹ mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi tháng mỗi hộ neo đơn được làng hỗ trợ 200.000 đồng. Từ khi ra đời, quỹ hoạt động đều đặn, minh bạch và thường được bổ sung nhờ tấm lòng hảo tâm của một số anh chị Việt kiều.

Tết năm nay, chúng tôi tiếp tục đi đến một nội dung mới: cam kết cùng nhau xây dựng một cộng đồng lương thiện, nghĩa là: không bạo lực (trong gia đình và trong cộng đồng), không đánh bạc, không ăn trộm, không say rượu. Nếu ai vi phạm, người đó sẽ được tổ hòa giải của làng nhắc nhở và phải trồng cho làng 20 cây xanh.

Đầu mùa nắng năm nay tôi về thăm làng. Đến đầu làng, có một hình ảnh khiến tôi nhớ mãi: một cậu bé học lớp 5 đang rào lại một cây mới trồng bên đường để khỏi bị trâu bò ăn. Mọi chuyện vừa mới bắt đầu, nhưng với sự nhẫn nại và tin tưởng, chúng tôi sẽ tạo nên một cộng đồng tử tế hơn.

ĐẶNG HOÀNG GIANG (Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên