17/03/2005 06:01 GMT+7

"Sự thật của tôi"

SƠN NGUYỄN
SƠN NGUYỄN

TT - Chính quyền Ý nhất mực tuyên bố quyết định rút quân khỏi Iraq không liên quan với cái chết của nhân viên tình báo Calipari.

Chiến dịch giải cứu Giuliana Sgrena

m5twUPN7.jpgPhóng to
Bà Giuliana Sgrena được chữa trị vết thương vai trong bệnh viện ở Rome
TT - Chính quyền Ý nhất mực tuyên bố quyết định rút quân khỏi Iraq không liên quan với cái chết của nhân viên tình báo Calipari.

Nhưng có sự thật là bi kịch của cuộc giải cứu nhà báo Giuliana Sgrena đã làm chấn động nước Ý, khi một nhân viên tình báo lão luyện bỏ mình vì những "phát súng bạn bè".

Nhà báo Ý Giuliana Sgrena, 56 tuổi, của nhật báo cánh tả Il Manifesto lên đường đến Baghdad công tác ngày 23-1. Ngày 4-2, bà thực hiện một cuộc phỏng vấn khá dài tại một đền thờ Hồi giáo gần Trường đại học Baghdad.

Xong việc, Sgrena lên xe và đi gần đến cầu Jadriyah thì bị một nhóm người bịt mặt chặn xe. Tám tên bắt cóc mang Sgrena tháo chạy trên một chiếc Opel xám và một chiếc Kia đen, để lại đằng sau người tài xế và người thông dịch của bà xanh mặt vì sợ hãi. Sgrena bị đưa từ nhà này sang nhà khác ở vùng Gazalea thuộc tây bắc Baghdad.

Hi vọng và tuyệt vọng

Cảm giác của Sgrena thay đổi từ hi vọng cho tới vô cùng tuyệt vọng. Chủ nhật đầu tiên sau khi bị bắt cóc, Sgrena ở trong một ngôi nhà ở Baghdad có truyền hình vệ tinh. Thấy trên đài Euronews Newscast một bức ảnh lớn của mình treo ở tòa thị chính Rome, Sgrena cảm thấy bớt căng thẳng.

Nhưng khi nghe nhóm bắt cóc nói sẽ hành quyết bà nếu quân Ý không rút khỏi Iraq, Sgrena bắt đầu kinh hãi. Bà gặng hỏi một tên canh gác là liệu chúng có muốn giết bà hay không. Chúng tìm cách đánh trống lảng. Sgrena nhận thấy những tên canh gác rất sùng đạo, liên tục đọc kinh Koran. Những ngày đầu bị bắt, Sgrena không nhỏ một giọt lệ nào, đơn giản vì bà "quá giận dữ". Sgrena cũng nói rằng việc bắt cóc không thể khiến Chính phủ Ý rút quân mặc dù người dân Ý vẫn phản đối chiến tranh. Những ngày kế tiếp, Sgrena đã nói chuyện với những tên bắt cóc về khả năng bà sẽ được trả tự do. Bà bắt đầu quan sát thái độ của hai tên canh gác để tìm hiểu điều gì đang diễn ra. Một tên tỏ ra nhạy cảm hơn và luôn luôn phấn khích. Để biết rõ tình hình, Sgrena hỏi hắn có phải hắn vui vì bà sắp được đi hay vì bà phải ở lại. Sgrena như mở cờ trong bụng khi lần đầu tiên nghe hắn đáp: "Tôi chỉ biết bà sẽ được đi khỏi đây, nhưng tôi không biết lúc nào".

Đôi khi những tên canh gác hỏi tại sao bà muốn tự do và thuyết phục bà ở lại. Đôi khi chúng lại bảo bà tìm cách nhờ chồng giúp đỡ. Sgrena sống trong thấp thỏm chờ đợi và được những tên bắt cóc nói về những điều mà sau đó bà mới nhận ra sự quan trọng của nó, các vấn đề "liên quan đến việc chuyển giao". Trong một thông điệp trên Internet ngày 7-2, một tổ chức mang tên Hồi giáo Jihad cho biết sẽ "phóng thích bà Sgrena trong vài ngày tới" vì bà "không phải là gián điệp hay người vô đạo". Đến ngày 9-2, tờ Il Manifesto cho biết các nhà điều tra Ý đã nối liên lạc được với bà Sgrena và một người thương lượng đã gặp bà hai lần. Ngày 13-2, Bộ Ngoại giao Ý tuyên bố sẽ không trả bất kỳ khoản tiền chuộc nào để cứu bà Sgrena.

Đến ngày 16-2, các đài truyền hình Ý chiếu một đoạn băng ghi hình cho thấy bà Sgrena, trong nước mắt, kêu gọi binh lính Ý rút khỏi Iraq. Bà cũng nhắn chồng bà, ông Pierre Scolari, giúp đỡ bà. Đây là những hình ảnh đầu tiên về bà từ khi xảy ra vụ bắt cóc. Ngày 18-2, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cho biết không nhận được thêm tin tức nào về bà. Ngày 1-3, Bộ trưởng Nội vụ Iraq Fahlan Naqib thông báo bà Sgrena vẫn còn sống và hi vọng "sắp có được tin tức tốt lành".

2uFvbV8I.jpgPhóng to
Chiếc xe chở nhà báo Sgrena và các nhân viên tình báo Ý được chuyển đến sân bay Baghdad
Bi kịch ngày phóng thích

Trong bài báo mang tựa "Sự thật của tôi" trên tờ Il Manifesto, nhà báo Sgrena tâm sự: thứ sáu 4-3 là ngày ấn tượng nhất trong cuộc đời của bà. Tên lính canh sùng đạo nhất thức dậy lúc 5g sáng, cầu nguyện và bắt tay để chúc mừng bà. Hắn nói nếu Sgrena biết kiềm chế, bà sẽ được phóng thích ngay lập tức.

Hắn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi thấy trên truyền hình những tấm apphich ảnh của Sgrena ở nhiều thành phố châu Âu. Hắn còn ngạc nhiên hơn khi thấy cầu thủ Totti của đội AS Roma mà hắn hâm mộ đang thi đấu với chiếc áo có in dòng chữ "Phóng thích Giuliana".Sgrena thay quần áo. Cả hai tên canh gác đi vào phòng và bắt đầu trêu ghẹo bà: "Chúc mừng, họ nói bà sắp về thành Rome". Một lúc sau, hai người lính canh quay trở lại, nói: "Chúng tôi sẽ mang bà đi và đừng làm bất kỳ dấu hiệu nào về sự hiện diện của bà, nếu không người Mỹ sẽ can dự vào". Điều này có nghĩa nếu cả nhóm gặp phải quân Mỹ, sẽ có một cuộc đọ súng. Rồi họ bịt mắt bà, một điều bà đã khá quen thuộc. Ngồi trên xe, Sgrena thầm hỏi điều gì đang xảy ra xung quanh và chỉ biết chính xác rằng lúc đó có mưa ở Baghdad. Chiếc xe chở Sgrena, người tài xế và hai tên bắt cóc thận trọng băng qua một vùng lầy lội rộng lớn. Đột nhiên Sgrena nghe thấy một thứ âm thanh mà bà không hề ngờ: một chiếc trực thăng đang bay gần mặt đất chỗ chiếc xe vừa dừng lại.

"Hãy bình tĩnh, họ sẽ đến và tìm bà... Trong vòng 10 phút nữa họ sẽ tìm bà" - một tên quay sang bà nói. Phần lớn thời gian những tên bắt cóc nói chuyện bằng tiếng Ả Rập, chêm thêm vài từ tiếng Pháp và tiếng Anh vụng về.Sau đó hai tên bắt cóc bước ra khỏi xe. Sgrena tiếp tục ngồi bất động, hai mắt bị bịt kín. Bà suy nghĩ nên làm gì và bắt đầu đếm từng giây một. Bất chợt, một giọng nói thân thiện vọng đến tai bà: "Giuliana, Giuliana. Tôi là Nicola, đừng lo lắng. Tôi đã nói chuyện với Gabriele Polo (tổng biên tập tờ Il Manifesto) rồi. Hãy bình tĩnh. Bà được tự do rồi".

Những người mới tới giúp Sgrena tháo băng che mặt ra. Sgrena cảm thấy nhẹ nhõm, không phải vì những gì đang diễn ra mà vì những lời của "Nicola" ấy. Ông liên tục nói với bà bằng những từ ngữ rất thân thiện pha lẫn những lời bông đùa. Cuối cùng Sgrena cảm thấy một sự ấm áp, an ủi thật sự. Bà lên xe của Nicola. Trên đó còn có hai nhân viên tình báo khác cùng người tài xế.Chiếc xe lăn bánh, chạy dưới một cầu vượt lầy lội. Mọi người cười đến không ngờ. Đó là tự do. Việc mất kiểm soát chiếc xe do mưa, đường sá Baghdad ngập lụt hay chiếc xe có thể lật trong một tai nạn sau tất cả những gì Sgrena đã trải qua là điều duy nhất bà không muốn nghĩ tới.

Nhân viên tình báo Ý Nicola Calipari ngồi cạnh bà. Anh tài xế gọi đại sứ quán ở Baghdad hai lần và gọi qua Ý thông báo họ đang trên đường đến sân bay Baghdad mà Sgrena biết lính Mỹ canh giữ an ninh cẩn trọng. Khi bà được thông báo chiếc xe chỉ còn cách sân bay chưa đầy 1km thì súng bắt đầu nổ. Một trận mưa đạn xối xả vào chiếc xe phá vỡ không khí vui tươi vài phút trước đó. Anh tài xế la to: "Chúng tôi là người Ý, người Ý". Nicola Calipari choàng người qua để bảo vệ Sgrena và ngay lập tức bà cảm nhận hơi thở cuối cùng của ông khi ông chết trên tay bà.

Sgrena cảm thấy đau nhói ở vai nhưng không biết vì sao. Bà chỉ nhớ ngay đến những gì hai tên bắt cóc đã nói với bà. Họ khuyên bà nên cẩn thận vì "người Mỹ không muốn bà trở về". Khi đó, Sgrena thấy những lời này thật hoang đường và mang nặng thành kiến nhưng giờ đây chúng lại vô cùng có ý nghĩa.

-------------

Kỳ sau: Vì sao, bi kịch giải cứu?

SƠN NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên