09/08/2009 04:40 GMT+7

"Sự sống" không chỉ là triển lãm

TRỊNH LONG
TRỊNH LONG

TT - Phòng triển lãm 42 Yết Kiêu (Hà Nội) những ngày qua thu hút rất đông người đến xem triển lãm tranh của họa sĩ Trịnh Long (diễn ra từ ngày 5 đến 12-8-2009).

MeHcBZ3V.jpgPhóng to
Bạn bè và công chúng đến với triển lãm của Trịnh Long

Sự sống trên cả sự tuyệt vọng

Rất nhiều người là bạn học đại học, bạn học phổ thông, sinh viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp của tác giả phòng tranh.

Cũng có những người chưa từng gặp anh bao giờ. Tất cả tới đây để xem những thành quả, nỗ lực phi thường của Trịnh Long! Trong số khách có cả những đứa trẻ, học sinh, sinh viên khuyết tật mong muốn được tận mắt nhìn thấy những gì từ một con người, mang nỗi đau tận cùng của tật nguyền, đã làm, đã sống, đã vẽ... chiến đấu, giành giật lại sự sống vốn rất mong manh.

"Nhìn vào Long, thấy cuộc đời này thật đáng sống"

Rất nhiều người đã khóc. Và thật bất ngờ, khi kíp bác sĩ từng mổ và chăm sóc Trịnh Long cách đây mười năm đến thăm triển lãm. Bác sĩ Võ Thị Tuyết Nga (Bệnh viện Xanh Pôn), người đã phụ mổ cho Long, tay cầm bó hoa của gia đình họa sĩ tặng mà nước mắt nhòe ướt. Chị Nga cho biết thời gian không dài, nhưng khi gia đình đưa Long về nhà để chăm sóc, chị nghĩ Long không thể sống quá hai tháng nữa. "Khi nhận được giấy mời của gia đình Long gửi cộng với cuốn sách giới thiệu, tôi bàng hoàng, bật khóc. Không thể tin được là Long đã sống! Càng không thể tin được là Long đã vẽ. Chỉ có thể nói một câu là khâm phục. Tôi đã mang cuốn sách ấy về cho con tôi đọc, nói cho con biết thế nào là nghị lực!".

Trong triển lãm, xem những đoạn video quay phim Long đã nỗ lực sống và vẽ thế nào, bạn bè đã làm gì để có được triển lãm này, mới thật sự thấy giữa cuộc đời đầy rối ren và bất trắc này, khi một con người có được khát vọng sống lớn như thế thì cuộc sống vô cùng đáng yêu và người ấy thật đáng sống!

anDvUcpv.jpgPhóng to
Chân dung tự họa - sơn dầu của Trịnh Long - Ảnh: H.ĐIỆP

Từ chiếc kẹp thìa xúc cơm

Trong những người bạn đã sát cánh bên Long và được anh nhắc đến nhiều nhất là họa sĩ Hồ Nam, bạn thời đại học. Hồ Nam cũng chính là người đã gom tranh của Long rải rác ở nhà bạn bè và thuyết phục anh tổ chức triển lãm. Có mặt từ rất sớm, cùng 22 thành viên của lớp để đón khách, anh tất bật và bận rộn.

Nhà Long không nhiều người, bố dạy Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, mẹ dạy khoa tiếng Việt cho người nước ngoài của Trường đại học Tổng hợp (cũ), trên Long có một chị gái và Long là con trai duy nhất của gia đình. Khi từ bệnh viện trở về nhà, Long đã cố gắng để không phụ thuộc nhiều vào mọi người trong gia đình. Bố mẹ đã già, chị gái đi lấy chồng. Vì vậy việc đầu tiên Long nhờ bạn là làm cho mình cái kẹp có thể kẹp thìa vào để xúc cơm. Sau khi làm được cái kẹp thìa xúc cơm, Long nghĩ đến chiếc nẹp có thể kẹp bút vẽ. "Trước Long học trang trí nội thất nên có rất nhiều ý tưởng hay và tôi đã giúp cậu ấy một phần để hoàn thành ý tưởng ấy. Khi thì vẽ phác thảo lại cho Long xem rồi đi thuê thợ làm nẹp vẽ và đo vừa tay Long để cậu ấy có thể cắm được nhiều loại cọ vẽ. Thế là Long vẽ" - Hồ Nam tâm sự.

"Tôi rất vui mừng vì sau khi triển lãm đã nhận được rất nhiều lời động viên của bạn bè và người thân, cả những người tôi chưa từng quen, họ tặng sách, thơ. Họ đều đánh giá tốt về triển lãm. Và tôi cũng rất vui vì triển lãm đã góp thêm một lời chia sẻ động viên các bạn trẻ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống"

Chế xong hai bộ đồ ăn và đồ vẽ, Long lại muốn có một bộ đồ để có thể tập thể dục. Vậy là Nam lại ra tay làm cho Long.

Còn nói về ý nghĩa của cuộc triển lãm, họa sĩ Hồ Nam cho biết: Long từng là sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp xuất sắc nên được trường giữ làm giảng viên. Tai nạn quá bất ngờ. Mười năm nay 24 thành viên lớp K19 đã luôn bên Long, chúng tôi muốn thông qua cuộc triển lãm này khích lệ tinh thần để Long tiếp tục sống, tiếp tục vẽ…

Bó hoa trong lòng chiếc xe lăn

Ít khi nào trong chương trình triển lãm mà đích thân ông Ðào Vũ - giám đốc Trung tâm triển lãm Nghệ Thuật Việt, 42 Yết Kiêu - đứng lên giới thiệu và nói những lời cảm ơn nồng ấm đến khách như cuộc triển lãm của Trịnh Long. Ðào Vũ chính là người đã khởi xướng việc đưa triển lãm đến với người xem.

Ông chia sẻ: "Tôi không học cùng lớp với Long nhưng cùng trường, khóa sau. Cách đây không lâu, một người bạn của Long đã cho tôi xem bức tranh Sự sống và nói với tôi rằng bức tranh này được vẽ bằng cử động của bả vai bởi các ngón tay người vẽ đều bất lực. Tôi xem tranh, xúc động và khâm phục. Chỉ có người thật sự yêu hội họa và rất nghị lực mới có thể vẽ được bức tranh như thế. Nhìn vào nhiều bức tranh không ai nghĩ đó là tranh của một người khuyết tật. Nó không có màu sắc u tối, không có tiếng khóc than, không có niềm tuyệt vọng. Hầu hết đều toát lên một sức sống mãnh liệt. Tôi muốn những người khuyết tật hãy nhìn vào những cố gắng của Long để có thêm điểm tựa. Tôi cũng rất hi vọng sẽ có nhiều triển lãm của những người khuyết tật khác và sẵn sàng tài trợ miễn phí phòng trưng bày tại 42 Yết Kiêu".

Ngoài 36 bức tranh, triển lãm còn trưng bày chiếc xe lăn của Long, bộ đồ ăn, bộ đồ vẽ mà Long đã sử dụng trong suốt thời gian qua. Xe lăn gãy bánh, bộ kẹp thìa với chiếc thìa inox sáng trưng. Trong lòng xe là bó hoa thật đẹp của ai đó đặt lên.

Và trong số những người đến xem tranh, nhiều người nhận ra một phụ nữ với gương mặt mang nụ cười rạng rỡ. Cô gái đã có năm năm sát cánh bên Long chia ngọt sẻ bùi, như người bạn, như nữ hộ lý, như một bác sĩ thuần thục, người đã thay thế những ngón tay dài, trắng muốt và gầy guộc của Long để bật máy tính, pha màu, kẹp, thay những cây cọ vẽ.

Một người bạn của Long chia sẻ: Cô ấy rất thương Long…

TRỊNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên