Tính chất của lao động và công ăn việc làm đang trải qua một cuộc chuyển đổi sâu sắc, cùng với nỗi lo suy thoái kinh tế lớn dần.

Trong những ngày tháng còn tốt đẹp, một công ty sản xuất có khách hàng liên quan đến yếu tố nước ngoài sẽ nhận được các dự báo sản xuất từ 2-3 tháng. 

Các dự báo này là cơ sở cho nhà máy chuẩn bị nhân lực, nguyên vật liệu, tồn kho... với độ chính xác cộng trừ 20-30%.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 1.

Ảnh: Flex Jobs

Nửa đầu năm 2022, quy trình này vẫn chạy đều với mức tăng có khi quá số dung sai dương, cho các ngành giày da, may mặc, gia công linh phụ kiện.

Cho đến khi kết thúc quý 3, đơn hàng giảm không theo đúng quy trình, tức giảm dần 10-20%, mà đột ngột giảm hơn một nửa, bất chấp các quy định, hợp đồng nguyên tắc đã ký, đơn hàng đã phát hành - khách hàng hủy ngang luôn, không thương lượng, bàn bạc.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 2.

Sự khốc liệt của tình hình sụt giảm tổng cầu thế giới thể hiện rõ: các quy tắc giao dịch thông thường bị bỏ qua một cách thô bạo. 

Khách hàng chỉ thông báo hủy bỏ đơn hàng, giảm thiểu khối lượng giao dịch, và đơn phương tiến hành mà không cần sự đồng ý của nhà cung cấp. Điều này đang xảy ra phổ biến ở hàng loạt ngành thâm dụng lao động.

Vì nhiều lý do, hàng trăm triệu người trên thế giới không coi việc mua thêm một đôi giày là ưu tiên so với đảm bảo nguồn khí đốt sưởi ấm mùa đông hay để dành thêm tiền bù vào lãi ngân hàng phải trả, hiện đang tăng theo từng tháng. 

Một cái Tết không mong đợi có lẽ là sự thật khó tránh khỏi với hàng chục ngàn gia đình, vốn đã từng không có Tết từ năm ngoái.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 3.

Hàng chục ngàn người trong đó đang mất việc làm, thậm chí có người đã bị cho nghỉ Tết, điều mà ngay cả thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất cũng ít xảy ra.

Cũng như cái cách mà khách hàng cắt đơn của nhà máy, việc buộc phải nghỉ việc của công nhân cũng diễn ra tức thì. 

Giới chủ hầu như cũng không có cách nào khác, trong bối cảnh giá đầu vào tăng, đơn hàng giảm, và rất ít dấu hiệu phục hồi sớm trong tương lai gần, khác hẳn tình hình cũng thời điểm này cuối năm ngoái, khi sự lạc quan phục hồi hậu dịch là xu hướng chủ đạo, của cả chủ lẫn người làm công.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 4.

Một bức tranh ảm đạm khác là ngành gỗ: sản phẩm nội thất xuất khẩu lay lắt, thay vào đấy là cuộc đua tìm nguồn mua dăm gỗ để sản xuất phục vụ nhu cầu... củi đốt cho châu Âu.

Mùa đông đến, viên nén dùng cho việc sưởi ấm quan trọng hơn đi văng, nên máy móc tinh xảo chuyên dụng để làm set bàn ghế gỗ sang trọng trong phòng khách nếu có thể biến thành máy băm gỗ thành dăm để đùn viên nén được thì cũng không ngại ngùng gì trong thời buổi này, kể cả khi làm viên nén, dăm gỗ chúng ta cũng chưa kịp chuẩn bị gỗ sạch để người châu Âu khi cho vào lò sưởi không cảm thấy thấy ân hận vì đã góp phần tàn phá môi trường!

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 5.
Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 6.

Lấy trường hợp một công ty gia công chi tiết cho ngành lắp ráp cụm chi tiết điện và xe hơi, vốn là khách hàng của người viết.

Chỉ một ngày sau khi nhận được thông báo điều chỉnh giảm đơn hàng, công ty này lập tức cắt ngày làm để giảm chi quỹ lương, thứ bảy nghỉ không lương. Rồi chỉ ba ngày sau, toàn bộ công nhân thời vụ - thuê ngoài được cho nghỉ, không một khoản bồi thường hay hỗ trợ.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 7.

Tính bấp bênh của thị trường lao động từ mấy năm nay đã tạo ra một cơ chế thuê ngoài vô cùng linh hoạt: thời gian thông báo nhận việc và nghỉ việc chỉ là ba ngày. 

Hệ thống dịch vụ cho thuê nhân lực hiện tại đảm bảo được điều đấy và công ty lớn nhất nhì trong lĩnh vực này có khả năng cung cấp xấp xỉ 50.000 nhân công cho các công ty FDI chuyên gia công, lắp ráp khắp Đông Nam Bộ.

Nhân viên thời vụ trở thành một nghề và dần dà họ cũng có những kỹ năng cơ bản nhất định để với những công việc đơn giản, họ không mất nhiều thời gian là có thể đạt mức năng suất chấp nhận được.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 8.

Nhưng tất nhiên cái giá phải trả không hề rẻ. Với những người chuẩn bị bước vào thị trường lao động, họ phải chấp nhận một viễn cảnh thực tế: có thể mất việc bất cứ lúc nào, không phải vì họ làm gì sai trái.

Trong danh sách những ngành nghề có số lượng người bị cho nghỉ việc nhiều nhất trong 3 quý đầu năm 2022 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, có cả ngành mà nhu cầu hiện tại và tương lai rất sáng sủa: IT.

"Hầu hết chuyển sang làm free-lancer [lao động tự do theo hợp đồng ngắn hạn hoặc dự án]", một chủ doanh nghiệp trong ngành này chia sẻ. Free-lancer có thể hiểu là công nhân thời vụ đã nói ở trên.

Ở mức độ toàn cầu, sự kiện 50% nhân viên Twitter, công ty công nghệ hàng đầu thế giới, nhận quyết định sa thải từ ông chủ mới trong vòng một tuần lễ, bất chấp mọi phản đối và hậu quả tổn hại hình ảnh doanh nghiệp cho thấy sự khốc liệt của thị trường lao động đã là điều phổ biến trong thế giới hiện đại.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 9.
Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 10.


Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 11.

Ông Kiều Văn Đồng, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH gỗ Lee Fu (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết doanh nghiệp có khoảng 1.700 lao động. Do việc kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng nên gần đây công ty buộc phải cắt giảm lao động.

Năm ngoái công ty chỉ giảm khoảng 100 người nhưng đến nay con số này là hơn 1.000, hiện còn khoảng 650 người. Dù đã cắt giảm gần 60% lao động, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 12.

Nhiều nhà máy da giày đang cho công nhân làm việc cầm chừng do đơn hàng khan hiếm. Ảnh: TIẾN THẮNG

"Công ty không đủ đơn hàng cho công nhân làm, phải hoạt động cầm chừng, thứ bảy hằng tuần công nhân nghỉ, đời sống rất khó khăn", ông Đồng chia sẻ.

Công ty TNHH Timber (KCN Tam Phước, Đồng Nai) cho biết do đơn hàng gỗ của công ty bị giảm nhiều nên đang tạm hoãn hợp đồng với 853 trong số 3.466 lao động. Sau khi có một số đơn hàng, công ty đã gọi 135 người quay lại làm việc, dự kiến đầu năm 2023 sẽ quay lại hết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, phó tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien (Đồng Nai), nói tình hình năm nay còn tệ hơn năm 2021.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 13.

"Từ đây tới Tết công ty cố gắng duy trì hoạt động nhưng dự kiến thời gian nghỉ Tết kéo dài hơn năm ngoái. Năm trước nghỉ 12 ngày, năm nay nghỉ Tết khoảng 1 tháng", bà Tin thông tin.

Ngành da giày cũng đang gặp không ít khó khăn và "khát" đơn hàng trong các tháng cuối năm. Các doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên 2-3 ngày trong tháng.

Chị Hỏa Thị Phương Nhi, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Longwell (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), chuyên sản xuất giày, cho biết từ tháng 8-2022 doanh nghiệp này bị cắt giảm đơn hàng khá nhiều, họ cho người lao động (NLĐ) nghỉ phép 5 ngày/tháng nhưng vẫn trả 100% lương theo hợp đồng lao động.

"Công đoàn đang thương lượng với lãnh đạo công ty, làm sao có lương, thưởng Tết hợp lý, hỗ trợ NLĐ có điều kiện đón Tết và có chi phí về quê sum họp gia đình", chị Nhi cho hay.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Cibao (sản xuất giày, TP Long Khánh, Đồng Nai), cho biết đơn hàng của công ty liên tục giảm trong những tháng qua, quý 4-2022 rất khó khăn và chưa có tín hiệu khả quan trong năm 2023. Công ty có phương án cho người lao động nghỉ 4 ngày thứ bảy trong tháng 11 và 10 ngày trong tháng 12 tới.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 14.

Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội cho biết một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã có kế hoạch từ đầu năm, chủ động nhập nguyên liệu, linh kiện… nên vẫn duy trì sản xuất, tuyển dụng lao động, nhất là doanh nghiệp FDI. 

"Hiện các khu công nghiệp có hơn 700 doanh nghiệp và khoảng 166.000 lao động. Số lao động này đảm bảo sản xuất nên doanh nghiệp chỉ tuyển rải rác", vị này thông tin.

Chị Nguyễn Thị Chiển, chủ tịch công đoàn Công ty may Maxcore (Hà Nội), cho biết công ty đang tuyển 200 công nhân may do đã có đủ đơn hàng năm 2023, mức thu nhập từ 7-20 triệu đồng/tháng.

"Dù công ty nhận đào tạo nghề nhưng đa số NLĐ không thích học may mà muốn làm việc ngay như công nhân lắp ráp điện tử. Công ty đang khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công nhân viên tìm được công nhân mới", chị Chiển nói.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 15.

Không còn nhiều thông báo tuyển dụng hấp dẫn người lao động Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Nguyễn Văn Chí, chủ tịch công đoàn Công ty Crystal Martin (Bắc Giang), hiện công ty vẫn có nguồn cung nguyên liệu tốt, đơn hàng đều do thương hiệu của công ty mẹ ở nước ngoài lớn và đảm bảo việc tăng ca cho công nhân nên thu nhập trung bình đạt khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.

Số lao động của công ty ổn định với hơn 8.000 người. Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ tịch Công đoàn tỉnh Bắc Giang, cho biết đã có một số doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động nhưng đa số vẫn duy trì hoạt động. Tỉnh có 90.000 công nhân dệt may, chủ yếu gia công xuất khẩu đi Mỹ, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 16.

Các doanh nghiệp điện tử lớn đang tìm đơn hàng mới nên bố trí giãn ca, giảm giờ làm. Một số đơn vị khác còn hàng tồn kho nên sản xuất cầm chừng, chờ đơn hàng mới.

"Năm 2023, các nhà máy đang xây dựng sẽ tuyển thêm 10.000 - 15.000 lao động. Với các công ty lớn, sử dụng khoảng 30.000 - 40.000 công nhân khi có đơn hàng có khả năng thiếu lao động", ông Phúc nói.

Ông cho biết xuất khẩu điện thoại chiếm khoảng 50% trong số các mặt hàng điện tử của Samsung nên biến động việc làm phụ thuộc vào công ty mẹ. 

Giải pháp là kết nối các doanh nghiệp với nhau, thuyết phục các công ty chi trả lương, bảo hiểm để giữ chân công nhân, giới thiệu người lao động đến làm việc tại doanh nghiệp khác cùng ngành trong vài tháng…

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, cho biết tỉnh đã thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp về vận chuyển, nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc tuyển dụng lao động.

Nếu thiếu nguyên vật liệu đầu vào, tổ này sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành trung ương như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn. "Cùng kỳ năm 2021 có khoảng 192.000 lao động làm việc tại gần 400 doanh nghiệp nhưng nay chỉ khoảng 188.000 lao động", ông Ngọc nói.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 17.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một lãnh đạo công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết qua khảo sát 97 công đoàn cơ sở, hơn 50% đơn vị cho biết việc xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ… của công ty đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân NLĐ nên tình trạng sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động chưa phổ biến nhưng cũng "chưa biết duy trì được bao lâu".

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 18.

Ảnh: TỰ TRUNG

Tháng 8-2022, hơn 600 công nhân của xí nghiệp giày Hải Thất thuộc Công ty CP Da giày và phát triển Hải Phòng (Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do xí nghiệp này giải thể. Công đoàn ngành công thương Hải Phòng đã yêu cầu công đoàn công ty phối hợp giải quyết các chế độ, quyền lợi của NLĐ theo quy định pháp luật.

Ông Cao Duy Thái, phó trưởng phòng phụ trách phòng chính sách - lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, nêu nghịch lý: năm 2021 doanh nghiệp không có lao động sản xuất vì các phương án chống dịch, năm nay lao động rất nhiều lại không có đơn hàng.

Theo ông Thái, hiện doanh nghiệp khó xác định trả lương ngừng việc theo quy định nào.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 19.

Do vậy, khi tính phương án cho NLĐ tạm hoãn hay nghỉ Tết kéo dài, doanh nghiệp và công đoàn cần thỏa thuận với NLĐ tùy tình hình doanh nghiệp, không thể áp dụng Luật lao động mà vận động NLĐ chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn trước mắt. Nếu doanh nghiệp "chết" thì NLĐ cũng mất việc.

"Cắt giảm đối tượng nào, có thực sự vì lý do khó khăn hay mượn lý do khó khăn tạm thời để thay NLĐ. Vai trò của công đoàn rất quan trọng, phải xác định tình hình thực tế xây dựng phương án, giám sát, xin ý kiến chế độ…", ông Thái nhấn mạnh.

Ông Hồ Thanh Hồng, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, nhận định đa số các doanh nghiệp hoạt động ổn định là nhờ NLĐ có tay nghề, sản xuất được mặt hàng khó nên còn đơn hàng.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 20.

Vợ chồng chị Bùi Thị Dền đều làm cho công ty may tại khu công nghiệp Vsip, Bắc Ninh. Bảy tháng nay công ty ít hàng, công nhân làm đến 4h chiều đã hết việc. Không được tăng ca nên thu nhập chỉ 5 triệu đồng/người, chưa bằng nửa lương những năm trước (12-13 triệu đồng, nếu tăng ca liên tục).

Chồng chị Dền đã nghỉ việc, ra ngoài chạy hàng ở chợ vải Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). "Nếu kéo dài tình trạng này thì cuối năm nay vợ chồng tôi sẽ về quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình làm ở gần nhà. Được gần con cái, không tốn tiền trọ, đỡ tốn kém hơn", chị Dền cho biết.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 21.

Bữa ăn của một gia đình công nhân ở trọ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: An Bình

Thu nhập giảm trong khi giá cả sinh hoạt đắt đỏ hơn. "Một mớ rau trước đây 5.000-6.000 đồng, nay lên 10.000 đồng. Thịt cá, trứng sữa đều tăng giá", chị Dền than.

Nhiều tháng qua, vợ chồng chị không sắm quần áo, đồ dùng mới mà dành tiền cuối tháng về quê thăm con.

"Một số công nhân đã nghỉ việc, chạy xe ôm, bán hàng online để trang trải tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi về quê lo học phí cho con. Cuối năm nhiều khoản chi tiêu, Tết nhất đến nơi, năm nay không khéo mất Tết", chị Dền thở dài.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 22.

Chị Nguyễn Thị Hà, 43 tuổi, ở phường Dương Xá, TP Thanh Hóa, nói: "Buồn nhất là chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm, được lĩnh lương tháng 13.

Đùng một cái công ty cho nghỉ việc, không có một khoản trợ cấp nào hết, còn ít hàng tồn ai làm ngày nào tính tiền ngày đó nhưng tháng 11 này cũng hết thôi.

Giờ đi xin việc đâu dễ, công ty chọn người trẻ rồi mới tới lượt già như tôi. Tôi còn nuôi ba con đang ăn học, có đứa đang học ĐH Bách khoa Hà Nội, tốn kém lắm. Không có thu nhập, tôi chưa biết xoay xở thế nào. Định đi bán hàng ngoài chợ nhưng kinh nghiệm không có, mối hàng cũng không".

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 23.

Ảnh: TỰ TRUNG

Chị Hà, công nhân may mặc tại một chi nhánh lớn của Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế ABC, tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, cũng vừa được thông báo dừng hợp đồng. 

Chồng chị là lái xe, thu nhập không ổn định. Từ giờ tới Tết, chị chưa biết tìm công việc mới nào để trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa và chồng đều làm trong công ty may bức xúc: "Công ty cho nghỉ thời điểm này là có chủ ý, muốn cắt tháng lương thứ 13 mà công nhân mong đợi.

Bắt ký dừng hợp đồng nhưng không hỗ trợ, công nhân phải điền vào đơn theo mẫu có sẵn là đơn xin thôi việc thì mới được làm thủ tục nghỉ việc. Hoàn tất thủ tục nghỉ việc thì công nhân mới xin việc được ở nơi khác, chuyển tiếp đóng bảo hiểm.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 24.

Làm việc ở công ty may gần nhà, chị Lê Thị Liên (ở xã Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa) đang lo vì từ đầu năm tới nay công ty của chị ít việc, lương giảm mạnh.

Trước đây chị làm 7-8h tối mới về, nay chỉ 4-5h là hết việc.

"Trước đây công việc ổn định, tăng ca đều nên thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Nay không tăng ca, nghỉ luân phiên thu nhập chỉ khoảng 6 triệu" - chị Lê Minh, Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai), nói.

Vợ chồng chị Minh làm chung công ty nên tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, chi tiêu phải dè sẻn từng tí. Với thâm niên 6 năm, vợ chồng chị Minh không mạo hiểm nhảy việc lúc này mà chỉ mong công ty sớm có đơn hàng.

Sự khốc liệt của thị trường lao động - Ảnh 25.
KHÁNH LINH - TIẾN THẮNG - A LỘC - HÀ QUÂN - TÂM LÊ
VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên