16/11/2013 08:00 GMT+7

Sư Đạo Tôn

NGUYỄN NGỌC TUYẾT (Cần Thơ)
NGUYỄN NGỌC TUYẾT (Cần Thơ)

AT - Mở đầu năm học, vào ngày khai giảng, ngôi trường THPT Châu Văn Liêm (Collège de Cần Thơ, Phan Thanh Giản cũ), nơi tôi giảng dạy mấy mươi năm bao giờ cũng đón học sinh khối lớp 10 mới vào trường bằng một nghi thức đẹp. Đó là “Lễ bái sư” cho các học sinh mới.

SbadYcNq.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

Tập trung từ sớm ở sân sau, toàn thể học sinh khối 10 mỗi lớp cử 5-7 em đi theo thầy cô chủ nhiệm lên phòng truyền thống, đến trước bàn thờ các thầy cô quá vãng, bên trên có một khung kính lớn có chữ “Sư Đạo Tôn”. Khung chữ này đã có từ những năm tôi còn là học sinh của trường Phan Thanh Giản xưa. Trong phòng truyền thống còn có một khung kính treo trên tường trong có hai chữ “Ân Sư” chữ Hán, viết bằng mực tàu mà chúng tôi được biết là của một cựu học sinh gởi tặng trường như một sự tưởng nhớ, biết ơn các thầy cô đã vun đắp cho mình. Trải qua bao thay đổi thăng trầm, khung kính lớn trên bàn thờ và khung chữ treo tường vẫn còn nguyên vẹn, dù màu mực có phai đi ít nhiều.

Vậy là cả đoàn vừa thầy vừa trò gần trăm người, nghiêm trang, thành kính bước vào phòng, lần lượt thắp những nén nhang thơm ngát cắm vào chiếc lư đồng, vái chào trước tấm bảng lớn trên gắn từng miếng đồng nhỏ khắc tên họ những thầy cô đã mất của ngôi trường này. Biết bao lần lên đây nhưng giây phút ấy với tôi vẫn thiêng liêng, cảm động làm sao! Bởi với nghi thức đầy ý nghĩa này, những người thầy chúng tôi đã dẫn các em học sinh đến “ra mắt” các ân sư, cho các em làm lễ “nhập môn” một cách chính thức, trang trọng theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của muôn đời. Sau đó các học sinh khối 10 mới được lần lượt giới thiệu từng lớp giữa sân cờ khi lễ khai giảng năm học chính thức bắt đầu.

Không chỉ vậy, những ngày 20-11 hằng năm, trước khi buổi lễ Hiến chương nhà giáo tiến hành, các thầy cô giáo cũng dẫn các em học sinh đại diện cho các khối lớp đến thắp hương trên bàn thờ “Sư Đạo Tôn” để thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Những ngày ấy, học trò cũ các nơi lại tìm về, đầu bạc kề đầu xanh, cùng nhau lên phòng truyền thống, đứng trước bàn thờ, bồi hồi xúc động nhớ về những kỷ niệm với thầy cô, bạn bè dưới mái trường cổ kính rêu phong bên dòng sông Hậu hiền hòa này.

Có lần tôi đã gặp một cụ già, lụm cụm leo lên từng nấc chiếc cầu thang gỗ xưa, chắp tay khấn vái trước bàn thờ, nhìn lên ba chữ “Sư Đạo Tôn” mà rưng rưng nước mắt. Và tôi, đứng bên cạnh người đồng môn già cũng ngậm ngùi, bâng khuâng trước những hưng phế, những vô thường của cuộc đời. Những phút giây đó, tôi biết lòng chúng tôi đều trào dâng cảm xúc như nhau. Bao thầy cô năm nào đã lần lượt tên ghi trên tấm bảng đồng này, bao kỷ niệm một thời áo trắng sân trường vẫn chưa phai mờ trong ký ức hom hem... Và những em học sinh của tôi, sau mấy năm học ở ngôi trường này, liệu mai sau có còn nhớ chút gì của thầy cũ, trường xưa? Có còn đọng lại trong lòng chút hương của từng nén nhang tưởng niệm trước bàn thờ này? Và cái khẩu hiệu vẫn lấp lánh trên các khung cửa “Tiên học lễ, hậu học văn” kia có còn ý nghĩa thực hôm nay?

Riêng tôi, dù đã không còn đứng trên bục giảng của mái trường này, ngày 20-11 mỗi năm tôi lại về thăm trường cũ, nơi tôi đã sống một thời học trò rực rỡ, vui tươi; cũng là nơi tôi được may mắn trở về giảng dạy lại lớp đàn em cả một đoạn đường dài gần cả đời người. Như mọi năm, trước khi vào dự lễ dưới sân cờ, tôi lại lên phòng truyền thống ở lầu hai. Thắp một nén nhang, nhìn lên bàn thờ có ba chữ “Sư Đạo Tôn”, tôi lại ngậm ngùi xót xa bởi trên chiếc khung lớn lại có thêm vài tấm bảng đồng mới! Ôi, một năm qua, đã có những thầy cô nào, những đồng nghiệp nào của tôi lần lượt đi về chốn vĩnh hằng? Qui luật của muôn đời, làm sao tránh khỏi phải không? Vậy mà vẫn nghe hụt hẫng, mất mát trong lòng.

Chầm chậm bước xuống lầu, không khí rộn ràng trên lễ đài, tiếng cười vui của đám học trò như cuốn đi bớt những tiếc nhớ, muộn phiền. Buổi lễ bắt đầu với một tiết mục văn nghệ tôn vinh người thầy. Những tà áo trắng bay bay, điệu múa nhẹ nhàng, thanh thoát minh họa cho tiếng hát trầm bổng du dương: “Khi thầy viết bài, bụi phấn bay bay... có hạt bụi nào bay trên tóc thầy...”.

N6DLreD8.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN NGỌC TUYẾT (Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thầy cô kính yêu