31/05/2024 19:16 GMT+7

Song Tử Tây - vườn ươm xanh giữa Trường Sa

“Màu xanh trên đảo là công sức của dân và quân Song Tử Tây, không phải của riêng ai. Mùa mưa bão đến, chúng tôi đậy lại, che chắn cho cây. Bão qua rồi, chúng tôi lại nâng niu, nâng đỡ cây, cây che cho dân, cho chiến sĩ, còn chúng tôi chăm cho cây”.

Ươm cây giống trên đảo cần chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ươm cây giống trên đảo cần chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhìn những nhánh phong ba mới mọc lên lại từ gốc cũ bị đổ do trận bão cuối năm 2021, anh Cao Văn Giáp - phó chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - bộc bạch.

Viên ngọc xanh nơi đầu sóng

Nhớ lại thời điểm trước khi cơn bão đi qua, những tán phong ba, bàng vuông, phi lao cao lớn che bóng mát cho cả đảo, "đi trên đảo là không thấy ánh mặt trời", anh Giáp nói.

Tháng 12-2021, cơn bão RAI đổ bộ tàn phá hơn 90% cây xanh trên đảo Song Tử Tây, nhiều cây phong ba lớn bị gãy đổ, bật gốc. Nhiều cây xanh trơ trọi lá. Bão qua, dân và quân trên đảo dựng lại từng cây đổ, trồng mới thêm nhiều cây xanh.

Sau hơn hai năm, Song Tử Tây ngày càng xanh hơn. Từ những gốc cây bị đổ, nhiều mầm xanh đâm chồi, lên lộc mới. Dù chỉ còn 1-2 rễ bám dưới đất san hô, cây phong ba vẫn hiên ngang vươn mình, xòe tán.

Hai năm sau bão, những mầm phong ba đã trở nên xanh tươi trên gốc của cây cũ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hai năm sau bão, những mầm phong ba đã trở nên xanh tươi trên gốc của cây cũ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

"Quân và dân làm chung một việc: cùng trồng, cùng cuốc, cùng ủ, cùng ươm cây, đi nhặt từng cọng lá, vác từng bao đất để trồng, xách từng xô nước tưới cho cây.

Được sự quan tâm của đất liền đưa ra cho chúng tôi từng bao đất, bao phân để cải tạo đất trồng cây. Mùa nắng nóng thì lấy lá khô ủ vào gốc để giữ ẩm lâu hơn, lá khô cũng tạo mùn để cây phát triển tốt. Mùa mưa, bão gió lớn chúng tôi che chắn cho cây", anh Giáp kể.

Trồng cây ở Song Tử Tây không hề dễ bởi ở đây là đất, đá san hô. Nước tưới bao nhiêu thì thấm xuống bấy nhiêu, thêm thời tiết khắc nghiệt khiến cây khó phát triển.

Phong ba được công nhận là cây cổ thụ của Song Tử Tây - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phong ba được công nhận là cây cổ thụ của Song Tử Tây - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Muốn trồng cây phải chọn giống phù hợp. Năm đầu tiên là lúc chăm cây khó nhất, mùa gió biển mang hơi mặn vào, nhiều quân và dân phải che chắn cho từng cây non. Qua một năm cây quen với đất, với gió rồi công chăm sóc mới đỡ hơn.

Đã ra Song Tử Tây được 8 tháng, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Luận cùng hai con nhỏ (quê quán huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã quen với cuộc sống trên đảo. Anh Luận cũng góp thêm màu xanh cho hòn đảo này bằng việc trồng một cây bàng vuông trước sân nhà.

"Dân và quân trên đảo như anh em một nhà, hỗ trợ giúp đỡ nhau. Mình cần gì các anh cũng giúp, bộ đội cần mình lại giúp các anh. Chúng tôi giữ màu xanh cho đảo bằng việc trồng cây và phân loại rác thải. Trong mảnh vườn nhỏ vợ chồng tôi cũng trồng đủ loại rau xanh phục vụ nhu cầu hằng ngày", anh Luận nói.

Những cây phong ba được trồng trong sân chùa ở đảo Song Tử Tây vươn mình giữa nắng, gió - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Những cây phong ba được trồng trong sân chùa ở đảo Song Tử Tây vươn mình giữa nắng, gió - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Trên đảo các loại cây nhiều nhất là cây tra, phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông. Ngoài ra, ở Song Tử Tây bây giờ cũng trồng được nhiều loại cây ăn quả như chanh, thanh long, dừa, đu đủ… các loại cây như mít, xoài cũng được đưa ra ươm thử.

"Mưa, gió bão làm đổ bao nhiêu cây thì chúng tôi dựng lại bấy nhiêu, trồng nhiều hơn nữa, cây cổ thụ thì dựng lên để giữ lại… để môi trường ở Song Tử Tây xanh, đẹp hơn", anh Giáp khẳng định.

Ngày hai lần, các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây lại tưới nước cho cây nhỏ trong vườn ươm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ngày hai lần, các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây lại tưới nước cho cây nhỏ trong vườn ươm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Gửi màu xanh từ Song Tử Tây cho cả quần đảo

Không giữ màu xanh cho riêng mình, từ Song Tử Tây những mầm xanh của bàng vuông, phong ba được gửi đi Đá Nam và các đảo xung quanh để nhân thêm màu xanh ở Trường Sa.

Ngày hai lần, sáng - chiều, các chiến sĩ trên đảo lại xách từng ô doa nước tưới mát cho các cây con trong vườn ươm. Mỗi năm, từ vườn ươm nhỏ này hàng ngàn cây xanh được nuôi lớn, chi viện cho các đảo.

Các đại biểu thăm vườn ươm trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Các đại biểu thăm vườn ươm trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thượng tá Nguyễn Văn Khương - chính trị viên đảo Song Tử Tây - cho biết điều kiện thời tiết khiến việc trồng cây gặp nhiều khó khăn, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo tìm cách bổ sung dưỡng chất để có thổ nhưỡng tốt nhất.

Trên đảo có một vườn ươm cây giống. Từ các hạt bàng vuông, cây tra, phong ba già, các chiến sĩ cho vào bầu ươm, chăm sóc để cây non phát triển tốt. Qua đó có nguồn cây giống vừa để trồng trên đảo Song Tử Tây, gửi đi các đảo nhằm thực hiện xanh hóa Trường Sa.

Song Tử Tây - vườn ươm xanh giữa Trường Sa- Ảnh 7.
Song Tử Tây - vườn ươm xanh giữa Trường Sa- Ảnh 8.
Song Tử Tây - vườn ươm xanh giữa Trường Sa- Ảnh 9.

Qua bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ, các cây xanh trong vườn ươm đều lớn lên khỏe mạnh, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ giúp Trường Sa xanh - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

"Cây xanh có nhiều ý nghĩa đối với quân và dân trên đảo Song Tử Tây. Cây tạo bóng mát, cảnh quan, môi trường trong lành cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo", thượng tá Khương chia sẻ.

Từ cây nhỏ đến cây lớn, lúc nào trong vườn ươm rộng khoảng 30m2 của các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây cũng xanh mát, các cây giống bàng vuông, phong ba luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ xanh hóa Trường Sa.

Những vườn rau xanh mát giữa muôn trùng sóng gió Trường SaNhững vườn rau xanh mát giữa muôn trùng sóng gió Trường Sa

Hết giờ làm nhiệm vụ, các chiến sĩ ở các điểm đảo của Trường Sa bắt tay vào chăm sóc cho vườn rau của đơn vị. Giữa cái nắng, cái gió mặn mòi của biển cả, qua bàn tay chiến sĩ cây nào cũng xanh tươi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên