Phóng to |
Nhà dân, bãi rác và nghĩa trang “sống chung” - Ảnh: M.H. |
Tại khu phố Quang Trung, phường Vĩnh Quang (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) có một bãi rác đã tồn tại từ hơn 20 năm qua. Bác sĩ Phạm Thị Tuyết, một nạn nhân sống trong vùng ô nhiễm, bức xúc: “Người dân ở đây đã gửi hàng trăm lá đơn cầu cứu nhưng vẫn không thấy chính quyền động tĩnh gì”.
Theo bác sĩ Tuyết, hằng ngày người dân nơi đây bị mùi hôi bám vào quần áo và “trộn” vào cả chén cơm. Không chỉ thế, ô nhiễm từ bãi rác còn dẫn đến các bệnh như sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp cấp, nấm ngoài da, tiêu chảy... Mỗi năm có ít nhất 50 trẻ em bị bệnh, trong đó nhiều trường hợp phải đi cấp cứu. “Con tôi lúc mới sinh phải đi ở nhờ nhà người quen vì sợ cháu nhiễm bệnh” - bác sĩ Tuyết dẫn chứng.
Phó trưởng khu phố Quang Trung Lê Thanh Mai cho biết thêm: “Không chỉ 810 hộ dân ở đây bao năm nay phải sống chung với mùi hôi thối mà cả một khu dân cư rộng lớn cũng phải chịu đựng. Bởi nhiều khi mùi hôi thối bị cuốn theo chiều gió bay đến tận Trung tâm thương mại TP Rạch Giá, tràn vào các lớp học, cách cả chục cây số còn ngửi thấy mùi hôi. Mỗi khi có tiệc tùng không dám mời khách đến chơi vì... sợ ruồi, sợ mùi hôi và sợ khách không dám ăn!
Dân ở đây phải hứng chịu hàng trăm thứ ô nhiễm: ô nhiễm từ nước bẩn bãi rác (vì nó cao hơn khu dân cư), từ không khí vì gió thường xuyên từ biển thổi vào, ô nhiễm từ nước sinh hoạt trong lòng đất do nhiều người vẫn dùng nước khoan”.
Chưa hết, bên cạnh bãi rác lại là nghĩa trang và một lò thiêu thủ công khói bay nghi ngút, rồi khói của dân đốt phế liệu... Người dân biết đang phải sống trong vùng độc hại, nguy cơ về một “làng ung thư” đang rình rập nhưng biết làm sao được.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đội trưởng đội thu gom rác TP Rạch Giá, hiện mỗi ngày có 228m3 rác được đổ ra khu vực nói trên, chưa kể rác thải từ các bệnh viện và nước hút từ các hầm cầu. Biện pháp xử lý mùi hôi hiện nay là sử dụng chế phẩm Bokashi - EM, còn để giải quyết việc rác tồn đọng quá nhiều là... ủi chúng thẳng ra biển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyện giải phóng bãi rác đã được đề cập từ hàng chục năm nay. Cách đây mấy năm Thủ tướng Chính phủ cũng đã “điểm danh” 64 điểm ô nhiễm trên toàn quốc, trong đó có bãi rác Rạch Giá. Và tại ít nhất sáu kỳ họp HĐND tỉnh Kiên Giang, vấn đề giải quyết chuyện bức xúc ở bãi rác đều được đưa ra bàn thảo. Thế nhưng, việc chọn công nghệ xử lý rác như thế nào và vị trí đặt nó ở đâu vẫn còn tranh cãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận