Phóng to |
Ông Minh trong căn nhà nhỏ của mình - Ảnh: M.L. |
Ngôi nhà ấy có ba thế hệ, tám nhân khẩu sinh sống. “Khi tôi lấy chồng, gia đình nhà chồng nhiều anh em, nhiều con cháu mà nhà lại nhỏ. Bố mẹ tôi thương quá, còn tí đất 5m2 sát dãy nhà tắm, nhà xí chung cả xóm cho vợ chồng tôi ở” - bà Nguyễn Thị Nhung (59 tuổi) kể về “lịch sử” của căn nhà lạ lùng này.
Kể từ ngày đó, mảnh đất 5m2 ấy được quây lại tạm bợ bằng tre nứa là nhà của đôi vợ chồng trẻ. Hiện giờ vợ chồng bà Nhung đang ở cùng gia đình hai người con trai. Hai đứa cháu nội bà là đời thứ ba của ngôi nhà lạ kỳ này.
Ký ức chưa xa
“Sang năm hai đứa cháu nội tôi đều vào lớp 1. Trước thằng lớn nhà tôi chỉ được học đến lớp 10, không có tiền phải nghỉ học, xin đi làm thuê. Thằng thứ hai học đến lớp 4 cũng nghỉ. Tôi bảo hai đứa con đời mình đã khổ rồi, đừng để con cái mình khổ như vậy nữa...” - bà Nhung nói. |
Trong ký ức của bà Nhung ở cái thuở xa xưa ấy, trong cái tổ ấm vẻn vẹn 5m2 của vợ chồng bà không bao giờ có nổi cái giường đàng hoàng. Chỗ ngủ của họ là cái vạt giường để trên nền đất trần, trải chiếu lên cho đỡ hơi đất.
Mùa hè dựng vạt giường lên nằm đất cho mát. Nhà không ghế, không bàn mà ra vào vẫn vập nhau. Đun nấu cũng phải trong nhà. Cái bếp trước cửa bây giờ ngày xưa là sân.
Căn nhà bị tường của dãy nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng và xung quanh là nhà dân xây cao ngăn tất cả các hướng gió nên trong nhà lúc nào cũng như cái hầm, ngột ngạt. Khi đó Hà Nội vẫn còn kiểu hố xí hai ngăn để thùng nên cả khu vực xung quanh nhà bà bốc mùi cả đêm.
“150 con người chỉ có bốn hố xí. Nhà tôi rất kín gió nên mùa nóng hôi thối không thở được. Giời hanh gió còn đỡ, giời nồm gió bốc mùi rất kinh. Quần áo cũng bị ám mùi. Nóng quá muốn mở cửa thì mùi nước tiểu, mùi phân bốc vào” - bà Nhung nhớ lại.
Ước mơ của bà khi ấy thật giản dị và nhỏ bé: chỉ cần có được cái quạt máy dùng khi trời nóng, khi gió lùa mùi xú uế vào nhà. “Hồi đó không có tiền mua quạt máy. Lương công nhân ăn uống còn không đủ nói gì đến quạt máy” - bà Nhung bảo.
Chồng bà, ông Trần Đăng Tuyền, làm công nhân Xí nghiệp kẹo Hà Nội. Còn bà Nhung là công nhân dệt kim Thăng Long. Lương của hai vợ chồng chỉ gần 600.000 đồng/tháng. Không thể ở mãi được trong 5m2, gia đình bà Nhung làm đơn xin phường cho đổ ximăng lên phần ngói của nóc nhà xí, vách là cót ép cao 2m, lợp tôn ở.
Khi hai cậu con trai đã ngoài 20 tuổi, bà Nhung lại xin phường cho lợp lại mái, thay cót ép quây tôn ở. “Quây cót ép mưa gió khổ sở lắm. Trời nắng thì nóng, khai thối. Trời mưa thì dột, nước hắt ướt hết nhà. Đêm gió quật mưa tạt không ngủ được” - bà Nhung cho hay.
Liên tiếp trong năm 2006, hai con trai lấy vợ. Anh lớn đầu năm, cậu út cuối năm. Không có tiền ra nhà hàng, đám cưới cả hai con bà đều thuê người ngoài nấu rồi mang về nấu lại. Mâm cỗ cũng để nhờ ở ba nhà hàng xóm, nhà ông ngoại và sân công cộng. Rồi đến đầu và cuối năm 2007, hai đứa cháu ra đời...
Tháng 11-2011, dột nát quá, cả nhà tám người không thể cứ chen chúc trong cái ván cót, mái tôn trên nóc nhà xí được, bà Nhung làm đơn xin phường cho xây lên hai tầng. Cảm thương cho hoàn cảnh gia đình bà, UBND P.Hàng Bồ đồng ý cho sửa lại.
Vợ chồng bà Nhung gom hết tiền tích cóp được hai mươi mấy năm trời và mượn thêm họ hàng, bạn bè để xây lên hai tầng. Móng nhà không nằm dưới đất mà ngự ngay trên nóc của... dãy nhà vệ sinh!
Nói là hai tầng nhưng nhìn rất đơn sơ, không họa tiết trang trí, chỉ là những bức tường thô và được điểm xuyết bằng hai cái cửa sổ xếp. Cái cửa sổ xếp ấy chỉ được mở một nửa để hạn chế mùi hôi bay vào phòng...
Phóng to |
Bà Nhung chuẩn bị bữa cơm chiều trước cửa căn nhà 5m2. Khu bếp đặt ngay cạnh khu vực cửa dãy nhà vệ sinh - Ảnh: M.L. |
Hai mảnh đời trên 3,6m2
Nằm chênh vênh trên nóc của một nhà vệ sinh tập thể ngay đầu hẻm 185 Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM), “ngôi nhà” của cha con ông Trần Văn Minh (64 tuổi) chỉ vẻn vẹn 3,6m2 với bề ngang 1,8m, dài 2m.
“Năm Mậu Thân 1968, bố mẹ và anh trai tôi nấu bánh tét thì bị trúng bom chết hết... Tôi bị thương nên ngất đi không biết bố mẹ và anh trai chết. Năm 1972, khi trở ra Huế tôi mới biết tin...” - ông Minh buồn buồn kể.
30 tuổi, ông lấy vợ, là một cô gái mồ côi mẹ. “Vợ chồng tôi thương nhau về ra mắt ông già ở Bến Tre rồi thành vợ thành chồng, có cưới hỏi gì đâu” - ông Minh kể.
Không nhà cửa, hai vợ chồng ngày đi bán trái cây dạo rồi chuyển qua khoai lang chiên, cháo huyết, tối về trải nilông ngủ vật vờ ngay trong con hẻm này. Khi biết vợ có thai, ông thuê nhà để vợ đỡ tủi thân. Mới ở được hai tháng, chủ nhà đuổi vì... sợ xui. Hai vợ chồng lại tiếp tục cuộc sống lay lắt ở hẻm từ năm 1980. Ông không thể ngờ cuộc sống ấy kéo dài hơn 30 năm ròng rã.
40 tuổi ông mới được làm cha. Cuối năm 1989, cậu con trai đầu lòng và cũng là duy nhất Trần Nguyên Hà ra đời. Nguyên Hà mới được 6 tháng tuổi thì mẹ bị bệnh phổi. Bà đã bị sẵn bệnh tim nhưng không có tiền chữa nên cứ để liều. Ông Minh ẵm con trai ngồi ở đầu đường bán vé số. Đứa bé dường như cũng biết thân phận, nằm ngủ ngoan ngoãn trong cái thùng bán vé số.
“Thằng Hà mới sinh đã bị vàng da phải nằm phòng cách ly. Hai vợ chồng tôi dư được hơn bốn cây vàng thì chữa cho con xong là hết tiền. Bà ấy bị bệnh gần hai năm sau thì mất, khi tôi đang ôm con trai bán vé số...” - ông Minh chảy nước mắt khi nhớ lại.
Hai cha con cứ thế côi cút đùm bọc nhau trong con hẻm toàn những người lớn lên từ cô nhi viện này. Nguyên Hà và cha chịu đựng cảnh ngủ lăn lóc sương gió dãi dầu ấy mãi cho đến năm 2010, bà con lối xóm thấy Hà đã lớn, góp tiền lợp tôn làm cho hai cha con cái chòi ở trên nóc nhà tắm.
Hồi trước, khu vực dưới cái chòi mà cha con ông Minh ở có 6-7 cái nhà tắm và nhà vệ sinh tập thể. “Ở trên này ban ngày rất nóng, hai cái quạt cũng chịu không nổi” - ông Minh cho biết. Ông mới nghỉ bán vé số mấy tháng nay, phụ bán cơm từ 6g30 sáng đến 7g tối, một tháng được 2 triệu đồng. Hà thì đi giữ xe từ 6g tối đến 4-5g sáng mới về. “Thằng Hà không có hộ khẩu và CMND nên khó xin việc lắm. Nơi nào cũng nhận vào làm việc nhưng chỉ được hai tháng thử việc là cho nghỉ vì nó không thể bổ túc hồ sơ. Bây giờ nó mà lấy vợ thì không biết ở đâu. Tôi ước chỉ có ba miếng tôn dựng nhà để ở...” - ông Minh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận