Avatar: Em đã "thấy" anh...Avatar và 2012 tranh giải Oscar hiệu ứng hình ảnhBí ẩn thế giới đồ họa trong phim Avatar
![]() |
Jake Sully đã tình nguyện chuyển đổi từ một người trái đất ("người trời" - theo cách gọi trong phim Avatar) thành người Na'vi và mãi mãi ở lại với hành tinh Pandora |
![]() |
Những đoàn máy bay quân sự hung hãn tấn công vùng đất của người Na'vi, hòng chiếm được mỏ khoáng chất cực hiếm unobtainium, được xem như chìa khóa cuộc khủng hoảng năng lượng ở thế kỷ 22 trên Trái đất |
Nhớ một lần đi xem phim 5D xong, anh bạn tôi đứng bần thần trước cửa rạp, mắt buồn hiu. Hỏi ra mới biết anh ta đang hình dung đến việc giả sử bộ phim nói về cảnh một nhân vật bị rơi xuống các dòng sông, con kênh ô nhiễm (như Thị Vải, Ba Bò, Nhiêu Lộc... chẳng hạn!) mà được chiếu ở rạp này, với hiệu ứng mùi, gió và không khí y như thật, chắc khán giả xem xong một bộ phim sẽ tổn thọ mất. Ý nghĩ đó làm cho anh đặt tiếp câu hỏi: chẳng lẽ công nghệ càng cao, nghệ thuật điện ảnh càng đi xa, đưa người ta đến những “cảnh giới” trải nghiệm sâu hơn với tác phẩm thì một số hiện thực bê bối, hôi hám của cuộc sống có thể sẽ bị bỏ qua; vì dù gì con người đã rất sợ nhiễm độc từ ngoài đời, chắc chắn càng không muốn bị nhiễm độc khi vào rạp phim - thánh đường nghệ thuật? Câu hỏi bỏ ngỏ.
Tôi khuyên bạn rằng dĩ nhiên những bê bối ô nhiễm kênh rạch, những giành giật đấu đá, chiếm hữu ngoài đời đã đủ, vào rạp phim chắc người ta cũng không muốn hít thở thêm lần nữa. Lời khuyên nhủ của tôi có thiên vị cho những giá trị giải trí, nhưng dù sao cũng vì mục tiêu giúp bạn thoát khỏi câu hỏi nặng nề mà càng truy vấn càng nặng đầu, chẳng đi đến đâu.
2. Trở lại Avatar. Với khả năng siêu tưởng và kỹ xảo công nghệ đạt mức cao, bộ phim là câu chuyện về hành xử giữa con người với môi trường và với nhau. Một thông điệp có tính thời sự, giống một lời cảnh báo khi mối kết nối giữa con người và tự nhiên bị hủy hoại vì đủ thứ lòng tham. Khán giả vẫn bị cuốn hút, lạc vào bối cảnh của bộ phim, của một không gian hành tinh Pandora xa xôi (cách Trái đất 4,4 triệu năm ánh sáng), nhưng lại của một thời gian rất gần thời chúng ta sống (năm 2154, ngày Trái đất bị suy vong). Đó là thời mà con người phải bay đi chiếm lĩnh những hành tinh khác để duy trì sự sống.
Trong rạp 3D, xem nhân vật bay nhảy, chuyện trò, yêu nhau trước mặt mình; thấy những cánh rừng tuyệt đẹp bị hủy hoại trong tầm tay mình; cuốn mình tham gia vào bộ phim, trải nghiệm của bộ phim thành vấn đề trải nghiệm từng cá nhân.
3. Có một cây bút chuyên bình luận phim đã viết trên blog của mình chỉ ra lý do người ta thích xem những bộ phim về tận thế, đại ý: họ muốn thỏa mãn sự tò mò và mối trăn trở về tương lai, một viễn cảnh mà không ai được biết điều gì sẽ đón đợi. Nếu vậy, Avatar, như một ẩn dụ về khuôn mặt trăn trở của tôi - con người - âu lo tự vấn về chính nền văn minh của mình. Và một lần nữa, đặt con người trước một chọn lựa ngỡ “xưa như Trái đất”: tình yêu hay chiến tranh, tiếp tục sự sống hay hủy diệt?
Văn minh điện ảnh, đến thời Avatar, đã đủ sức đưa con người không chỉ sống thử, sống giữa tương lai mà còn phải giải quyết tương lai ngay trong thực tại. Khi bộ phim kết thúc, tháo lớp kính từ mắt xuống tôi tự hỏi: tôi đang mang avatar (sự hóa thân, hiện thân) của ai trong cuộc sống này khi mà tương lai giả tưởng kia cũng là hiện thân của thực tại? Trải nghiệm nghệ thuật không phải là tìm cách thế trả lời mà là để được đặt ra những dấu hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận