01/07/2007 05:27 GMT+7

Sông Sài Gòn lại "nuốt" nhà dân

MINH LUẬN - PHÚC HUY
MINH LUẬN - PHÚC HUY

TT - Khuya 29-6, hàng chục hộ dân ở đường Tầm Vu, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, bàng hoàng khi thấy căn nhà của mình “chuyển động” rào rào. Tiếp theo đó, những vách tường nhà bị xé toạc, và... 13 căn nhà đổ ụp xuống sông.

rcuQz2yu.jpgPhóng to
Toàn bộ phần nhà bếp của 13 căn hộ đổ ập xuống sông Sài Gòn - Ảnh: Tự Trung
TT - Khuya 29-6, hàng chục hộ dân ở đường Tầm Vu, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, bàng hoàng khi thấy căn nhà của mình “chuyển động” rào rào. Tiếp theo đó, những vách tường nhà bị xé toạc, và... 13 căn nhà đổ ụp xuống sông.

Mặt tiền 13 căn nhà này nằm trên đường Tầm Vu, còn phần đuôi thì “gối đầu” lên mép nước sông Sài Gòn. Đi xuồng trên sông nhìn lên, tất cả phần đuôi của 13 căn nhà đều bị đổ ụp xuống sông, tường nhà bị xé toạc. Phía dưới móng dãy nhà bị rỗng như hàm ếch, nước xoáy mạnh như chực nuốt chửng phần còn lại, từ nhà số 801/66 đến số 801/84.

Ông Hoàng Xuân Tùy (64 tuổi, nhà 801/84) kể: “Mọi việc diễn ra chỉ trong khoảng 5 phút, lúc đầu tôi nghe nhiều tiếng kêu răng rắc. Tôi lên bancông đứng nhìn sang nhà bên cạnh và như không tin vào mắt mình vì thấy nhà 801/80 nghiêng từ từ rồi đổ ập xuống sông, liền đó là nhà 801/78 và những căn nhà khác”. Tiếp đến là phần sau căn nhà ông Tùy cũng bị đổ sập, cả nhà ông gồm chín người hốt hoảng chạy dồn lên lầu tụm lại một góc trước nhà. Vì cầu thang căn nhà của ông Tùy được xây phía sau nhà bếp đã bị đổ xuống sông nên cả nhà không có đường thoát thân. Một lúc sau khi chấn động đã yên và được sự giúp đỡ của bà con, cả nhà ông mới leo qua bancông nhà bên cạnh thoát xuống đất.

Quận sẽ hỗ trợ

Theo báo cáo nhanh của UBND P.26, khu vực bị sạt lở có chiều dài khoảng 60m, gồm 13 căn nhà. Toàn bộ phần nhà phụ phía sau những căn nhà này đã bị chìm xuống sông, diện tích sạt lở từ mép sông tính vào khoảng 4-10m. Tổng số nhân khẩu thực tế cư trú tại khu vực này là 56 người. Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo phường đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ gồm công an, dân quân, dân phòng... cùng hỗ trợ nhân dân di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến 3g50, công tác hỗ trợ nhân dân di chuyển tài sản và đưa dân đến nơi ở tạm đã được hoàn tất.

Bà Đặng Thị Quỳnh Như, phó chủ tịch UBND P.26, cho biết ước thiệt hại về tài sản của các hộ dân khoảng 80 triệu đồng, chưa kể nhà cửa.

Trưa 30-6, một số hộ dân vẫn còn di chuyển đồ đạc còn lại gửi những hộ xung quanh. Trừ một số hộ có nhà người thân, các hộ còn lại vẫn nấn ná với nơi ở cũ vì không biết đi đâu. Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Tần Xuân Bảo nói quận đã chỉ đạo phường khảo sát nhu cầu của người dân để có hướng hỗ trợ.

Gần 18g ngày 30-6, Khu đường sông TP.HCM cho biết mới trục vớt được một xe máy, một tivi và một tủ lạnh. Hiện vẫn còn nhiều vật dụng khác chưa trục vớt kịp do nước sông còn cao. Công việc này được tiếp tục trong ngày hôm nay.

Cho xây nhiều tầng

Giải tỏa 1.000 hộ

Ngoài những hộ dân tại đoạn sông trên, khu bán đảo Thanh Đa - Bình Quới có sáu khu vực khác cũng trong tình trạng “báo động đỏ”. Theo ông Lê Hoàng Minh, giám đốc Khu đường sông TP, kế hoạch sẽ chỉnh trang khoảng 14km bờ kè dọc bán đảo với hơn 1.000 hộ dân phải giải tỏa. Đến thời điểm này mới có một dự án thuộc đoạn kênh phường 25 hoàn tất thủ tục, chuẩn bị triển khai nhưng vẫn còn 19 hộ chưa chịu giải tỏa. Các dự án khác dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục trong năm nay.

Ông Phan Công Bằng, trưởng Phòng Quản lý duy tu và đảm bảo giao thông (Khu đường sông TP), cho biết Thanh Đa là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Cơ quan chức năng đã thường xuyên cảnh báo và cắm bảng thông báo ở khu vực này từ nhiều năm nay.

Bà Đặng Thị Quỳnh Như nói cách đây khoảng hai tuần phường đã thông báo rộng rãi đến các hộ dân và yêu cầu đề cao cảnh giác về nguy cơ sạt lở bờ sông trong mùa mưa bão, nước lớn. Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã báo động tình trạng khẩn cấp về nguy cơ sạt lở ở khu vực này và yêu cầu người dân không được trú ngụ trong nhà. Đồng thời UBND P.26 cũng thông báo tình trạng sạt lở đến tất cả hộ dân khu vực lân cận.

Dù dãy nhà nằm ngay mé sông nhưng chính quyền địa phương lại cho xây dựng cao tầng. Đây là lần thứ hai khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng như vậy. Cách đây khoảng một năm tại đây cũng bị sạt lở và nhấn chìm hai căn nhà. Còn trước đó, vào khoảng tháng 8-2004, cách khu vực này khoảng 100m cũng từng xảy ra một vụ sạt lở làm hơn mười căn nhà bị nhấn chìm.

Vĩnh Long: Ba ngôi nhà sụp xuống sông Cổ Chiên

7FGDOQjD.jpgPhóng to
TT (Vĩnh Long) - Lúc 0g30 đêm 30-6, tại phường 9, thị xã Vĩnh Long, ba ngôi nhà đã sụp xuống sông Cổ Chiên (ảnh). Nhiều tài sản chưa kịp di dời, trong đó có nhiều máy móc của cơ sở in lụa Phạm Kiều Hạnh, bị nhận chìm sâu trong nước.

Nhiều người dân ở đây cho biết hai tháng nay kể từ khi ngôi nhà hai tầng của bà Hồ Thị Ngọc Liễu bên bờ sông Cổ Chiên đóng cừ xây dựng thì đất khu vực này bắt đầu nứt dần. Ngày 12-6, lo lắng trước tình trạng sạt lở có thể xảy ra do xây dựng nhà hai tầng, người dân đã báo cho thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng) nhưng vẫn không thấy đến. Ngày 16-6, hiện tượng nứt bờ sông ngày một nghiêm trọng hơn, người dân làm đơn gửi UBND phường 9, thanh tra xây dựng. Lúc này thanh tra xây dựng mới đến lập biên bản. Nhưng chỉ sau 10 ngày lập biên bản, khi ngôi nhà xây dựng hoàn thành, chủ nhà đang chuyển đồ đạc vào thì nhà sập xuống sông cùng hai ngôi nhà hai bên.

MINH LUẬN - PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên