Phóng to |
Còn chủ tịch UBND xã Tam Đại Nguyễn Đức Lộc than rằng xã nhiều lần làm tờ trình lên huyện, lên tỉnh cho bà con ở đây chút nước sản xuất, lập tức sẽ không còn cảnh bà con vào rừng nữa. Nhưng mấy chục năm rồi kêu mãi mà đâu có thấu trời xanh...!”.
“Vùng đất của chúng tôi mang tiếng là nằm dưới chân đập hồ chứa nước Phú Ninh nhưng lại thiếu nước để sản xuất, người dân muốn sống phải lên rừng đốn củi”. Cụ Lê Chiến (81 tuổi), ở làng Long Sơn, kể trong nỗi ngậm ngùi.
“Cái làng Long Sơn ni ngày xưa rộng lắm, từ đây chạy miết vô tận lòng hồ Phú Ninh, vùng đất ni là căn cứ cách mạng, cả làng đều theo cộng sản nên bị địch đánh phá ác liệt, nhà dựng lên chưa được mấy ngày thì bị bom đánh, rồi lính Mỹ đi càn đốt sạch, cả làng xơ xác. Nhưng đánh Mỹ thì đến cùng, không một người dân nào theo địch. Sau giải phóng, chưa kịp dựng lại nhà thì bà con lại phải chấp nhận tiếp tục hi sinh nhường đất xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh”.
Trong ký ức của mình, cụ Chiến vẫn nhớ như in những ngày gian khổ. Đó là vào những năm sau ngày giải phóng, phần lớn ruộng đất của bà con chìm sâu dưới lòng hồ Phú Ninh, phần đất còn lại ít ỏi xé nhỏ chia lại cho hơn 125 hộ từ lòng hồ chuyển ra. Ruộng đất ít, lại không có nước nên không sản xuất được, bà con cả làng sinh sống bằng nghề đốn củi từ đó đến nay.
Hơn 28 năm sống dưới chân đập hồ chứa nước Phú Ninh, hai vợ chồng ông Lê Văn Thọ cùng ba đứa con chọn nghề đi rừng lấy củi làm kế sinh nhai. Ông Thọ tâm sự: “Hồi trước rừng đầu nguồn chưa bị cấm nên đời sống dễ thở hơn. Còn bây giờ rừng Nhà nước quản lý, lại là vùng rừng phòng hộ nên muốn vào rừng lấy củi cũng phải lén lút, rình rập đêm ngày... Hôm nào không bị kiểm lâm bắt cũng kiếm được mươi nghìn đong gạo, còn gặp xui bị bắt thì coi như treo niêu...”.
Hỏi tại sao không chuyển nghề, ông Thọ bảo biết chuyển nghề chi bây giờ, ruộng đất thì không, mà có đất cũng không sản xuất được, ngay cả cái làng Long Sơn hơn 285 hộ thì đã có hơn 90% sống bằng nghề đi rừng lấy củi mua gạo, đâu có phải chỉ mình gia đình ông. Nhiều hộ có đất sản xuất nhưng gặp năm trời hạn không mưa thì cũng đành bỏ hoang, từ già tới trẻ kéo nhau vào khu vực rừng đầu nguồn lấy củi sinh sống.
Không riêng gì làng Long Sơn mà các làng kế bên như Đại Hanh, Đại An, Trung Đàn cũng sinh sống bằng nghề đi lấy củi trong khu vực rừng phòng hộ hồ chứa nước Phú Ninh hàng chục năm nay. Thanh niên của làng không chịu sống với nghề tiều phu nên hầu hết đã bỏ làng ra đi vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm.
“Sinh nghề, tử nghiệp”, nhiều người dân làng Long Sơn bảo vậy. Đã có không ít người thiệt mạng khi vào rừng lấy củi trong lòng hồ, đó là cái chết thương tâm của chị Nguyễn Thị Phước (34 tuổi). Trong một lần vào lòng hồ lấy củi, trên đường trở về chị gặp cơn dông bất ngờ làm lật thuyền, hơn một tuần sau mới tìm được xác, bỏ lại đứa con gái năm nay mới vừa tròn 12 tuổi. Lại có người trên đường đưa củi vượt lòng hồ về nhà, thấy kiểm lâm đi tuần, lo sợ bị bắt nên bỏ ghe nhảy xuống hồ trốn nên bị thiệt mạng oan uổng... Ông Lê Văn Thọ nói: “Không vô rừng chặt củi đem bán thì bà con ở đây biết dựa vào đâu để sống”.
Thôn trưởng Lê Chí Sĩ đưa tôi ra trước làng, đứng nhìn cảnh ruộng đồng phơi mình dưới nắng, cả làng 285 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu chỉ dựa vào 42ha đất canh tác, nhưng chỉ có 12ha ruộng dưới chân đập Long Sơn nhờ nước thấm từ chân đập chảy ra là sản xuất được hai vụ lúa. Thế nhưng hưởng chút “lộc” nước thấm chảy ra, bà con cũng bị thu tiền thủy lợi phí 25.000 đồng/sào. Suốt hơn 28 năm nay, mặc dù Long Sơn nằm cạnh bên hồ chứa nước lớn nhưng phải chịu cảnh khô khát quanh năm. Mùa nắng bà con phải vào lòng hồ lấy nước về sinh hoạt, nói chi đến nước sản xuất.
Có lần họp dân các cơ quan trên huyện về làm căng, nghiêm cấm việc chặt củi phá rừng, bà con hỏi lại và bảo rằng hãy tìm cho dân làng một con đường sống nếu muốn giữ rừng. Huyện hứa, tỉnh hứa là sẽ xây dựng trạm bơm đưa nước về làng, bà con nghe phấn khởi. Nhưng chờ hoài, mấy chục năm nay cũng không thấy nước về làng, thế là bây giờ làng Long Sơn còn có tên là “làng khát nước”. Bà con làng Long Sơn bảo rằng ở cái làng ni lạ lắm, ra sau làng thì chết nước, ra trước làng thì chết khát.
Loanh quanh trong làng, tôi gặp cậu bé Huỳnh Quốc Việt, học sinh lớp 9. Việt tâm sự: “Em học đến được lớp 9 cũng nhờ củi. Mà đâu chỉ riêng mình em, các bạn cả làng ni đều tranh thủ nghỉ học về nhà chặt củi đem bán mới có tiền ăn học...”. Việt kể hôm ngồi ở lớp nghe cô giáo giảng bài về rừng, về trách nhiệm công dân phải bảo vệ rừng, vì rừng bảo vệ cuộc sống... mà thấy mình có lỗi, bởi hơn mười năm nay Việt đã chặt không biết bao nhiêu cây rừng ở khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh.
Cả làng Long Sơn ai cũng bảo nếu bảo vệ được rừng, chỉ còn cách là cho bà con nước sản xuất. Tiếng kêu gào nước của hàng trăm hộ dân mấy chục năm rồi vẫn rơi vào im lặng. Đâu có phải xa xôi gì, kênh dẫn nước Phú Ninh đi ngang qua trước mặt làng chỉ hơn 1.500m, chỉ cần một trạm bơm là đủ. Thế mà cả làng vẫn chịu khát hơn 28 năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận