06/11/2004 00:01 GMT+7

Sông Hồng cạn

ĐỨC BÌNH - TUẤN PHÙNG
ĐỨC BÌNH - TUẤN PHÙNG

TT - Một ngày cuối tháng chín, khi ngồi uống nước tại chân cầu Cốc Lếu (thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai), nhìn vết phù sa bám lại chân trụ cầu, bà già bán nước trầm ngâm tự hỏi: “Nước sông sao năm nay lại xuống sớm thế?”. Lòng sông cứ mỗi ngày lại lùi xa khỏi bờ, dòng chảy thu nhỏ lại đến kỳ lạ... Sông Hồng đang cạn.

XSw2MfHf.jpgPhóng to
Hạn hán khiến lòng sông Hồng ngày càng cạn khô trơ cát trắng - Ảnh: Việt Dũng
TT - Một ngày cuối tháng chín, khi ngồi uống nước tại chân cầu Cốc Lếu (thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai), nhìn vết phù sa bám lại chân trụ cầu, bà già bán nước trầm ngâm tự hỏi: “Nước sông sao năm nay lại xuống sớm thế?”. Lòng sông cứ mỗi ngày lại lùi xa khỏi bờ, dòng chảy thu nhỏ lại đến kỳ lạ... Sông Hồng đang cạn.

50 năm - một lần sông cạn

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hùng, một cư dân sống tại bãi giữa (đoạn từ cầu Chương Dương về cầu Long Biên) gần 20 năm, xắn quần lội ngay xuống dòng chảy để chứng minh: nước sông đã cạn, người lớn, trẻ con có thể lội qua dễ dàng như lội vũng nước.

Từ giữa bãi, ông Hùng lội ra ngoài dòng chảy đến trên chục mét mà nước cũng chỉ ngang thắt lưng. “Từ khi ra ngoài này ở, đây là lần đầu tiên nước cạn thế này” - ông Hùng nói. Ở lâu, có kinh nghiệm nên ông Hùng và chục gia đình khác đã kịp đẩy nhà (bè) ra theo con nước xuống.

Còn lại gần chục nhà khác như gia đình anh Hòa, chị Tuyết (đều quê Hưng Yên) do ít người đã không kịp đưa nhà ra, giờ mắc kẹt sống trong ngôi nhà nghiêng đậu sâu trong bãi, cách mép nước đến trên chục mét. Trên bãi, cả một vạt ngô, rau rộng mênh mông giờ cũng đang quằn quại, héo khô vì thiếu nước, vì cát khô nóng bỏng. Những khoảng đất bãi trống, dân không thể trồng được cây vì thiếu nước giờ đã biến thành những sân bóng đá mini.

Sáng sáng, chiều tối, từng tốp thanh thiếu niên trong phố, ngoài bãi lại quần nhau với trái bóng da, tung bụi cát mịt mù. Dưới chân cầu Long Biên “cổ kính” trơ các trụ bêtông xám xịt, nham nhở, bãi cát nổi lên ngày càng lan rộng khiến nhiều “Lã Vọng” không còn chỗ để buông cần câu cá.Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Phạm Hồng Giang lo lắng: “Đây có lẽ là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong suốt 40, 50 năm qua”. Mực nước ở tất cả hệ thống sông, hồ đều giảm. Sông Hồng, con “sông mẹ” lớn nhất miền Bắc cấp nước tưới cho hàng triệu hecta đất canh tác các tỉnh đồng bằng, cũng cạn kiệt đến mức báo động.

Mực nước trung bình tháng mười tại Hà Nội, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, chỉ đạt 3,65m, thấp hơn mức trung bình nhiều năm đến 2,16m. Nhưng đến thời điểm này mực nước tại Hà Nội đã tiếp tục tụt thê thảm, xuống dưới 3m. Nếu so với thời điểm này năm ngoái (cũng là năm nước kiệt) thì mực nước sông Hồng năm nay đã thấp hơn đến gần 0,5m nước và mức nước này là mức thấp nhất trong gần 50 năm qua (từ 1956 trở lại đây).

oadTl1T1.jpgPhóng to
Nhà "bè" ở giữa sông Hồng (bên cầu Long Biên) đã... mắc cạn - Ảnh: V.Dũng
Sông cạn, nỗi lo đầy

Nền văn minh sông Hồng, việc sản xuất, sinh hoạt của hàng triệu người dân đều phụ thuộc nguồn nước dòng sông mẹ này. Nước cạn, nhà (bè) của dân bãi có xuống theo con nước sông Hồng nhưng những nỗi lo trong họ lại dâng lên đầy hơn.

Hàng trăm người dân xóm bãi, hàng ngàn hộ dân ven bờ hơn một tháng nay đang phải ngày đêm hứng chịu mùi hôi hám của bùn đất, của rác rưởi bốc lên. Nước đầy có thể giấu đi nhưng khi nước cạn đã để lộ ra những gì xấu nhất, bẩn nhất và thật nhất về cuộc sống của người dân ven hai bờ sông Hồng.Sông Hồng cạn, nước rút đến đâu để lại bùn đất, rác rưởi, phù sa bồi lắng đến đó, dòng chảy cứ nhỏ và nông dần, nước cho tưới tiêu thiếu, môi trường bị ô nhiễm tăng lên. Hơn tất cả, sông cạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng triệu nông dân. Tại cửa cống Liên Mạc (lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ để tưới cho Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam), công nhân Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ (Hà Tây) đang khẩn trương lắp máy để nạo vét dòng chảy đã bị bồi lắng.

Trạm phó trạm thủy lợi Liên Mạc (huyện Từ Liêm, Hà Nội) Đặng Xuân Hưng cho biết năm nay lượng phù sa bồi đắp đã nhiều gấp bốn lần mọi năm. Mọi năm vào dịp này công ty chỉ phải nạo vét khoảng 100.000m3 bùn đất, phù sa bồi lắng từ cửa cống Liên Mạc ra đến sông Hồng (dài 400m).

Năm nay, con số này dự kiến tăng lên 400.000m3. “Chắc chắn từ nay đến tháng 3-2005, dù cố gắng đến đâu thì nước tưới cho các nơi này cũng vẫn thiếu trầm trọng” - một công nhân kỹ thuật dự đoán.Nước rút nhanh, xuống thấp, những cư dân sống dựa vào sông suốt từ chân cầu Long Biên ngược lên Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng (Q.Tây Hồ), Đông Ngạc, Liên Mạc (huyện Từ Liêm) trên chục cây số giờ cũng điêu đứng. Đứng trên bến Phú Gia, nhìn cảnh vắng lặng nơi bến sông, ông Tuân (68 tuổi, quê Nam Canh, Đông Triều, Quảng Ninh), một chủ buôn hàng sành sứ từ Quảng Ninh lên Hà Nội, lắc đầu ngao ngán: nước cạn, tàu chỉ dám chở hàng bằng 6-7 phần mọi khi mà vẫn lo mắc cạn, đổ vỡ, lỡ hàng.

Ông Tuân bảo khi nước đầy, mỗi tháng ông đi được 2-3 chuyến, mỗi chuyến mang 15-20 tấn hàng, trị giá 60-70 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn trên chục triệu chia nhau. Từ đầu tháng chín, khi nước bắt đầu rút, ông mới chỉ đi được ba chuyến, mỗi chuyến chỉ “ăn ra chút ít”, nhưng bố con ông vẫn phải đi vì đó là công việc, vì mối làm ăn với khách hàng. Cũng công việc kinh doanh như ông Tuân, anh Kỳ nuôi một bè cá ngay dưới chân cầu Long Biên, từ khi nước cạn, không kịp chuyển bè nên cũng phải “bán non” hàng 100kg cá “thuôi thuổi” (2-3 lạng/con).

Vẫn còn trên 100kg cá đang bị giam trong một vũng nước sâu chưa đầy mét nước nên anh Kỳ cũng còn thắc thỏm lo âu. Nước mỗi ngày mỗi rút, “chắc một hai ngày tới cũng phải đẩy nốt chỗ cá này đi, kiếm việc khác mà làm” - anh Kỳ thất vọng. Đến thời điểm này nước sông cạn chưa gây thiệt hại lớn cho các công ty vận tải thủy, nhưng theo một chuyên viên phòng kinh doanh Công ty Vận tải thủy 1 (Tổng công ty Đường sông miền Bắc), đơn vị này đã phải điều chỉnh lịch trình chạy tàu, phà vận tải.

Chưa tính được tổn thất cụ thể nhưng thiệt hại về doanh thu trong dịp này là không thể tránh khỏi. Những chủ tàu khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên bến Chèm (Đông Ngạc, Từ Liêm) cũng bắt đầu lộ vẻ lo lắng. Những phà chở cát, sỏi cỡ lớn đã phải “san tải” ngay giữa dòng sông, giảm tải trọng mới vào được bờ.Sông có khi đầy khi cạn, đó là qui luật, nhưng năm nay tình hình lại bất thường. Giờ mọi người chỉ còn biết “lạy trời” cho cơn mưa móc dầm dề. Sản xuất và đời sống sinh hoạt của dân sẽ thế nào đây trong cơn đại hạn mà suốt nửa thế kỷ qua mới gặp...

ĐỨC BÌNH - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên