09/08/2014 09:35 GMT+7

Sóng gió càng vững niềm tin

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Người thủy thủ ấy có hoàn cảnh rất buồn: cha mất năm ngoái, mẹ hai mắt lòa. Vợ bị bướu cổ tám năm nay. Hai con nhỏ thơ dại.

Chị gái người thủy thủ thì ngẩn ngơ do ảnh hưởng chất độc da cam từ cha - một cựu chiến binh ở Khe Sanh (Quảng Trị).

heLqQb1c.jpg
Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thế Anh điều khiển máy tàu cảnh sát biển 8003 trong chuyến làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa tháng 6-2014 - Ảnh: M.Lăng

Tôi gặp anh, thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thế Anh (36 tuổi, Thái Bình), nhân viên cơ điện của tàu cảnh sát biển 8003 trong lần theo tàu ra Hoàng Sa tác nghiệp. Anh cao, gầy, gương mặt rất cương nghị, ít nói nhưng rất hay mỉm cười. Duy chỉ đôi mắt là đầy tâm trạng dù cố che giấu bằng sự hoạt bát, vui vẻ.

Chuyện về người cha

Ba anh, ông Phạm Văn Tá, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trong thời gian đóng quân, chiến đấu ở Khe Sanh, Quảng Trị, ông Tá bị nhiễm chất độc da cam. Trở về từ khói lửa bom đạn, ông làm lại từ đầu với cuốc cày, ruộng đồng. Sống bình yên được một thời gian, người cựu chiến binh ấy bắt đầu phát bệnh.

“Bố rất hay ốm, lúc đầu bệnh phổi, một thời gian sau lại phát hiện bệnh tim. Những năm cuối đời bố đi viện suốt” - thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thế Anh trầm giọng khi nhớ lại những năm tháng buồn của ba. “Hình ảnh người lính chững chạc, mạnh mẽ đã ngấm dần vào tôi từ những câu chuyện của bố. Ước mơ, tâm nguyện của tôi là trở thành bộ đội từ lớp 10” - anh tâm sự.

Nhận nhiệm vụ ra nơi sóng gió giữa lúc tình hình căng thẳng, người thủy thủ vùng quê lúa Thái Bình hiền hòa ấy quyết tâm ra đi với tâm thế “đầu không ngoảnh lại”, cố gạt những nỗi niềm riêng về gia đình. Bởi với thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thế Anh, cũng như nhiều chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam khác, rèn luyện ý thức kỷ luật và tinh thần sẵn sàng vì Tổ quốc ngay từ trong tâm thức đã trở thành máu thịt.

Khi đất nước cần, nhiệm vụ là trên hết.

Học xong lớp 12 được một năm, năm 1998 Thế Anh xin bố mẹ được đi nghĩa vụ quân sự dù trong diện được miễn. Anh chàng vào tít miền Nam xa xôi huấn luyện tân binh. Huấn luyện được hai tháng thì Thế Anh được phân công tác về phòng tham mưu Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân (Q.4, TP.HCM).

Vừa làm chiến sĩ của phòng tham mưu, Thế Anh vừa tự ôn thi. Ông Tá biết chuyện gửi sách vào cho con. Ngày Thế Anh thi đỗ vào Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân, ba anh là người vui nhất. Cứ 2-3 tháng, ông Tá lại viết thư động viên con trai: “Nhà mình làm nông khó khăn, con phải cố gắng học tập thật tốt và giữ gìn hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ”.

Sau hơn 10 năm chiến đấu với bệnh tật, người cựu chiến binh ấy ra đi. Ông mất cuối năm 2013 khi bước sang tuổi 77. Trong ký ức của mình, ba anh là người đàn ông hiền lành, cương nghị và chân chất.

Thế Anh kể: “Đã phục viên nhưng bố vẫn giữ những nếp sinh hoạt nề nếp trong quân ngũ. Ốm đau, mùa rét hôm nào cũng như hôm nào, đúng 4g30 bố dậy tập thể dục. Đau bệnh vậy nhưng bố vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ, không lời than thở. Bố luôn là tấm gương và hình mẫu chuẩn mực về người lính để tôi học hỏi... ”.

“Nếu em đủ can đảm...”

Nhà có sáu anh chị em thì bốn người lập gia đình ở xa. Chỉ còn Thế Anh và người chị thứ tư (Phạm Thị Tuyết) ở cùng với mẹ. Mẹ anh, bà Vũ Thị Sơn, năm nay bước qua tuổi 75. Bà vừa phải thay thủy tinh thể cho hai mắt. Còn chị gái anh thì ngẩn ngơ, cứ loanh quanh luẩn quẩn trong nhà, lâu lâu quét được cái sân.

Hằng ngày chị Tuyết uống đủ thứ thuốc: thuốc kháng viêm tai - mắt - mũi, các thuốc điều trị về thần kinh... Mới 46 tuổi nhưng răng chị rụng hết, hai mắt bị lòa. Sinh ra chị Tuyết đã có những biểu hiện bất thường. Đến lúc chị gần 10 tuổi, gia đình mới hay chị bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha.

Lúc yêu nhau, anh đã nói rất thật với người yêu - chị Nguyễn Thị Vang: “Nếu em có đủ can đảm thì hãy tiếp tục đến với anh”. Người con gái nhỏ bé, hiền lành ấy đã đủ can đảm đến bên người đàn ông của đời mình. Chị Vang (35 tuổi) hiện là giáo viên dạy tiếng Anh. Anh chị đã có hai con, một bé 8 tuổi đang học lớp 3 và một bé 6 tuổi đang học lớp 1.

Làm vợ anh, chị Vang thay chồng gồng gánh trên đôi vai gầy guộc cả giang san bên chồng. Vất vả. Cô đơn. Buồn tủi. Nhưng chẳng một lời thở than. Chị Vang thương yêu, đùm bọc người chị gái bất hạnh của chồng bằng tình yêu thương của một người em gái.

Chị đi dạy cả ngày tối mới về. Hai con học bán trú. Sáng, chị dậy sớm nấu cơm cho mẹ và chị chồng rồi mới chở hai con sang trường bên xã khác, sau đó mới đến trường (cách nhà hơn chục kilômet).

Nỗi buồn cứ chồng chất lên vai anh. Tám năm nay vợ anh bị u nang tuyến giáp đa nhân, điều trị ở Viện Ung bướu Thái Bình. Cứ vài tháng lại đi viện xét nghiệm định kỳ, lấy thuốc về uống.

“Tôi định một lần đưa vợ đi Hà Nội nhờ bác sĩ tư vấn có mổ hay không nhưng cứ hết việc này đến việc khác. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt vợ là mình hiểu. Cô ấy hiền lành, đảm đang, hi sinh nhiều vì tôi và gia đình tôi. Chưa bao giờ nói cảm ơn vợ nhưng trong lòng, tôi luôn nghĩ đến câu nói ấy” - anh chia sẻ, đôi mắt đong đầy ưu tư.

Trưa 21-7, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 8003 - đại úy Nguyễn Văn Hưng - gọi báo: “Vợ Thế Anh đang ở Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông, chiều nay hoặc mai mổ. Chị ấy bị u nang đa nhân lại có dịch bên trong, phải mổ gấp...”.

Chồng bận công tác, vợ tự đi Hà Nội. Ngay đến lúc chị chuẩn bị bước vào phòng phẫu thuật anh vẫn đang ở Đà Nẵng.

Hai ngày sau, Thế Anh gọi cho chúng tôi giọng đầy phấn khởi: “Mình đã được ra Hà Nội rồi, vợ đã mổ xong, sức khỏe ổn”. Vậy là anh vẫn chưa thực hiện được khao khát và cũng là lời hứa của mình với chị: tận tay dẫn chị ra Hà Nội chữa bệnh...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên