23/03/2004 06:00 GMT+7

Sông Đồng Nai "lâm bệnh"... vì ô nhiễm!

Q.THANH
Q.THANH

TT - Mọi chất thải của TP Biên Hòa đều đổ về sông Đồng Nai và đã đến lúc con sông này "lâm bệnh" vì chịu không nổi sự ô nhiễm kéo dài.

XAyQPeY9.jpgPhóng to
Nước thải chăn nuôi heo đổ ra các con suối nhỏ rồi chảy ra suối Linh, tống thẳng ra sông Đồng Nai suốt ngày đêm

Trong cái nắng nóng tháng ba, chúng tôi tìm đến con suối Linh, một trong hai dòng suối chính chảy qua TP Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Tại cửa suối Linh (đối diện với cù lao Phố), nơi chúng tôi cứ tưởng dòng nước rất trong lành và mát mắt, nhưng đó lại là dòng nước đen như nhựa đường.

Dòng nước đen từ suối Linh cứ đổ ra sông Đồng Nai rộng lớn, tạo thành vùng nước đen ra đến gần giữa dòng sông. Cuốn theo dòng nước đen toàn là rác rến và chất thải: phân heo, phân người, bông băng vệ sinh, rau rác mục thối rữa, các chất thải của sản xuất công nghiệp...

Ông Lương Minh Hữu - ngụ ở khu phố 2, phường Tam Hiệp, Biên Hòa, một nông dân vui buồn với dòng suối Linh này đã gần 30 năm nay - cho biết khoảng chục năm gần đây ở khu vực cuối nguồn suối Linh nước đã trở nên đen thui như vậy.

Chúng tôi đến phường Long Bình, TP Biên Hòa - nơi được mệnh danh là một trong những “bãi thải” phát nguồn ô nhiễm ở tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là chất thải chăn nuôi. Người dân nơi đây còn bức xúc hơn cả ở khu vực cuối nguồn suối Linh.

Bà Nguyễn Thị Lý (tổ 3) dẫn chúng tôi ra tận nơi và vạch từng đám cỏ để chỉ cống xả chất thải của một số cơ sở sản xuất chảy suốt ngày đêm ngay trước cửa nhà bà. Bà cho biết nước thải của rượu bia, nước sản xuất cồn... lúc màu đen, lúc màu đỏ, rồi màu nâu cứ thế chảy ra suối. Nước thải ra như thế nào là tống ra cống rồi dẫn ra suối Linh nguyên xi như thế.

Tại đây mùi mật đường còn xộc lên mũi chúng tôi. “Nhưng mùi đó còn dễ chịu hơn đó chú, nhiều hôm mùi hôi thối cứ bay khắp xóm, không thể nào chịu nổi” - bà Lý bực bội, lớn giọng và không chút ngần ngại kể tội các nhà sản xuất gây ô nhiễm triền miên.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, các cơ sở sản xuất này gây ô nhiễm hết năm này đến năm khác, cả chục năm nay bị phạt hành chính nhiều lần nhưng quyết định xử phạt chưa ráo mực là chất thải lại tiếp tục tuôn trào ra suối.

Ở Long Bình kinh khủng nhất là chất thải chăn nuôi heo. Chúng tôi len lỏi khắp phường Long Bình, hầu như bất cứ nơi đâu cũng có thể ngửi thấy một mùi đặc trưng của vùng nuôi heo. Nhiều quán ăn nằm cách xa phường Long Bình cả cây số mà mùi phân heo vẫn cứ xộc vào mũi thực khách.

Chính quyền địa phương cho biết mỗi năm ở cái phường khá nhỏ bé này có thể sản xuất 32.000-35.000 con heo. Còn theo người dân địa phương thì Long Bình là nơi “nhà nhà nuôi heo”, hộ nuôi ít nhất cũng khoảng 200 con. 100% chất thải của hoạt động chăn nuôi đều đổ ra các dòng suối nhỏ rồi đổ vào suối Linh, được dẫn thẳng ra sông Đồng Nai. Chính quyền địa phương cũng chào thua.

Sông Đồng Nai đang bị đối xử tệ bạc đến mức tàn bạo. Nếu cứ để mãi như hiện nay thì chẳng mấy chốc con sông này sẽ là hiểm họa cho hàng triệu con người.

Một nghiên cứu cho biết nồng độ BOD5 (nhu cầu oxy sinh học) trên sông Đồng Nai tại Hóa An có khả năng lên đến 11,5 - 13,8 mg/l, vượt tiêu chuẩn qui định nguồn loại A từ 2,9 - 3,4 lần; tương tự, hàm lượng vi trùng, các chất dinh dưỡng từ các nguồn thải sinh hoạt, chăn nuôi... cũng sẽ tăng 2,3 lần trong vài năm tới.

Trường hợp nguồn nước sông Đồng Nai tại trạm bơm Hóa An ô nhiễm hữu cơ với nồng độ BOD5 lên đến 10 mg/l thì công nghệ hiện tại đang áp dụng tại Nhà máy nước Thủ Đức không đảm bảo chất lượng nước cấp. Các nhà khoa học cho rằng trong trường hợp này để đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt,

Nhà máy nước Thủ Đức buộc phải lựa chọn một trong hai giải pháp: hoặc là dời điểm lấy nước từ trạm bơm Hóa An lên thượng nguồn, đến vị trí mà nguồn nước sông Đồng Nai không còn bị ô nhiễm hữu cơ, đạt tiêu chuẩn nguồn nước dùng cho sinh hoạt (ước tính khoảng 12km về phía thượng nguồn); hoặc là cải tạo hệ thống xử lý nước hiện tại theo công nghệ thích hợp với chất lượng nước nguồn bị ô nhiễm hữu cơ.

Ông Phan Văn Hết, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai) là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của Biên Hòa và cũng là nơi tiếp nhận nước thải công nghiệp của các khu công nghiệp thuộc Biên Hòa và vùng phụ cận nên mức độ ô nhiễm rất cao.

Phần lớn các vị trí thu mẫu nước trên sông Đồng Nai để xét nghiệm (đoạn từ ngã ba sông Bé đến cầu Hóa An) không đạt tiêu chuẩn nguồn loại A. Đoạn từ cầu Đồng Nai đến sông Gò Gia - Cái Mép (phía hạ nguồn), đa số các chỉ tiêu quan trắc trên đoạn này đều bị ô nhiễm ở mức vượt tiêu chuẩn loại A; thậm chí một số vị trí quan trắc chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn nguồn loại B.

Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên