Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2022-2027) diễn ra ngày 15 và 16-10. Chị Phan Thị Thanh Phương - thành ủy viên, bí thư Thành Đoàn TP.HCM - đã trò chuyện cùng Tuổi Trẻ "một cách thẳng thắn, không né tránh, trực diện vấn đề".

Nhiệm kỳ 2017-2022 là giai đoạn khá đặc biệt với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM, khi hơn nửa cuối nhiệm kỳ hầu như dồn tâm sức, hoạt động cho việc tham gia phòng, chống dịch bệnh. 

Và cũng chính câu chuyện dịch COVID-19 lại mở ra nhiều cách nghĩ, hướng đi mới mà trước đó chưa từng có trong "từ điển" hoạt động của tổ chức Đoàn tại thành phố vốn là nơi khơi nguồn nhiều phong trào chung của tuổi trẻ cả nước.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện với một số điển hình trẻ tiêu biểu của thành phố - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 2.

* Nếu phải tóm lược nét chính yếu nhất của nhiệm kỳ vừa qua, theo chị đó sẽ là gì?

- Nét chính yếu nhất nhiệm kỳ vừa rồi chính là sự linh hoạt, thích ứng sáng tạo trong hoạt động gắn chặt nhiệm vụ chính trị của thành phố, đơn vị. Chúng ta đều thấy tập trung trong hai năm 2020, 2021 là phòng chống dịch, cả thành phố đều như thế.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 3.

Bên cạnh hoạt động thường xuyên, chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng đối tượng tập hợp và rõ ràng Đoàn không làm một mình.

Đoàn đã phối hợp chặt chẽ cùng các đoàn thể khác của thành phố, đã kết tập thêm nhiều thành phần khác ngoài thanh niên của thành phố cùng làm. Đó là điểm khái quát nhất.

Các hoạt động, phong trào theo từng đối tượng thanh niên được tổ chức rõ nét. Địa bàn dân cư có AST (An toàn - Sạch đẹp - Văn minh - Nghĩa tình); Công nhân có nâng cao năng suất, sáng kiến lao động, hội thi tay nghề, công chức trẻ lĩnh vực hành chính nhà nước là cải cách hành chính, quy trình làm việc. 

Học sinh, sinh viên có phong trào "Học sinh 3 tốt", "Học sinh 3 rèn luyện", "Sinh viên 5 tốt" theo từng đối tượng đặc thù. Giáo viên, giảng viên trẻ có "Nhà giáo trẻ tiêu biểu". Công an lực lượng vũ trang có các hoạt động gắn với làm theo 6 điều Bác Hồ dạy…

Hoạt động, phong trào riêng theo đối tượng tạo được môi trường rèn luyện thực chất, sát nhu cầu của thanh niên, nhưng cái chung chính là phong trào tình nguyện, cũng là điểm nhấn kết nối tạo ra sức mạnh hệ thống, nội tại của tổ chức Đoàn. Điều làm cho tổ chức chúng ta có những khả năng hơn cả khả năng vốn có của mình mà trong giai đoạn dịch bệnh có thể nói không quá rằng chúng ta đã làm 200% sức mạnh của mình trong các hoạt động.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 4.

Cán bộ, công chức trẻ TP.HCM tham gia Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân

* Như vậy so với mục tiêu đã đặt ra, chúng ta có đạt được như kỳ vọng và ở mức độ nào?

- Nếu so sánh có đạt hay không thì hơi khó. Trong 5 năm của nhiệm kỳ đã có hơn nửa thời gian tham gia phòng chống dịch. Mà điều này không hề có dự báo, càng khó đoán trước được sự khốc liệt qua các đợt dịch, mà cao điểm nhất là đợt dịch thứ tư ở thành phố chúng ta.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 5.

Công dân trẻ tiêu biểu Hoàng Tuấn Anh kiểm tra các bình oxy được tặng miễn phí cho bệnh nhân F0 đợt dịch COVID-19 thứ tư quét qua TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu so sánh cơ học là có chín chỉ tiêu đạt và vượt, duy nhất một chỉ tiêu không đạt. Nói có hoàn thành mục tiêu không sẽ khó, vì trong nhiệm kỳ đã có liên tục thay đổi phương thức chỉ đạo theo tuần, theo tháng. Số lượng phong trào có giảm đi, nhưng các hoạt động chăm lo, giá trị chăm lo, số liệu cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn số lượt tham gia hoạt động tình nguyện tăng hơn 1,5 triệu lượt (tổng đạt 5,7 triệu lượt so với nhiệm kỳ trước là 4,2 triệu lượt).

Tôi xin dẫn con số tại đợt dịch thứ tư hồi năm 2021, chúng ta đã huy động được 150 tỉ đồng từ các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng. Nếu so với cùng thời điểm của năm trước nữa, con số này chỉ là 42 tỉ đồng sẽ thấy giá trị lớn thế nào, tăng gần bốn lần.

Hay như tỉ lệ tập hợp thanh niên cuối nhiệm kỳ này là 71% so với nhiệm kỳ trước là 64%. Khi so sánh tổng thể có thể sẽ không thấy, nhưng xét trên từng mặt sẽ thấy độ đa dạng trong quá trình hoạt động của Đoàn 5 năm qua.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 6.
Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 7.

* Kết quả khảo sát tình hình thanh niên TP.HCM ngay trước thềm đại hội lần này có điểm nào đáng lưu ý, thưa chị?

-Đợt này chúng tôi khảo sát nhiều mặt, có giữ khung một số nội dung như khảo sát của năm 2017 để so sánh. Có sự chuyển biến của thanh niên. Quan tâm của thanh niên TP.HCM là gì? Kết quả cho thấy là vấn đề tài chính và tạo lập sự nghiệp, với học sinh sinh viên là học tập, hoài bão và lý tưởng sống.

Nhưng cái mới chính là các bạn đang rất quan tâm đến sức khỏe và môi trường sống. Trước đây phần lớn chỉ quan tâm đến công việc nhưng khảo sát đợt này cho chỉ báo về các vấn đề xã hội, an toàn thực phẩm. Trong đó, vấn đề chăm sóc người thân là rất mới được đề cập.

Có lẽ đại dịch làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm của chúng ta, trong đó có thanh niên. Điều này làm nên nội tại của từng cá nhân, các bạn quay ngược lại quan tâm yếu tố nội hàm gia đình rất nhiều. Có thể đó không phải là điểm chung của thanh niên cả nước, nhưng lại rất đặc trưng của thanh niên TP.HCM.

Kết quả đó đặt ra bài toán Đoàn phải quan tâm đến câu chuyện sức khỏe cả thể chất và tâm thần của thanh niên, vấn đề môi trường sống và quan tâm đến gia đình.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 8.

Tình nguyện viên phòng chống dịch tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu dân cư

* Chắc hẳn kết quả cũng cho câu trả lời về việc khó tách rời "nhịp sống công nghệ" của người trẻ hôm nay?

- Việc dùng các ứng dụng trực tuyến vẫn là yếu tố quan trọng với các bạn, mà mục tiêu chính để liên lạc, cập nhật kiến thức, thông tin. Kết quả khảo sát cho thấy màu sắc muôn màu muôn vẻ mà có lúc chúng ta gần như để quên.

Từng nhóm tuổi lại có mối quan tâm khác nhau. Dưới 18 tuổi ưa chuộng TikTok, từ 19-24 tuổi chọn Facebook, nhóm 25-29 tuổi thường dùng Zalo, còn trên 30 tuổi quan tâm công việc nhiều hơn và mạng xã hội là thứ yếu.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 9.

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân hoàn thành khai hồ sơ trực tuyến cấp đổi hộ chiếu mới

Trong khảo sát có đặt câu hỏi nếu không có kết nối mạng một tuần sẽ ra sao? 60,3% trả lời gặp trở ngại trong công việc, khó trong học tập, mất liên hệ với thế giới; 18% thấy không vấn đề gì; tỉ lệ còn lại có những câu trả lời khác cho thấy đã phân loại các cực khác nhau. Các bạn chỉ xem Internet là phương tiện, không quá lệ thuộc.

Có một thông số mới khá thú vị. Khi hỏi mẫu hình lý tưởng của thanh niên là gì? Nếu trước đây doanh nhân chiếm vị trí số 1 thì lần này, câu trả lời của các bạn lại là chính mình. Hay môi trường làm việc mong muốn không còn là tư nhân hay gì khác, mà là "bất cứ chỗ nào tôi mong muốn".

Các bạn đánh giá thành công là khả năng chuyên môn trong công việc, kinh nghiệm làm việc và trải nghiệm cuộc sống. Điều này cho thấy tính cá nhân rất cao, và năng lực cá nhân được đặt ra rất lớn. Nói cách khác, sự tự tin của mỗi cá nhân có biểu hiện rõ nét qua đợt khảo sát này.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 10.

Sân chơi do một chi đoàn khu phố vận động nguồn lực thực hiện tặng các em nhỏ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM)

* Kết quả này có gì tương đồng với chương trình hành động mà Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI dự thảo? Liệu có gì cần điều chỉnh không?

- Kết quả trả về cho thấy một số vấn đề các bạn muốn: thu nhập, đời sống phát triển, học tập, tăng kỹ năng trải nghiệm trong cuộc sống.

Thẳng thắn mà nói, cái lớn nhất trong tổ chức hoạt động là đôi khi Đoàn chưa nắm sâu nhu cầu thanh niên. Cái này là biến số chạy liên tục, thành phố chúng ta lại đa dạng đối tượng nên nếu không nắm sát nhu cầu, từng đối tượng thì khó tổ chức hiệu quả.

Do đó, rất cần dữ liệu mở về thanh niên. Mà phải thường xuyên bổ sung, khảo sát, phải thật và sâu nữa. Trong đại hội lần này, tổ chức Đoàn thành phố thực hiện công trình thanh niên "Cổng dữ liệu mở thanh niên TP.HCM" với mong muốn là kho dữ liệu dùng chung, cung cấp cho thành phố và cả cơ sở, sẽ là một nhánh trong kho dữ liệu dân cư của thành phố.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 11.

Phải biết nguyện vọng, tâm tư của thanh niên từng giai đoạn. Dữ liệu này cần tổng hợp được về các tấm gương tuyên dương để có thông tin về các điển hình, làm cơ sở để giới thiệu những tấm gương điển hình, gắn bó và trở thành nguồn nhân lực cho thành phố.

Việc này chúng ta có làm nhưng chưa xuyên suốt nên cần đầu tư hơn sao cho có thể đóng góp, phát triển hệ sinh thái dữ liệu dùng chung cho thành phố khi cần. Đây cũng chính là chuyển đổi số. 

Nếu trước giờ có khi phải 5 năm mới khảo sát thanh niên một lần thì khi thực hiện công trình này phải làm thường xuyên, có thể 6 tháng cập nhật một lần, để phải là dữ liệu sống chứ không phải dữ liệu chết.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 12.

Hội thi học sinh giỏi nghề giúp các bạn chọn học nghề kiểm tra năng lực, tay nghề trước khi tốt nghiệp đi làm

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 13.

* Chúng ta đã và dám nhìn vào "những điểm nghẽn" của chính tổ chức mình chưa?

Đoàn làm rất nhiều việc nhưng thẳng thắn với nhau là vẫn còn "điểm nghẽn". Đối tượng tác động đang là nhóm tích cực, thường xuyên đến với hoạt động Đoàn. Với nhóm các bạn yếu thế, sau cai tái hòa nhập, nhóm chưa tích cực… Đoàn rất quan tâm, có tiệm cận nhưng chưa có giải pháp căn cơ và chưa nhiều hoạt động cho họ.

"Điểm nghẽn" lớn là mâu thuẫn số lượng và chất lượng. Số lượng hoạt động của cơ sở Đoàn các cấp rất nhiều nhưng chất lượng chưa tỉ lệ thuận. Dẫn chứng chẳng hạn cố gắng tập hợp ý tưởng, sáng kiến nhưng để ứng dụng vào thực tiễn mới chỉ đạt 2% trong số này là rất thấp.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 14.

Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh TP.HCM có mặt giúp bà con các tỉnh nhiều công trình xây dựng nông thôn mới

Hay nhiều hoạt động song từng hoạt động tự thân thu hút các bạn trẻ đến là chưa cao. Về khách quan là còn thiếu thiết chế văn hóa cho thanh niên, thiếu nhi thành phố, nhất là tại vùng ven, ngoại thành lại càng thiếu sân chơi thiếu nhi, nơi rèn luyện thể dục cho thanh niên. Vì thiếu, họ đi tìm chỗ khác.

Nhưng cũng có thực tế là chúng ta đang có trong tay các thiết chế mà lại khai thác chưa hết tiềm năng. Hệ thống nhà thiếu nhi có đủ ở hết các quận huyện nhưng chưa khai thác hết công suất, hay phố đi bộ cũng chưa khai thác tối đa và tốt cái có sẵn. Cái này thuộc về năng lực.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 15.

Bồn rửa tay dùng cần đạp chân phòng chống dịch bệnh do chiến sĩ tình nguyện TP.HCM tặng học sinh tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận)

* Đoàn đang chia sẻ điều mình có hay cái bạn trẻ thật sự cần?

- Hiện TP.HCM có hơn 2,9 triệu thanh niên, rất đông nhưng mỗi hoạt động chưa khai thác hết tiềm năng. Nhìn vào "điểm nghẽn" để tìm giải pháp. So với cả nước, TP.HCM có điều kiện và con người thuận lợi hơn rất nhiều để làm.

Chia sẻ điều mình có là đương nhiên nhưng hoạt động Đoàn phải tiệm cận dần với điều bạn trẻ cần. Đây cũng chính là mục tiêu phải làm thời gian tới. Chúng tôi nghiêm túc đánh giá và nỗ lực rút ngắn khoảng cách này nhưng nếu nói đã làm được chưa thì đúng là chưa tốt, chưa như kỳ vọng.

Cuối cùng là năng lực của cán bộ Đoàn. Có những bạn vẫn còn tư duy kinh nghiệm, nghiên cứu quan điểm chỉ đạo mới chưa nhiều, chú trọng tổ chức hoạt động bề nổi mà chưa quan tâm xây dựng lực lượng. Chưa kể đòi hỏi nắm kịp thời và có tính dự báo về công tác thanh niên là còn thiếu.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 16.

Công nhân tại khu chế xuất - khu công nghiệp của TP.HCM bị ảnh hưởng vì COVID-19 nhận quà hỗ trợ vượt qua khó khăn

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 17.

* Vậy bức tranh của đội ngũ cán bộ Đoàn thành phố chúng ta được nhận diện ra sao, thưa chị?

- TP.HCM có 115 đơn vị Đoàn trực thuộc, số lượng đông và cũng rất phong phú, đa dạng tính chất của cơ sở. Chẳng hạn chúng ta có trường đại học trong trường đại học, hay việc sáp nhập các đơn vị cũng có quy mô, quá trình vận hành tổ chức sẽ rất mới, rồi có tổ chức Đoàn nhưng không có chính quyền cùng cấp. Chính sự đa dạng đó đòi hỏi việc chỉ đạo cũng không thể theo công thức chung, mà cần sự uyển chuyển để vận hành.

Bức tranh cán bộ Đoàn sáng nhưng cũng có điểm chưa sáng lắm! Sáng là qua đại dịch nổi lên tính nêu gương của cán bộ Đoàn. Các bạn xông pha không ngại khó khăn, sẵn sàng rời xa gia đình làm việc "3 tại chỗ", gắn bó cơ sở, hay cán bộ Đoàn cấp thành gắn với cơ sở sâu và sát. Sợi dây gắn bó giữa các cán bộ Đoàn từ cấp thành đến cơ sở rất tốt cho vận hành.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 18.

Các bạn trẻ TP.HCM giao lưu cùng chiến sĩ mũ nồi xanh trước khi đại diện Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan

Tỉ lệ tái cử của cơ sở cao hơn nhiệm kỳ trước. Do nguồn đang thiếu, sau đại hội các cơ sở, có 12 đơn vị chưa đảm bảo các chức danh chủ chốt.

Các quy định mới về công tác cán bộ tuy có chặt chẽ nhưng cũng tạo ra một số khó khăn nhất định cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Đó là không kịp thời bổ sung nguồn cán bộ Đoàn do phải chờ kỳ thi tuyển công chức; việc tuyển dụng, bố trí phải dựa vào vị trí việc làm với các tiêu chuẩn công chức về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, độ tuổi trong khi cán bộ Đoàn là những người có quá trình trưởng thành từ phong trào ở cơ sở.

Những quy định ràng buộc về đối tượng, tiêu chuẩn tham gia đào tạo lý luận chính trị đã ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ Đoàn. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho đào tạo, bồi dưỡng chỉ chi cho đối tượng cán bộ Đoàn là công chức, còn cán bộ Đoàn thuộc các đối tượng khác thì không được ngân sách chi trả mà do cơ quan, đơn vị hỗ trợ hoặc phải tự chi trả.

Quy định về độ tuổi, thời gian giữ chức vụ khi quy hoạch, bổ nhiệm khó áp dụng trong thực tế do tuổi công tác Đoàn là có giới hạn.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 19.

* Bài toán về cán bộ Đoàn hẳn là không dễ giải nhưng chắc chắn phải có giải pháp hợp lý?

- Chủ quan thì nội tại của một bộ phận cán bộ Đoàn còn chủ nghĩa kinh nghiệm trong tổ chức. Có khi vì không xuất phát từ cán bộ phong trào nên cũng là điểm nghẽn. Cán bộ Đoàn cùng với yêu cầu về năng lực, kiến thức buộc phải có kỹ năng, mà phải là kỹ năng tốt.

Điểm khó nhất định cần phải gỡ. Cán bộ là công tác quan trọng, chúng ta vẫn hay nói cán bộ nào phong trào đó là vậy. Bản thân tôi với trách nhiệm bí thư Thành Đoàn phải tham mưu tháo gỡ khó khăn.

Đại hội là cơ hội để có những kiến nghị với Trung ương Đoàn có cơ chế tháo gỡ những khó khăn còn đó. Làm sao để phát hiện, tìm ra và phát huy lực lượng cán bộ phong trào để đảm bảo công tác của mình. 

Bài học phòng chống dịch cho thấy càng khó lại bộc lộ các phẩm chất tốt hơn. Cứ khó lại có những cán bộ Đoàn được rèn giũa. Có thể hiện tại đang gặp khó nhưng sẽ có cách.

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 20.

Học sinh và giáo viên TP.HCM cùng trồng cây tạo thêm mảng xanh cho không gian sống chung

Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 21.
Sống cùng, trẻ cùng bước chân thanh niên - Ảnh 22.
QUỐC LINH
QUỐC LINH - HỮU HẠNH
NGỌC THÀNH
14-10-2022
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0