23/02/2011 11:43 GMT+7

Sông băng lớn nhất New Zealand rạn vỡ sau động đất

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Khoảng 30 triệu tấn băng đã vỡ vụn và tách khỏi sông băng Tasman nằm cách khu vực xảy ra động đất 200km, đổ xuống hồ Tasman và gây ra những con sóng cao 3,5 mét.

3XP5oEwK.jpgPhóng to
Một trong những tảng băng lớn đổ xuống trước mắt du khách đang đi trên hồ Tasman - Ảnh: AP

Hãng tin AP hôm nay 23-2 dẫn lời những du khách trên tàu của hãng Glacier Explorer kể lại rằng cơn lũ băng đã đổ xuống hồ trong vòng 30 phút và hiện nay hồ Tasman vẫn đầy những tảng băng trôi.

Tasman là sông băng dài nhất ở New Zealand với chiều dài 27km, rộng 4km, sâu 600m, thuộc Vườn quốc gia Aoraki. Kể từ những năm 1990, dòng sông này đã mất 180m mỗi năm và càng ngày càng rút ngắn nhanh hơn.

Các chuyên gia cho rằng nó sẽ hoàn toàn biến mất vì sự nóng lên toàn cầu và khiến hồ Tasman ở hạ lưu sẽ mở rộng đến mức cao nhất trong khoảng 10-20 năm nữa. Năm 1973, hồ hạ lưu còn chưa hề tồn tại.

Trận động đất 6,3 độ richter ở Christchurch, cách sông băng Tasman 200km, khiến nhiều nhà cửa đổ sập và giết chết ít nhất 75 người.

Cảnh báo nguy cơ động đất gia tăng cùng quá trình đô thị hoá

Theo TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), giới khoa học vừa cảnh báo nguy cơ động đất đang tăng lên cùng với quá trình đô thị hoá nhanh chóng trên toàn cầu, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu đô thị ở các nước đang phát triển.

Các nhà dân số học Mỹ và LHQ dự báo trong 15 năm tới, dân số đô thị ở Đông Á sẽ tăng gấp đôi và tốc độ đô thị hoá ở Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ tăng nhanh gấp 5 lần so với ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Số siêu thành phố ở Đông Á với số dân từ 10 triệu người trở lên sẽ tăng từ 5 thành phố năm 2007 lên 8 thành phố vào năm 2025. Ngoài tác động của các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu, các siêu thành phố này còn đứng trước nguy cơ động đất gây thiệt hại lớn về người và của. 85% số người chết do động đất trên toàn cầu là ở sườn phía Nam của lục địa Á-Âu.

Các chuyên gia cảnh báo với mật độ dân số quá cao, số người chết trong các trận động đất (nếu xảy ra) ở các siêu thành phố châu Á có thể lên tới 7 chữ số. Các nhà quản lý đô thị cần chú ý đặc biệt tăng cường khả năng chống động đất của 3 kết cấu hạ tầng quan trọng, đó là trường học, bệnh viện và trạm cứu hoả vì các kết cấu hạ tầng này đóng vai trò đáng kể trong công tác khắc phục hậu quả động đất.

Các nhà khoa học thế giới cũng nhấn mạnh các nước đang phát triển cần tăng cường thanh tra xây dựng để đảm bảo chất lượng chống động đất của các công trình xây dựng, đồng thời nâng cao nhận thức của công dân về động đất và phòng chống động đất cũng như kỹ năng khắc phục hậu quả động đất.

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên