![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc làm việc - Ảnh: V.D. |
“Mồi” vào đâu?
Đề cập nội dung chủ yếu của năm nhóm giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết: để thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng Chính phủ đã đưa ra gói 1 tỉ USD, số tiền này sẽ được lấy từ nguồn dự trữ quốc gia (hiện nay khoảng 22 tỉ USD). Tuy nhiên 1 tỉ USD đó chỉ mang tính chất “mồi”, còn gói tổng thể cả hệ thống đưa ra khoảng 6 tỉ USD. Theo ông Phúc, nhiều nước trên thế giới khi đưa ra gói kích thích kinh tế (trong đó có nước láng giềng Trung Quốc) thì nguồn vốn từ Chính phủ chỉ chiếm khoảng 1/3, số còn lại huy động từ các nguồn khác trong hệ thống kinh tế.
Về cách sử dụng gói 1 tỉ USD sao cho hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi mở nên dùng để bù lãi suất, sao cho nền kinh tế có lãi suất thấp hơn, việc bù lãi suất đó sẽ được thực hiện không phân biệt thành phần kinh tế, tập trung vào những vấn đề bức xúc bằng cách cho vay ưu đãi...
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng thông tin chi tiết về gói 6 tỉ USD: cùng với việc đưa ra 1 tỉ USD từ dự trữ quốc gia, còn các nguồn khác như bảo lãnh cho doanh nghiệp vay 1,5-2 tỉ USD, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng, để lại cho doanh nghiệp bằng cách giảm, hoãn thuế khoảng 15.000-20.000 tỉ đồng... Tất cả các biện pháp như vậy sẽ đưa lại gói kích cầu tổng thể khoảng 100.000-150.000 tỉ đồng. “Gói tổng thể này phải được đầu tư sao cho nhanh và sớm có tác dụng, trong trường hợp ngân sách nhà nước thâm hụt thì sẽ bù thêm cho đủ chi, tập trung vào hạ tầng, giao thông thủy lợi, nhà ở xã hội” - Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đầu tư và phát triển Trần Bắc Hà cho rằng việc sử dụng 1 tỉ USD “mồi” kích cầu nên có ưu tiên, bố trí cho khoảng 15-20 dự án cụ thể, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư khoảng 10-15%, vốn từ gói kích cầu 25-30%, còn lại là sự vào cuộc của ngân hàng. Theo ông Hà, không nên cấp bù lãi suất mà nên khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Lê Quốc Ân (chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may) đề nghị thực hiện kích cầu không nên rót tiền thẳng vào dự án mà rót để bù lãi suất, như vậy sẽ đến được nhiều doanh nghiệp hơn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Ân đơn cử: “Hiện nay chúng tôi có hai dự án tại Hải Phòng và Nam Định đang đình đốn vì lãi suất quá cao, nếu được bù khoảng một nửa lãi suất thì hai dự án này sẽ sản xuất được ngay. Mà đây là hai dự án rất tốt, giải quyết nhiều lao động”. Ông Ân kiến nghị Thủ tướng dùng một phần trong gói kích cầu để rót thẳng cho người dân ở 61 huyện nghèo, có thể trợ cấp mỗi hộ 1 triệu đồng để ăn Tết Nguyên đán sắp tới.
Tháo nút thắt đấu thầu
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các phó thủ tướng trao đổi tại cuộc làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - Ảnh: V.DŨNG |
Trước đòi hỏi đẩy mạnh đầu tư trong năm 2009, lãnh đạo nhiều tập đoàn và tổng công ty cho rằng cần giải quyết nút thắt trong các văn bản pháp luật có liên quan đến đấu thầu. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Đinh La Thăng đề nghị tăng quyền chỉ định thầu cho các doanh nghiệp, vì hiện nay quy định phải đấu thầu gây mất thời gian và nhiều khi không thật sự hiệu quả. “Việc dự kiến cho phép cấp quyết định đầu tư được chỉ định thầu các dự án có mức vốn tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án chắc chỉ có tác dụng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, còn đối với các dự án khác đều có số vốn lớn hơn nhiều. Bên cạnh ủy quyền cho chủ đầu tư lựa chọn hình thức phù hợp, cũng nên cho nhà thầu tạm ứng nhiều hơn, từ giới hạn 10-20% lên 50-70%” - ông Thăng nói.
Còn theo tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy (Lilama) Phạm Hùng, việc áp dụng quy định đấu thầu như hiện nay khiến nhiều dự án lớn như nhà máy nhiệt điện Uông Bí 2, đạm Cà Mau... đều rơi vào nhà thầu Trung Quốc. Ông Hùng nói: “Khi trúng thầu thì phía Trung Quốc mang sang Việt Nam từ vật liệu cho tới lao động phổ thông, mà tổng giá trị các gói thầu họ trúng thời gian qua lên tới 7-8 tỉ USD. Nếu các doanh nghiệp của chúng ta được một phần ở đây thì đỡ biết bao nhiêu”.
Giải đáp vấn đề này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ đang tích cực sửa các quy định liên quan đến đấu thầu, theo hướng một luật sửa nhiều luật (cả Luật đấu thầu, Luật xây dựng…) để trình Quốc hội kỳ họp tháng 6-2009. Trong thời gian chờ sửa luật, nếu có dự án nào cấp bách, doanh nghiệp có thể lên danh mục trình Chính phủ quyết định.
Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cũng mong Chính phủ sớm điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Lê Quốc Ân đề nghị Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất cơ bản xuống 8%. Trong khi đó đại diện Ngân hàng Công thương VN cho rằng trong bối cảnh lãi suất trung bình thế giới đang giảm mạnh, để cạnh tranh thì lãi suất cơ bản chỉ nên ở mức 6%, và áp dụng thêm các chính sách tiền tệ khác như giảm tiếp dự trữ bắt buộc…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trong năm nhóm giải pháp cấp bách, về mặt vĩ mô Chính phủ tập trung làm ba việc: thứ nhất là nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả, cụ thể là hạ lãi suất; thứ hai là khuyến khích đầu tư và tiêu dùng, chú ý đến thị trường trong nước; thứ ba là rà soát thể chế, cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… Về phía các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay ngang bằng năm 2008 hoặc nếu có khó khăn thì xây dựng kế hoạch thấp hơn nhưng chỉ được thấp hơn ở số ít”.
Thủ tướng nhấn mạnh: các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ý nghĩa quan trọng giúp Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trước bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm thì việc hạ lãi suất, bình ổn giá... phải dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các ngân hàng. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp phải khẳng định vai trò trong sản xuất kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận tăng hơn năm trước, đồng thời đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Không có các ngân hàng thương mại quốc doanh thì rất khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ và các mặt hàng than, xăng dầu, điện, ximăng... sẽ khó bảo đảm bình ổn giá cả.
2.500 tỉ đồng để xây dựng nhà ở xã hội Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về đầu tư xây dựng một số dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua nhằm thực hiện chủ trương chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội với dự kiến khoảng 10.000 căn hộ. Số tiền cho chương trình nhà ở xã hội đến năm 2015 này có thể là 2.500 tỉ đồng. Thông qua việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ góp phần kích cầu đầu tư, kích cầu xây dựng, an sinh xã hội. Người nghèo có nhà ở, lại tạo điều kiện thúc đẩy sự tăng trưởng các ngành khác. Cách làm là phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên. Tùy từng dự án ở từng vị trí cụ thể để tính toán. * Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo: Nguy cơ bất ổn thị trường xăng dầu Hiện nay mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng chúng tôi ước tính nhu cầu giảm 30%, riêng xăng giảm 10%... Việc giảm như vậy có yếu tố sản xuất suy giảm, nhưng cũng có yếu tố chuyển dịch sử dụng năng lượng. Lúc này nguy cơ bất ổn thị trường xăng dầu là cao hơn bao giờ hết, vì các doanh nghiệp chỉ dám lấy nhỏ giọt để phân phối, nếu giá cao lên là nguy hiểm... Hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp tổ chức phân phối xăng dầu theo kiểu mua đứt bán đoạn, trong trường hợp doanh nghiệp vừa lấy hàng về giá giảm 1.000 đồng là sẽ bị lỗ... Do vậy Chính phủ cần có định hướng rõ về giá điện, giá than, giá xăng dầu khi chuyển sang cơ chế thị trường. |
Một kế hoạch hành động cụ thể như thế là điều xã hội đang mong đợi, nhất là giới doanh nhân.
Bởi xung quanh VN, không tính đến Âu Mỹ là những nơi khủng hoảng tài chính đang hoành hành mà Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đã và đang kịp thời vạch ra kế hoạch phòng chống. Tại những nước này, kế hoạch kích cầu trước nhất là “bơm tiền” nhà nước vào các lĩnh vực giữ vững số lượng lớn việc làm cho người dân cũng như tạo ra thương vụ cho giới kinh doanh.
Đứng hàng đầu là lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng (đường và phương tiện giao thông công cộng, cầu, cảng…). Kế đến là giáo dục và y tế - hai lĩnh vực tưởng chừng như không liên quan trực tiếp đến kinh tế nhưng thật ra vừa là thị trường đông đảo người tiêu dùng nhất, vừa là lĩnh vực duy trì niềm tin cho xã hội, đặc biệt vào thời điểm lòng người dễ thất vọng vì mất mát trong kinh tế.
Qua đấy, nhà nước không chỉ tiếp tục duy trì ngân sách cho giáo dục phổ thông mà còn tăng ngân sách cho dạy lại nghề (re-training) cho người thất nghiệp hoặc có nguy cơ mất việc. Ngoài ba lĩnh vực trên, nhà nước còn chi tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị, nhất là những nơi đang có thế mạnh về du lịch và xuất khẩu, về R&D ( nghiên cứu tìm dư địa mới). Tùy tình hình khác biệt từng nước mà chính phủ khởi xướng việc chi tiền nhà nước vào đâu để kích cầu hiệu quả.
Dĩ nhiên, tiền nhà nước (lấy từ thuế, thu nhập từ tài nguyên, tiền vay mượn...) là lớn lao nhưng không phải là vô tận. Chính vì thế cần lưu ý việc kích cầu không chỉ bằng tiền, mà thật ra trong nhiều lĩnh vực, nhà nước chỉ cần có chính sách đột phá là có thể tạo ra và gia tăng lợi ích chung cho người dân và giới kinh doanh.
Cụ thể trong các lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu, tín dụng, thuế, học hành, chữa bệnh. Người dân rất cần chính phủ cam kết và có các biện pháp dự phòng để không xảy ra việc tăng giá xăng dầu đột ngột, không tăng học phí và viện phí, không để các tổ chức tín dụng phá sản, không tăng thuế hay làm việc tính thuế theo các quy định mới thêm rối rắm. Kế đến là các lĩnh vực tạo thêm nguồn lợi cho dân, chẳng hạn việc miễn visa cho du khách của những nước có khả năng đem đến số lượng lớn người tiêu xài (chính phủ vừa miễn visa cho du khách Nga, trước đây là Nhật, nay nên mở thêm cho Âu - Mỹ).
Chính phủ cũng nên có thêm chính sách thu hút kiều hối như việc giảm thuế thu nhập - một hình thức thưởng, cho các tổ chức và cá nhân gửi hoặc nhận kiều hối ở mức độ cao. Đối với thị trường địa ốc, chính phủ cần ban hành nhanh các văn bản thực hiện thông thoáng việc mở cửa cho Việt kiều và người nước ngoài được quyền mua nhà, mua căn hộ.
Danh sách những việc kích cầu bằng tiền và không bằng tiền chắc chắn còn dài khi chính phủ tiếp tục trưng cầu ý kiến người dân thông qua các diễn đàn đối thoại, hiệp hội, truyền thông đại chúng. Chắc chắn người dân nào cũng mong muốn kế hoạch kích cầu sẽ là “chùm khế ngọt” cho toàn xã hội. Nếu cần, chính phủ có thể chủ trương gói kích cầu đợt một, đợt hai… Không nhất thiết phải làm ngay một lần. Và vừa làm vừa lắng nghe dư luận, miễn sao chủ trương cần được bàn thảo kỹ lưỡng, nhất là khi đưa ra thực hiện thì tiếp tục tận dụng nhiều kênh trong xã hội để có phản hồi và giám sát liên tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận