29/08/2008 06:53 GMT+7

Solo - nỗi kinh hoàng của an ninh mạng Mỹ

HIẾU TRUNG (Theo The Guardian, Reuters)
HIẾU TRUNG (Theo The Guardian, Reuters)

TT - Ngày 28-8, tin tặc khét tiếng người Anh Gary McKinnon, biệt danh Solo, ra điều trần trước Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR) để chống lại bản án bị dẫn độ sang Mỹ.

9oUfyvoj.jpgPhóng to
Gary McKinnon tại tòa án London năm ngoái - Ảnh: Reuters
TT - Ngày 28-8, tin tặc khét tiếng người Anh Gary McKinnon, biệt danh Solo, ra điều trần trước Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR) để chống lại bản án bị dẫn độ sang Mỹ.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bảy năm đã trôi qua, nhưng cái tên Solo vẫn còn nổi như cồn với những vụ tấn công trên mạng từng khiến giới quân sự Mỹ rơi vào hoảng loạn. McKinnon, hiện 42 tuổi, cựu nhân viên quản trị mạng, bị buộc tội xâm nhập 81 máy tính của lục quân, hải quân, không quân, Bộ Quốc phòng Mỹ và 16 máy tính của Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) từ tháng 2-2001 đến 3-2002, đánh cắp nhiều tài liệu và mật khẩu.

Gây thiệt hại cả triệu đôla

Một trong những vụ tấn công của McKinnon làm tê liệt toàn bộ hệ thống 200 máy tính của lực lượng quân đội bảo vệ thủ đô Washington. Một vụ khác ngay sau ngày 11-9-2001 đã xóa sạch dữ liệu của 300 máy tính tại một trung tâm hải quân ở New Jersey có nhiệm vụ kiểm soát vị trí và khả năng xung trận của tàu chiến Mỹ.

Điều đáng nói là tất cả vụ tấn công gây kinh hoàng trên đều được McKinnon thực hiện trong nhà người dì của cô bạn gái ở phía bắc London, chỉ sử dụng những phần mềm văn phòng đơn giản với chiếc máy vi tính được nối mạng bằng modem quay số.

McKinnon bị bắt giữ vào năm 2002 sau khi cảnh sát Anh lần ra dấu vết một số phần mềm sử dụng trong các cuộc tấn công trong địa chỉ email của bạn gái anh ta. Các công tố viên Mỹ ước tính thiệt hại do McKinnon gây ra, cộng với chi phí phía chính quyền Mỹ phải bỏ ra để truy tìm anh ta lên đến ít nhất 900.000 USD. Công tố viên Paul McNulty (cựu thứ trưởng tư pháp Mỹ) từng khẳng định McKinnon đã thực hiện "vụ xâm nhập máy tính quân sự lớn nhất từ trước đến nay, ít nhất là trong số những vụ đã bị phát hiện".

Khủng bố hay bị ám ảnh?

Nếu bị đưa sang Mỹ, McKinnon sẽ ra tòa ở New Jersey và Virginia và phải đối mặt với tám cáo trạng, mỗi cáo trạng bị xử án 10 năm tù và 250.000 USD. Trên lý thuyết, McKinnon có thể bị tù ít nhất 60 năm. "Những kẻ hiếp dâm, giết người và khủng bố thật sự còn được xử nhẹ hơn", McKinnon tỏ ra lo ngại. Anh ta còn lo sẽ bị giam giữ tại nhà tù vịnh Guantanamo dành cho các nghi phạm khủng bố. Tuy nhiên, mới đây công tố viên Scott Christie ở New Jersey cho biết nhiều khả năng án tù sẽ nhẹ hơn nhiều, chỉ 3-5 năm.

Để biện minh cho hành động của mình, McKinnon giải thích anh ta không chủ tâm tấn công mạng quân sự Mỹ và NASA, mà đơn giản chỉ muốn vạch ra những điểm yếu của hệ thống an ninh mạng nước Mỹ, và quan trọng hơn là tìm bằng chứng về người ngoài hành tinh, các vật thể bay không xác định (UFO). Thậm chí, McKinnon còn kể muốn tìm ra công nghệ chống trọng lực và các loại năng lượng ngoài hành tinh mà Chính phủ Mỹ khám phá nhưng giữ bí mật vì muốn giữ giá dầu cao.

"Tôi là người bị ám ảnh" - McKinnon viết trên nhật báo Anh The Guardian năm ngoái. Cuộc sống của McKinnon trong suốt một năm xâm nhập hệ thống quân sự Mỹ ít ra là bằng chứng: tám giờ ngồi bên máy vi tính, uống bia như hũ chìm và liên tục phì phèo cần sa. Trong một số cuộc phỏng vấn, McKinnon tuyên bố khi xâm nhập hệ thống máy tính quân sự Mỹ, anh ta đã phát hiện các bức ảnh một chiếc phi thuyền ngoài hành tinh.

Tuy nhiên, các công tố viên Mỹ cáo buộc McKinnon muốn hăm dọa và khủng bố chính quyền Mỹ bằng cách phá vỡ hệ thống vi tính quân sự Mỹ. Bằng chứng, theo các công tố viên, là một lời nhắn McKinnon ghi lại trong một chiếc máy vi tính anh ta xâm nhập. Trong đó, McKinnon viết: "Chính sách ngoại giao hiện tại của Mỹ cũng giống như chủ nghĩa khủng bố do nhà nước tài trợ... Không phải ngẫu nhiên mà có một vụ tê liệt an ninh lớn vào ngày 11-9. Tôi là Solo. Tôi sẽ tiếp tục can thiệp ở cấp độ cao nhất".

Xử "dằn mặt"

Kể từ năm 2005, chính quyền Washington đã bắt đầu thủ tục đề nghị Anh dẫn độ McKinnon sang Mỹ để xét xử. Năm 2006, tòa án Anh quyết định dẫn độ McKinnon sang Mỹ. Tháng 2-2007, luật sư của McKinnon kháng cáo ra Tòa án tối cao ở London nhưng bị phủ quyết. Sau đó Thượng viện Anh đồng ý nghe kháng cáo, nhưng đến ngày 30-7-2008 vẫn quyết định dẫn độ McKinnon. Luật sư McKinnon đã kháng cáo lên tận Tòa án nhân quyền châu Âu.

McKinnon từng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng muốn được xét xử tại Anh. Theo báo Guardian và nhiều chuyên gia an ninh Anh, việc Washington quyết tâm đòi đưa McKinnon sang Mỹ không phải vì nguyên nhân khủng bố. Đơn giản là các quan chức quốc phòng Mỹ cảm thấy mất mặt khi bị một tin tặc nước ngoài sử dụng công nghệ bình thường đùa giỡn. Ông Graham Cluley, cố vấn an ninh Công ty Sophos PLC, bình luận vụ McKinnon đã chỉ ra nhiều điểm "đáng xấu hổ" trong hệ thống an ninh mạng Mỹ, ví dụ như có những máy vi tính thậm chí không được bảo vệ bằng mật khẩu thông thường.

Báo chí Anh dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố muốn thấy McKinnon bị "chiên". Nhiều nhà quan sát cũng khẳng định phía Washington muốn xử McKinnon làm gương vì đã dám trêu cợt người Mỹ, đồng thời đưa ra lời cảnh cáo đối với cộng đồng tin tặc quốc tế. Trong số ra đầu tháng tám, báo Guardian viết thiệt hại của phía Mỹ không phải là tiền, mà là thể diện của nhiều quan chức.

HIẾU TRUNG (Theo The Guardian, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên