08/01/2011 07:08 GMT+7

"Sói biển" nằm bờ

N.PHƯƠNG - Đ.NAM
N.PHƯƠNG - Đ.NAM

TT - “Sói biển” là biệt danh của ông Mai Phụng Lưu (thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi). Trò chuyện với chúng tôi, ông Lưu nhìn ra mặt biển mênh mông và tâm sự: “Tàu thì không còn, mà có muốn ra khơi cũng không thể được nữa”.

s7DnSW60.jpgPhóng to
Ông Mai Phụng Lưu trở về từ Hoàng Sa đầu tháng 10-2010 (ảnh chụp tại cảng Dung Quất) - Ảnh: Đ.NAM

Sinh ra nơi mép biển, lớn lên bằng lời ru của sóng, cái mặn mòi của biển gần như đã chảy trong huyết quản của ông. Giờ ông Mai Phụng Lưu đã ở tuổi 44, hơn 26 năm gắn bó với sóng gió biển Hoàng Sa, con người từng được bạn tàu mệnh danh là “sói biển” giờ đây bỗng chốc trở thành một anh... tưới rau.

Trắng tay

Nước da đã đỡ sạm đen so với những ngày đầu tháng 11-2010, khi ông vừa bước chân lên đất liền sau những ngày được thả về từ Hoàng Sa. Đó là lần thứ tư tàu của ông bị bắt tại Hoàng Sa.

“Từ đó đến nay ông đi lại chuyến biển nào chưa?”, nghe hỏi, ông Lưu buông thõng một câu: “Thất nghiệp rồi. Đã hơn hai tháng nay không được ra biển vì không có tàu, cũng không dám xin đi theo tàu bạn vì sợ mọi người nghĩ mình sẽ đem vận xui đến cho họ”.

Thấy tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên, ông Lưu tiếp: “Sau khi bị bắt lần thứ tư, nợ chồng nợ lên đến trên 600 triệu đồng. Khi tàu vừa sửa xong, chủ nợ từ Quảng Ngãi đã ra Lý Sơn thu tàu. Đó là chưa kể khoản tiền vay 300 triệu đồng để chuộc lại người và tàu bị bắt giữ ba lần trước đó”. “Thế tiền hỗ trợ tàu bị nạn đâu?”. “Không có”.

Câu trả lời nhát gừng nghe quá xót xa. Ông Lưu chậm rãi tâm sự: “Ngày trước tàu mình chỉ có công suất 39CV. Sau này vì thường xuyên ra Hoàng Sa làm ăn nên tôi quyết định cải hoán tàu lên 135 CV mà không đăng ký, nên giờ không được Nhà nước hỗ trợ”.

Con tàu - cần câu cơm - đã không còn, giờ đây thuyền trưởng Mai Phụng Lưu đành phải ở nhà tưới rau, trỉa bắp, trồng tỏi cùng vợ đắp đổi qua ngày. Những hôm nhớ biển quá, ông Lưu lại vào nhà tìm mấy tay lưới rách rồi ra phía trước biển thả.

“Cũng chỉ để bắt vài con tôm, cái tép cho đỡ nhớ... Nhiều hôm nhìn con sóng vỗ trắng mũi thuyền neo trước vịnh mà nhớ Hoàng Sa quá chú à” - ông Lưu nói buồn buồn.

Là dân rặt chất biển, vậy mà khi nói chuyện với tôi, cái chất giọng “ăn sóng, nói gió” ngày nào tự dưng bay biến, nhường lại cho âm vực trầm: “Cuộc sống vốn khó, giờ không có tàu càng khó hơn, đứa con trai đầu là Tâm (Mai Văn Tâm) và thằng con rể là Hải (Bùi Văn Hải) phải xin đi bạn cho chủ tàu khác để mưu sinh. Đứa nữa là Hảo (Mai Văn Hảo) thì bỏ lên Tây nguyên hái cà phê thuê cho người ta.

Chỉ tội cho con bé út Tu (Mai Thị Tu) đang học lớp 10 Trường Lý Sơn, sau khi bị chủ nợ thu tàu, nó cũng “đứt” luôn đường học, bỏ vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống, nhưng khó sống quá. Gần hai tháng nay nó về lại Quảng Ngãi phụ bán cơm kiếm ăn hằng ngày”.

Tôi hỏi: “Sao không tìm ngư trường khác để đánh bắt mà cứ đi Hoàng Sa?”. Ông Lưu kể: “Mỗi lần xuất bến, vợ tôi hay dặn dò hãy đi vùng biển Trường Sa. Nhưng không biết tại sao khi con tàu rẽ sóng ra khơi, khi cánh tay vẫy vẫy của vợ khuất hẳn thì tôi lại bẻ tay lái nhằm hướng đông bắc, nơi ngư trường Hoàng Sa thẳng tiến”.

Đến tận bây giờ ông cũng không thể nào lý giải được điều đó. Bởi như ông nói: “Biển Hoàng Sa như đã có sẵn trong đầu của tôi và của những ngư dân trên đảo Lý Sơn. Nó luôn hút tụi tôi hướng về đó”.

AGBH9F94.jpgPhóng to
“Sói biển” Mai Phụng Lưu giờ đây chỉ là một anh nông dân trồng rau - Ảnh: Tấn Vũ

Khó hỗ trợ

Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cho biết trường hợp của ông Lưu rất khó hỗ trợ bởi không nằm trong quy chế hỗ trợ của Nhà nước (tàu bị nạn do thiên tai, bị tàu lạ đâm chìm...), đã vậy còn tự nâng cấp, cải hoán mà không đăng ký, đăng kiểm.

“Trong tuần tới chúng tôi sẽ làm việc với gia đình về số nợ hiện tại, lý do bị thu hồi nợ, nguyện vọng sắp tới để có hướng đề xuất tỉnh giải quyết” - ông Nguyên nói.

Còn ông Phan Huy Hoàng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: “Hoàn cảnh ông Lưu lúc này là rất khó được hỗ trợ”. “Quảng Ngãi từng phát động xây dựng quỹ hỗ trợ ngư dân, quỹ này giúp gì cho những người như ông Lưu?”, nghe chúng tôi hỏi, ông Hoàng trả lời: “Nếu có quỹ hỗ trợ cho ngư dân thì trường hợp ông Lưu cũng không được xem xét do không nằm trong quy định”.

Nói rồi ông Hoàng bảo: “Tuy được phát động hỗ trợ hơn một năm nay nhưng hiện quỹ hỗ trợ ngư dân vẫn đang ở con số... 0 vì chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào xung phong đóng góp. Trong khi muốn thành lập quỹ thì cấp tỉnh phải có 500 triệu đồng, huyện phải có 100 triệu đồng và cấp xã là 50 triệu đồng, mà tiền đó thì không biết lấy đâu ra”.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, cũng có một vài trường hợp tương tự như ông Lưu. Tuy nhiên khi hỏi về cuộc sống của những ngư dân này hiện thế nào thì ông Nguyên bảo “chưa rõ lắm”.

4 lần tàu bị bắt

Năm 18 tuổi, ông Mai Phụng Lưu đã lênh đênh trên tàu ra biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt. Tích cóp, dè sẻn trong chi tiêu, năm 22 tuổi ông Lưu đã tự mình sắm được chiếc tàu 95CV. Nhưng trời không chiều lòng người, trong một lần ra khơi tàu bị sóng dữ đẩy trôi dạt vào rặng san hô và chìm nghỉm.

Sau sự cố này, ông Lưu vay bạn bè, ngân hàng đóng mới tàu trị giá lên đến 600 triệu đồng. “Có lẽ con tàu này không thuận với mệnh của tui. Từ khi sắm tàu mới thì hai lần bị bắt giữ, bị phạt đến hơn 300 triệu đồng. Đã vậy còn bị tháo lấy hết máy móc, thiết bị và ngư cụ. Vậy là vay tiền nộp phạt, nên đành phải bán tàu”.

Một thời gian sau ông Lưu lại chạy vạy vốn liếng tìm mua con tàu khác với điều kiện sau mỗi lần đi biển về phải trả nợ dần, nếu không chủ nợ sẽ siết tàu. Vậy là gia đình ông lại rơi vào vòng xoáy “vay tiền - nộp phạt”. Và lần này số tiền mà ông Lưu nợ lên đến hơn 600 triệu đồng.

“Không thể trả nợ nổi nên người ta thu tàu lại” - ông Lưu ngậm ngùi bảo.

N.PHƯƠNG - Đ.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên