15/09/2019 13:26 GMT+7

Soạn sách: thống nhất hay duy nhất?

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào - người xin từ chức vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT năm 2001 - vì bảo vệ quan điểm giáo dục của mình đã nhận lời chia sẻ với Tuổi Trẻ vào thời điểm sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đang gặp sóng gió.

Soạn sách: thống nhất hay duy nhất? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội trong một trò chơi trí tuệ - Ảnh: nhà trường cung cấp

So sánh câu chuyện gần 20 năm trước, PGS Hào cho biết thời đó cũng có quy định cả nước có một chương trình - sách giáo khoa (SGK) thống nhất. Nếu hiểu đúng chữ "thống nhất" có nghĩa là thống nhất về mục tiêu, về chuẩn kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra. 

Duy nhất thì chỉ có một. Hiện tại, dù quy định có nhiều SGK nhưng với cách kiểm duyệt "bám sát chương trình" một cách cứng nhắc, cơ học thì thực chất cũng chỉ là "một bộ sách". "Quy định chi tiết nội dung, trình bày, độ dài ngữ liệu... giống như nhiều người cùng gói bánh chưng trong một cái khuôn như nhau" - GS Hào chia sẻ.

* Được biết chuyện ông từ chức vì liên quan đến việc soạn sách, cụ thể thế nào?

- Chuyện tôi từ chức năm 2001 cũng liên quan tới thời điểm thay sách, thẩm định sách, quyết định sử dụng SGK. Những năm thập kỷ 1990, ngành giáo dục có 4 chương trình, 4 bộ sách (chương trình 165 tuần cho học sinh đại trà, 100 tuần cho học sinh vùng khó khăn, lớp học tình thương, 120 tuần cho học sinh dân tộc thiểu số và chương trình Công nghệ giáo dục). 

Nhiều chương trình - SGK, nhưng thực chất vẫn có sự thống nhất về mục tiêu, chuẩn phổ cập giáo dục (bây giờ có thể gọi là chuẩn đầu ra).

Nhưng khi thay sách năm 2000, tôi nhận thấy có những bất ổn khi cả nước sử dụng chung một bộ sách do một nhóm biên soạn, xuất bản độc quyền, việc chuẩn bị gấp, lại không tính đến đối tượng học sinh khác nhau nên đã góp ý nhiều lần. 

Nhưng Bộ GD-ĐT thời đó lại cử tôi tham gia việc thay sách với tư cách tác giả, đồng thời vẫn giữ chức vụ trưởng. Nhận vị trí đó, tôi "vừa đá bóng, vừa thổi còi", lại là "trong cuộc" nên không thể kêu, góp ý được khiến tôi phải từ chức.

* Có sự liên quan nào đến việc soạn sách đang diễn ra, thưa ông?

- Ngoài chuyện hiểu "thống nhất" thành "duy nhất" còn có những quy định cứng nhắc là viết sách "ba trong một" cho học sinh, cho phụ huynh, cho giáo viên. Sách có một chuẩn chung không có nghĩa tất cả phải giống nhau. 

Sách là tài liệu học thì có thể viết để học sinh trung bình học được, học sinh có điều kiện thuận lợi, khá giỏi có thể học nâng cao hơn. Chỉ nên quy định về mục tiêu, về chuẩn đầu ra, còn mỗi bộ sách có cách tiếp cận khác nhau, phương pháp sư phạm khác nhau để đạt được mục đích đó thì cần được chấp nhận.

* Nhiều người nghe đến việc sách Công nghệ giáo dục vượt chuẩn, khó quá, cao quá thì sợ vì lâu nay học sinh đã bị quá tải với chương trình đại trà. Nỗi sợ này cũng chính đáng?

- Chuẩn cao, nhưng phương pháp tiếp cận tốt, nghiệp vụ sư phạm tốt thì học sinh vẫn học được, thậm chí học tốt. Minh chứng là sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục dạy được cho học sinh dân tộc thiểu số chưa nói thạo tiếng Việt, học sinh vùng kinh tế kém phát triển. 

Thực tiễn giáo dục là câu trả lời thuyết phục nhất. Còn chuẩn thấp, hay có hạ chuẩn thấp hơn nữa, nhưng cách tiếp cận không hợp lý thì học sinh vẫn bị quá tải. Người chưa tiếp cận thì sợ nhưng đa số phụ huynh có con học sách này đâu có kêu quá tải.

* Sau khi từ chức, rồi nghỉ hưu, ông quay lại gắn bó với Công nghệ giáo dục, vì sao?

- Chức vụ tôi còn bỏ được thì việc tôi tham gia làm việc ở Trung tâm Công nghệ giáo dục sau này cũng không phải vì lợi lộc ghê gớm. Tôi làm, đơn giản vì tôi thấy tốt, tôi nhìn thấy có ích cho trẻ em.

* Trong thời gian làm cho Công nghệ giáo dục, ông có đi đến nhiều địa phương không? Quan sát của ông về thực tế dạy học thế nào?

- Khi còn là vụ trưởng, tôi đã đi không thiếu một tỉnh nào trên cả nước, mà đã đến là đến vùng sâu, vùng xa nhất. Khi tôi làm cho Công nghệ giáo dục, ngoài các địa phương ở vùng thuận lợi, tôi đến Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp... 

Tất cả các nơi tôi đều ngồi dự giờ và thật sự là cảm thấy hạnh phúc khi trẻ con học được tốt. Nhiều người có thể không biết, những dự án thí điểm khác của Bộ GD-ĐT đều có tiền, nhưng dự án Công nghệ giáo dục trong những năm tôi tham gia không có tiền. Các địa phương thực hiện vì họ thấy tốt cho trẻ con.

* Ông suy nghĩ gì nếu như sách Công nghệ giáo dục không qua "cửa thẩm định" lần này?

- Tôi thấy những gì GS Hồ Ngọc Đại từng nói, từng làm, từng bị phản đối dữ dội thì một thời gian sau người ta lại cũng nói đến, cũng thực hiện như một điều đúng đắn. Ví dụ như những năm 1970-1980, GS Hồ Ngọc Đại là người nói ra quan điểm "lấy học sinh làm trung tâm". 

Khi đó ông ấy bị phản đối dữ dội. Nhưng sau này người ta đã quen với khái niệm đó. Rồi những quan điểm "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", "Đi học là hạnh phúc" cũng là của GS Hồ Ngọc Đại, khi nói ra thì bị chê bai, phản ứng. Nhưng nay Bộ GD-ĐT cũng đang nói lại điều đó.

Trong sách Công nghệ giáo dục có chuỗi "việc làm", theo hướng thầy thiết kế, trò thi công. Bây giờ người làm chương trình mới nói đến thiết kế theo hoạt động học. 

Và để "bám sát chương trình", họ yêu cầu sách Công nghệ giáo dục phải bỏ từ "việc làm" thay bằng "hoạt động học"... Nhiều cái trước GS Hồ Ngọc Đại bị phản ứng, giờ có người nói như đó là điều họ sáng tạo. Nên tôi nghĩ điều gì đúng thì nó sẽ vẫn tồn tại.

* Trao đổi với báo chí, đại diện Hội đồng quốc gia thẩm định SGK cho rằng giáo viên từ địa phương kêu sách khó dạy, khó với học sinh. Ông có cơ sở nào để khẳng định không có chuyện "khó" này?

untitled-1 copy

- Những năm trước, cứ lúc nào ngành giáo dục thấy khó khăn thì lại đưa tiếng Việt Công nghệ giáo dục vào dạy để gỡ cái khó đó.

Gần nhất là năm 2006, khi học sinh tái mù chữ ở các tỉnh khó khăn gia tăng, bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân phải quyết định đưa tiếng Việt Công nghệ giáo dục quay lại dưới dạng tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn.

Thực tế đó cho thấy học sinh không khó học. Nguyên tắc của tiếng Việt Công nghệ giáo dục là học tới đâu chắc tới đó và không tái mù chữ. Giáo viên được tập huấn kỹ, làm đúng hướng dẫn thì đều dạy có hiệu quả.

Dĩ nhiên cũng có vài nơi tập huấn chưa tốt, giáo viên dạy pha giữa phương pháp của công nghệ và phương pháp cũ nhưng đây không phải vấn đề điển hình. Chương trình nào, sách nào cũng có chuyện đó. Vấn đề là một chương trình, một sách tốt thì cũng cần có định hướng đào tạo giáo viên từ trường sư phạm.

Học sinh hứng thú khi học Công nghệ giáo dục

untitled-2 copy

Học sinh tự “thi công” công trình do giáo viên thiết kế - Ảnh: CTV

NGƯT CAO ĐỨC HÒA (nguyên hiệu trưởng Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh):

Nếu nói bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại là quá cao so với chương trình thì tại sao học sinh dân tộc ít người lại học được và học rất tốt?

Chúng tôi đã có quá trình gần 30 năm dạy bằng sách này nên tôi có thể khẳng định bộ sách hiện đại, phù hợp với tâm sinh lý - lứa tuổi học sinh và được học sinh chấp nhận, các em tiếp thu kiến thức một cách thoải mái, vui vẻ. Tôi đã từng đi dự giờ ở nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm và nhận ra những nơi khó khăn vẫn dạy tốt sách Công nghệ giáo dục.

Cách tiếp cận kiến thức của bộ sách hơi khác so với bộ sách hiện hành. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn với những cách giảng bài cụ thể, giáo viên đã tiếp thu và thực hiện suôn sẻ.

ThS LÊ NGỌC ĐIỆP (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):

Thời điểm trước năm 2000 TP.HCM đã có rất nhiều trường tiểu học giảng dạy chương trình Công nghệ giáo dục. Lúc ấy, những trường này rất "hot" vì giáo viên dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả, học sinh đi học vui vẻ, tiếp thu bài tốt nên phụ huynh ùn ùn xin cho con vào học.

Khi đó tôi là phó Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM phụ trách môn tiếng Việt nên tôi vẫn còn nhớ bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại có rất nhiều ưu điểm như giải quyết được vấn đề về âm đệm o, u..., trong cách viết thì có phương pháp chấm tọa độ nên học sinh viết đúng và đều hơn.

Những yếu tố này đã giúp học sinh đọc thông, viết thạo, sau khi nghỉ hè 3 tháng quay lại trường vẫn nhớ bài chứ không bị "tái mù" như nhiều học sinh học chương trình hiện hành.

H.HG. ghi

GS Hồ Ngọc Đại: "Tôi sẽ không sửa nếu chỉ để được thẩm định" GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi sẽ không sửa nếu chỉ để được thẩm định'

TTO - Các đại diện hội đồng thẩm định cho rằng sách của GS Hồ Ngọc Đại có ưu điểm nhưng một số nội dung khó, vượt yêu cầu chương trình mới, như tất cả các trang đều có thành ngữ, tục ngữ, kể cả Bình ngô đại cáo... không phù hợp với học sinh lớp 1.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên