Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: DANH KHANG
Chiều 16-12, UBND TP Hà Nội tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 4-2022 trên địa bàn TP.
Tại cuộc họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi về việc vừa qua Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng đá lát vỉa hè vỡ do "được khai thác bằng phương pháp nổ mìn nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý".
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi - Ảnh: DANH KHANG
Tuổi Trẻ Online đặt hai câu hỏi:
- Vì sao biết đá chất lượng không đảm bảo mà Hà Nội vẫn chọn để lát vỉa hè và còn khẳng định có độ bền 70 năm? Loại đá khai thác bằng cách nổ mìn và đá khai thác tự nhiên có giá thành chênh lệch với nhau như thế nào? Việc kiểm soát, kiểm tra chất lượng đá vỉa hè ở Hà Nội được Sở Xây dựng, ban quản lý dự án các quận huyện thực hiện ra sao? Trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội, các quận huyện khi để xảy ra tình trạng trên?
- Vì sao không phải thời điểm nào khác, mà cứ vào cuối năm nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, Hà Nội lại xới tung vỉa hè để chỉnh trang? Một số tuyến phố lát đá bền 70 năm đã vỡ hỏng, nay phải thay mới, thì số tiền dùng để thay mới các đoạn vỉa hè hư hỏng này được trích từ đâu?
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, ông Mạc Đình Minh - phó giám đốc Sở Xây dựng - cho biết TP đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trong cải tạo, chỉnh trang hè phố.
"Mới nhất trong ngày hôm nay, giám đốc Sở Xây dựng đã ký văn bản gửi các quận, huyện về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng lát đá vỉa hè trên toàn địa bàn TP" - ông nói.
Cũng theo ông Minh, trong năm 2022, Sở Xây dựng kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố trên địa bàn TP. Qua kiểm tra, sở phát hiện rất nhiều tồn tại nên đã có các đề xuất cho các quận huyện để tổ chức triển khai đồng bộ.
Trong đó yêu cầu các địa phương lựa chọn các nhóm đá có độ bền cao, kích thước phù hợp, nguồn gốc xuất xứ đá, tăng chiều dày, quản lý chất lượng từ khâu thiết kế. Một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng)... được các quận huyện đầu tư từ năm 2016 - 2017.
Toàn bộ giai đoạn này, Thanh tra thành phố đã có kết luận 673 năm 2018 về thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè. Trong đó, đã chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại hạn chế.
"Hiện TP đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện kiến nghị của Thanh tra TP, khắc phục tồn tại" - ông Minh nói.
Ông Mạc Đình Minh - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online - Ảnh: DANH KHANG
Tuy nhiên, phần câu hỏi "tại sao biết đá chất lượng không đảm bảo mà Hà Nội vẫn chọn để lát đá vỉa hè và còn khẳng định có độ bền 70 năm?", ông Minh không có câu trả lời tại buổi họp báo.
Trước câu hỏi "tại sao không phải thời điểm nào khác, mà cứ vào cuối năm nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, Hà Nội lại xới tung vỉa hè để chỉnh trang?", ông Mạc Đình Minh nêu rõ những dự án chỉnh trang hè phố nói chung và lát đá vỉa hè đang thi công do UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư.
TP đã phân cấp trách nhiệm cho UBND các địa phương lập phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng tổ chức triển khai xây dựng và quản lý hè phố sau đầu tư.
Vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng theo quy định của pháp luật, chủ trương của TP thì không quy định việc thi công, chỉnh trang hè phố là vào thời điểm cuối năm. Việc triển khai thi công sẽ phụ thuộc vào kế hoạch và tiến độ triển khai dự án do UBND cấp quận, huyện, thị xã quy định. Quá trình triển khai, thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định về trình tự đầu tư, thẩm định phê duyệt, thiết kế dự toán, bố trí vốn và lựa chọn nhà thầu.
Lát đá chưa đảm bảo kỹ thuật
Cũng trong chiều 16-12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành văn bản về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư vỉa hè trên các tuyến phố tại Hà Nội.
Văn bản UBND TP Hà Nội thừa nhận nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu do thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đá lát, công tác quản lý sử dụng sau đầu tư và duy tu bảo trì chưa được quan tâm đúng mức...
Trước những tồn tại trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nút hè phố, báo cáo UBND TP ngay trong tháng 12-2022.
"UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức kiểm tra rà soát, thực hiện công tác bảo trì, bảo hành theo quy định; kịp thời duy tu, sửa chữa các điểm hè phố bị lún nứt, vỡ, bong bật...", văn bản UBND TP Hà Nội nêu rõ.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành TP và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận