13/03/2014 08:37 GMT+7

Sợ trái tuyến và học phí cao

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Sáng 12-3, Sở GD-ĐT Hà Nội có cuộc họp giao ban với UBND và cơ sở GD các quận, huyện về việc triển khai xây dựng mô hình trường chất lượng cao ở tất cả các cấp, sau khi hệ thống văn bản pháp lý cho việc này đã hoàn tất.

Hà Nội xây 30-35 trường chất lượng caoTrường “chất lượng cao”

7Hl11LmH.jpgPhóng to
Trường THPT Phan Huy Chú là trường tự chủ tài chính đầu tiên của Hà Nội xây dựng theo mô hình chất lượng cao - Ảnh: V.H.

Theo ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, với các tiêu chí cụ thể về chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, các chương trình bổ trợ (ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT), các dịch vụ chăm sóc, hoạt động giáo dục đặc biệt, Hà Nội hiện đang có nhiều trường từ bậc mầm non đến THPT phấn đấu để công nhận trường chất lượng cao. Tới hết năm 2015, ngành GD-ĐT Hà Nội đặt ra mục tiêu có 35 trường học các cấp được công nhận trường chất lượng cao, trong đó năm học 2014-2015 dự kiến có 20 trường thí điểm xây dựng theo mô hình này, bao gồm cả trường công lập và ngoài công lập.

Cần thay đổi những “quy định cứng”

Một trong những băn khoăn lớn của các quận, huyện tại Hà Nội là theo quy hoạch mỗi phường, xã chỉ có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS. Trong khi ở nhiều phường tại Hà Nội hiện đã quá tải, thiếu chỗ học cho trẻ em diện đại trà. Vì vậy việc chọn một trường học để xây dựng theo mô hình chất lượng cao, tự chủ tài chính, với mức học phí cao hơn quy định chung là điều khó khăn. Những học sinh trong diện đúng tuyến nhưng không có khả năng chi trả học phí cao sẽ không có cơ hội được vào học trường trên địa bàn. Một số phó chủ tịch UBND các quận, huyện kiến nghị TP Hà Nội cần tạo điều kiện cho xây dựng trường mới theo mô hình trên.

Bà Phạm Thị Hòa, phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho rằng chỉ có thể thực hiện được mô hình trên nếu trường nằm ngoài mạng lưới trường tuyển sinh theo tuyến”. Bên cạnh đó bài toán tự chủ tài chính, trong khi phải áp dụng hàng loạt hoạt động GD ngoại khóa, kỹ năng mềm để thu hút người học, đưa các chương trình phụ trợ như tiếng Anh, môn năng khiếu... khiến quỹ tài chính đội lên, trong khi học phí không thể tăng vọt so với mặt bằng học phí được quy định chung cũng là điều hầu hết hiệu trưởng những trường đang được “chỉ định” xây dựng chất lượng cao lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, cho rằng quy định của Hà Nội về tỉ lệ cần có 60% giáo viên tiểu học và 40% giáo viên THCS là giáo viên giỏi cấp quận, huyện mới được công nhận chất lượng cao là cứng nhắc, vì mỗi năm TP Hà Nội quy định số giáo viên mỗi trường được dự thi giáo viên giỏi rất hạn hẹp. Cho dù thực tế giáo viên các trường có đủ trình độ yêu cầu cũng không có cơ hội để được “công nhận”. Nên cùng với định hướng xây dựng trường chất lượng cao, có những quy định cứng của ngành GD-ĐT cần thay đổi, cụ thể là quy định về công nhận giáo viên dạy giỏi.

Trao đổi lại với ý kiến của các quận, huyện, ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng không phải trường nào muốn treo biển chất lượng cao cũng được mà Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện đúng quy trình chặt chẽ để công nhận, trong đó chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng nhất. Chất lượng thể hiện ở nhiều mặt, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng lực cống hiến... Nhưng ông Độ cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng cần xây dựng chất lượng cao ở những trường “không bị áp lực phải có trách nhiệm nhận học sinh đại trà theo tuyến. Muốn vậy, ngành GD-ĐT cần sự xắn tay vào cuộc của UBND các quận, huyện trong việc dành đất xây trường.

Trẻ mầm non làm quen tiếng Anh: xây dựng đề án để xin bộ

Tại cuộc giao ban, ông Đinh Hồng Phong, phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về việc theo tiêu chí trường chất lượng cao đã được phê duyệt, các trường mầm non phải cho trẻ làm quen với công nghệ hiện đại như tin học và làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, quy định mới nhất của Bộ GD-ĐT ban hành cuối tháng 2-2014 lại cấm các trường mầm non dạy tiếng Anh cho trẻ. “Những quy định trái nhau thế này khiến cơ sở không biết thực hiện thế nào” - đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết.

Cũng vấn đề này, hiệu trưởng một số trường mầm non đang xây dựng theo mô hình chất lượng cao phản ảnh về việc trường đã thực hiện chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo tiêu chí mô hình trường chất lượng cao của Hà Nội, nhưng với quy định mới của Bộ GD-ĐT các trường lo lắng không biết phải giải quyết thế nào. “Chúng tôi cần sở đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc này. Bởi trên thực tế nhiều chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh đang được triển khai tốt, phù hợp với định hướng xây dựng trường chất lượng cao và nhu cầu của cha mẹ học sinh” - một hiệu trưởng cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, giải thích: “Việc Bộ GD-ĐT tạm thời cấm để đưa việc dạy học tiếng Anh bậc mầm non vào quy củ, nề nếp. Vì vậy các trường đang thực hiện mô hình chất lượng cao có chủ trương thực hiện chương trình tăng cường tiếng Anh cho trẻ mầm non làm quen, nếu có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình phù hợp thì có thể xây dựng đề án để Sở GD-ĐT trình Bộ GD-ĐT cho phép. Chia sẻ bên lề cuộc giao ban, một số hiệu trưởng ở Hà Nội cho rằng việc này lại khiến các nhà trường “thêm việc” trong khi quy định trường chất lượng cao phải có hội đồng khoa học để thẩm định các chương trình hỗ trợ, bổ sung, các chương trình này cũng phải được TP Hà Nội cho phép.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên