31/12/2017 12:30 GMT+7

Số phận long đong của Người cứu rỗi thế giới

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Kiệt tác 'Salvator Mundi' (Người cứu rỗi thế giới) đã trải qua số phận long đong kỳ lạ nhiều thế kỷ trước khi trở thành bức tranh đình đám đắt giá nhất thế giới. Câu chuyện đó ra sao?

MBS là biệt danh của Hoàng tử kế vị Mohammed ben Salmane của Saudi Arabia và chính ông là người đã bỏ tiền ra mua kiệt tác cuối cùng của đại danh họa Leonardo da Vinci thông qua một nhân vật trung gian là hoàng tử Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud.

Chi tiết đáng chú ý ở đây là bức họa cổ Salvator Mundi (Người cứu rỗi thế giới) đã phải trải qua một cuộc hành trình dài xuyên qua nhiều thế kỷ trước khi được những chuyên gia về hội họa xác định rõ nguồn gốc và danh tính của tác phẩm.

Một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về danh họa Leonardo da Vinci là ông Pietro Marani - Giáo sư lịch sử nghệ thuật của Trường bách khoa Milan của Ý, nằm trong nhóm những giám định viên được nhà đấu giá Christie’s mời cộng tác, đã giải thích rõ hoàn cảnh có thể được gọi là "ngẫu nhiên" đưa đến việc tiến hành định danh cho tác phẩm này. 

Ông phát biểu trong một phỏng vấn của báo La Croix vào tháng 11-2017 như sau: "Tôi là một thành viên có tên trong danh sách nhóm giám định viên này nhưng khởi thủy công việc của nhóm không phải là để giám định kiệt tác Salvator Mundi. Vào tháng 5-2008, họ đưa cho chúng tôi xem bức họa này trong phòng phục chế của bảo tàng National Gallery tại London (Anh quốc) khi chúng tôi đến xem việc phục chế bức họa The Virgin of the Rocks (Đức Mẹ đồng trinh trong hang đá) cũng của Leonardo da Vinci. Nhân dịp đó, tiện thể nhóm làm việc của chúng tôi cũng đã trao đổi với nhau về bức Salvator Mundi tuy không có một văn bản nào yêu cầu chúng tôi giám định bức tranh đó và chúng tôi cũng đã không đưa ra một nhận xét chính thức nào và cũng không ký một biên bản giám định nào về bức Salvator Mundi".

Số phận long đong của Người cứu rỗi thế giới - Ảnh 1.

Giáo sư lịch sử nghệ thuật Pietro Marani thuộc trong số những người đầu tiên giám định xác nhận bức Salvator Mundi - Ảnh: AFP

Tuy thế, nhóm chuyên gia cũng đã có những ghi nhận ban đầu về chất lượng đặc biệt tinh tế của bức họa Salvator Mundi tại những vị trí được bảo quản tốt nhất là đôi bàn tay, mái tóc, trang phục, quả cầu pha lê và khung viền trang trí. Thế nhưng, phần khuôn mặt bên trái trong bức họa đã bị hỏng rất nhiều vì nền tranh nơi đó bị nứt và người ta đã vẽ lại phần đó nhiều lần.

Cuối cùng, GS Pietro Marani cho biết là đa số các giám định viên trong nhóm ông khẳng định đây chính xác là tác phẩm của Leonardo da Vinci tuy nhiên cũng có một người nghi ngờ với lý do là bức tranh này không được bảo quản kỹ lưỡng.

Song, đó là câu chuyện từ giới chuyên môn nghệ thuật, còn về mặt xã hội, ngoài việc giá bán tranh cao ngất ngưỡng, hoàn cảnh ra đời và quá khứ đầy "sóng gió" ba chìm bảy nổi của Salvator Mundi cũng đã góp phần tạo nên sự nổi tiếng có một không hai cho một tác phẩm hội họa của một nhân vật bậc thầy của nghệ thuật này của lịch sử nhân loại.

Số phận long đong của Người cứu rỗi thế giới - Ảnh 2.

Nhân viên nhà đầu giá Christie's trong một lần giới thiệu bức Salvator Mundi - Ảnh: REUTERS

Đầu tiên, đây là một tác phẩm do một vị vua của nước Pháp đặt hàng! Dấu tích đầu tiên của bức họa này được bắt đầu từ thế kỷ 16, khi vua Louis XII (1498-1515) đặt danh họa Leonardo da Vinci vẽ một bức chân dung về Chúa. Theo sử gia François Boespflug, chủ đề về chân dung Chúa cứu thế trong nghệ thuật đã xuất hiện từ thời Trung Cổ tại châu Âu.

… tuy nhiên bức tranh lại thuộc quyền sở hữu của các vị vua nước Anh. Bức họa này được cho là được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1506 đến năm 1513 và sau đó đã không được lưu lại lâu trên lãnh thổ nước Pháp mà đã vượt qua eo biển Manche trong hành lý của hoàng hậu Henriette Marie, em gái của vua Louis XIII và là người đã kết hôn với vua Charles Đệ nhất của Anh vào năm 1625. 

Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi kiệt tác Salvator Mundi đã tái xuất hiện trong bộ sưu tập cá nhân của vị vua nước Anh này, vốn đã trị vì Vương quốc đến năm 1649. Kế tiếp theo sau đó, khi con trai của vua Charles Đệ nhất là vua Charles II băng hà vào năm 1685, bức tranh vẫn còn nằm trong danh mục sưu tập của vị vua kế ngôi. 

Thế nhưng nhiều thập kỷ sau đó, bức tranh này bị mất dấu, không ai biết ở đâu, mãi cho đến năm 1763 là năm mà bức Salvator Mundi được một thái tử không chính thức của hoàng gia Anh rao bán. Thế rồi, một lần nữa, bức họa lại rơi vào quên lãng.

Số phận long đong của Người cứu rỗi thế giới - Ảnh 3.

Cận cảnh kiệt tác Salvator Mundi - Ảnh: REUTERS

Đến năm 1900, và vẫn tại nước Anh, một nhà sưu tập đã mua được bức Salvator Mundi và gán cho đó là tác phẩm của một họa sĩ thời Phục hưng là Giovanni Boltraffio, vốn là một học trò của Leonardo da Vinci vào năm 1491. 

Thời gian trôi qua, những hậu duệ của nhà sưu tập này hoàn toàn không đoái hoài gì đến bức họa và cuối cùng cũng có một người đem tranh ra bán đấu giá như là "cho không" vào năm 1958 tại London: 45 bảng Anh (tương đương khoảng 500 euro hiện nay).

Câu chuyện đáng lẽ ra đã kết thúc tại đây, nhưng không. Sau hơn 40 biệt dạng, bức Salvator Mundi một lần nữa lại xuất hiện tại một buổi bán đấu giá vào năm 1999 nhưng không được giới thiệu là của họa sĩ Giovanni Boltraffio mà chỉ được nói chung chung là của một "Leonardeschi", có nghĩa là một "học trò của Leonardo". Nhưng thế cũng đã đủ bức họa được tăng giá lên mức 332.500 USD (282.000 euro).

Và sau cùng thì Salvator Mundi cũng tìm lại được tác giả thật của mình, nhưng phải đợi đến sau vài năm nữa. 

Năm 2011 tại bang Louisiana (Mỹ), hai nhà sưu tập người New York đã có được bức họa, lúc đó đang trong tình trạng bảo quản rất tệ. 

Cũng chẳng sao cả, các chủ nhân mới của bức họa đã đấu tranh trong suốt 6 năm liền chỉ với một mục đích làm cho mọi người công nhận giá trị tiềm năng to lớn của bức họa này. Họ đã cho làm vệ sinh sạch sẽ lại bức tranh nhằm xóa đi những lỗi kỹ thuật trong những lần phục chế non tay trước đây trên bức tranh (kể cả có một bộ râu được thêm vào chân dung của Chúa) rồi cho phục chế hoàn toàn để mang đến giới thiệu cho ban giám đốc bảo tàng National Gallery tại London (Anh). 

Sau nhiều lần giám định khác nhau, cuối cùng bức họa Salvator Mundi đã được xác định chính thức là tác phẩm của Leonardo da Vinci và được giới thiệu lần đầu tiên tại bảo tàng National Gallery vào năm 2011 trong một cuộc triển lãm kỷ niệm danh họa Leonardo da Vinci.

Số phận long đong của Người cứu rỗi thế giới - Ảnh 4.

Kiệt tác Salvator Mundi trưng bày tại London (Anh) - Ảnh: REUTERS

Đến đây thì một điều dễ hiểu là giá trị của bức họa tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2013, Salvator Mundi đã nhiều lần đổi chủ, đầu tiên là của thương gia nghệ thuật Yves Bouvier và sau đó là tỉ phú Nga Dmitri Rybolovlev, ông chủ CLB bóng đá AS Monaco - người đã mua bức tranh với giá 127,5 triệu euro. 

Và đến giữa tháng 11-2017 vừa qua, Salvator Mundi đã tăng giá gấp ba lần khi về tay Thái tử Mohammed ben Salmane với cái giá khủng nhất thế giới: 450,3 triệu USD.

Xét trên một khía cạnh khác, cái giá thật sự ấn tượng nói trên của kiệt tác Salvator Mundi cũng được giải thích ở việc đây là bức họa duy nhất của Leonardo da Vinci thuộc quyền sở hữu của một cá nhân. Trước đó, bảo tàng Dallas Museum of Art tại Mỹ được xem là thể chế văn hóa cuối cùng có ý định mua lại bức tranh, nhưng không thành.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên