Học sinh Trường THCS Văn Lang, quận 1, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Theo đó, căn cứ kết quả khảo sát việc thực hiện đề án "lệch ca lệch giờ" tại các cơ sở giáo dục đầu năm học 2022 - 2023; căn cứ nội dung phối hợp của các sở, ban ngành tại cuộc họp xem xét báo cáo kết quả nghiên cứu giải pháp lệch ca, lệch giờ làm việc, giờ học trên địa bàn TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo thấy rằng: thời gian qua, có một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng hướng dẫn của sở về thực hiện giải pháp lệch ca, lệch giờ tại các trường học. Vì vậy, sở đề nghị các cơ sở giáo dục rà soát chấn chỉnh và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
Rà soát điều chỉnh giờ bắt đầu tiết học đầu tiên ở bậc mầm non và tiểu học không trước 7h30; THCS không trước 7h15; THPT không trước 7h. Đồng thời, sở cũng yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6h30. Không để học sinh đi học trễ hoặc về sớm, tập trung ở khu vực phía trước cổng trường.
Giờ vào học của học sinh TP.HCM sau khi điều chỉnh - Đồ hoạ: Ngọc Thành
Cũng liên quan đến việc rà soát, điều chỉnh giờ vào học, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, lưu ý: người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng các giải pháp lệch ca, lệch giờ học đối với các khối lớp, bậc học trong nhà trường. Nhà trường cần bố trí số tiết học trong một buổi học, số buổi học trong một tuần cho trẻ em, học sinh tại đơn vị theo khung giờ trên, nhưng phải đảm bảo số tiết học, chương trình học đầy đủ theo quy định, đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh và người lao động tại đơn vị. Các khung giờ phải bảo đảm tình hình giao thông thông thoáng trước cổng và xung quanh trường vào giờ cao điểm.
Trước khi văn bản trên ra đời, Tuổi Trẻ Online đã có loạt bài phản ánh bức xúc của nhiều phụ huynh về việc con em họ phải đi học quá sớm, có trường cho học sinh vào học lúc 6h45 hoặc 7h sáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận