10/02/2023 08:58 GMT+7

'Siêu phố đi bộ' phải thuận tiện và đặc trưng

Theo đề án "Siêu phố đi bộ" mà TP.HCM đang nghiên cứu triển khai, dự kiến phạm vi tổ chức sẽ khoảng 221ha khu vực lõi trung tâm.

Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch từ Nhà thờ Đức Bà đến hồ Con Rùa nằm trong phạm vi nghiên cứu “Siêu phố đi bộ” với nét đặc trưng là khu lịch sử - văn hóa - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch từ Nhà thờ Đức Bà đến hồ Con Rùa nằm trong phạm vi nghiên cứu “Siêu phố đi bộ” với nét đặc trưng là khu lịch sử - văn hóa - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Với phạm vi quy hoạch rộng gắn với định hướng phát triển giao thông công cộng, đề án được nhiều chuyên gia đánh giá cao, người dân kỳ vọng.

Tuy nhiên để đạt hiệu quả, nhiều ý kiến góp ý dự án cần tạo sự thuận lợi cho người dân cũng như có điểm nhấn đặc trưng.

Phải thuận tiện và khác các phố đi bộ hiện hữu

Khi nghe về đề án "Siêu phố đi bộ", nhiều người dân cho biết rất hào hứng với việc này và kỳ vọng TP sẽ triển khai sớm và có điểm nhấn. Chị Huỳnh Thị Mỹ Chi (người dân đến chơi tại khu vực hồ Con Rùa, quận 3) nhận định gần đây TP đã có nhiều hơn các điểm đến công cộng để người dân đến vui chơi, ngắm cảnh. Chị và nhóm bạn đến tham quan tại bến Bạch Đằng vào buổi chiều, sau đó đi ngược lên khu vực hồ Con Rùa. Cả nhóm di chuyển bằng xe đạp công cộng vì muốn được trải nghiệm và ngắm cảnh khu vực trung tâm.

"Nếu TP tổ chức Siêu phố đi bộ với từng tuyến đường có mỗi nét đặc trưng riêng sẽ rất cuốn hút người dân. Nhưng trong lõi phố đi bộ cần có các phương tiện công cộng như xe đạp, buýt mini... để người dân di chuyển thuận tiện hơn.

Tôi kỳ vọng mỗi tuyến phố đi bộ sẽ có một nét riêng như đường sách, đường ẩm thực, khu vực về lịch sử... để người dân khám phá. Nếu Siêu phố đi bộ chỉ đơn thuần là đi bộ thì không hiệu quả và cũng rất nhàm chán", chị Chi góp ý.

Ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM, rất ủng hộ đề án phát triển "Siêu phố đi bộ" để xây dựng đô thị văn minh hiện đại. Ông Thắng đánh giá mạng lưới phố đi bộ cũng là biện pháp nhằm giảm bớt xe cá nhân ra vào các tuyến đường trung tâm trong giờ cao điểm và ngày cuối tuần, hướng tới kéo giảm kẹt xe.

Thực tế ở TP trước đây đã có hai phố đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện, gần đây có thêm khu vực hồ Con Rùa. Theo UBND quận 3, phố đi bộ hồ Con Rùa được tổ chức trong 6 tháng đầu năm 2023, từ 18h đến 22h vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Theo đó mỗi tháng sẽ có chủ đề riêng bên cạnh các hoạt động ẩm thực, triển lãm, không gian sách...

Như vậy từ kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý đó, các đơn vị phải tổ chức siêu phố đi bộ sao cho phù hợp với thực trạng, nhu cầu người dân và đặc biệt là không ảnh hưởng tới giao thông đi lại. Cùng với đó, Sở GTVT TP xem xét các mặt hạn chế tồn tại ở các phố đi bộ cũ, chú trọng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông cho người dân.

Gắn với giao thông công cộng

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - chủ nhiệm đề án "Siêu phố đi bộ" của nhóm nghiên cứu Công ty TNHH Tư vấn GTVT và đô thị - TUC, mô hình phố đi bộ ở các nước trên thế giới được khai thác đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - văn hóa - giao thông. Ở TP.HCM, "Siêu phố đi bộ" chuẩn quốc tế khi hoàn thiện sẽ tạo nên một điểm đặc biệt cho du khách đi bộ, tham quan khi đến TP.HCM. Trong đó, TP có thể tích hợp khai thác du lịch, kinh tế, việc kết nối với mạng lưới giao thông công cộng xung quanh trở thành lựa chọn đi lại lý tưởng cho người dân, tạo thói quen đi bộ và sử dụng giao thông công cộng.

Sở dĩ chọn phạm vi lõi TP.HCM để nghiên cứu, đề xuất vì mạng lưới giao thông tại khu vực này có hình vuông đặc trưng (grid-system). Ngoài ra, qua khảo sát ý kiến, nhu cầu đi bộ tại khu vực này của người dân rất cao, khả năng liên kết với bến xe buýt và nhà ga metro cũng dễ dàng.

"Siêu phố đi bộ" giữa lòng TP đã được đơn vị tiến hành nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế, các mô hình phố đi bộ trên thế giới. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu rất chú trọng đến hai yếu tố là giao thông và kinh tế. Sau khi phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ được phê duyệt là bắt đầu triển khai. Các đơn vị làm theo từng giai đoạn, phố đi bộ khi hoàn tất sẽ kết nối vào hai phố đi bộ hiện hữu là phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện... để hình thành một mạng lưới đi bộ sầm uất ngay trong trung tâm TP cho người dân, du khách đi lại. Mạng lưới này chia thành bảy tiểu khu rõ rệt phù hợp đặc trưng từng tuyến đường như mua sắm, lịch sử văn hóa, ẩm thực...

Ông Tuấn chia sẻ việc tổ chức các tuyến phố đi bộ sẽ gắn liền với công tác tổ chức giao thông để thuận tiện nhất cho người dân, tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Việc này được thực hiện qua việc các tuyến phố đi bộ sẽ kết nối với hệ thống xe buýt, buýt sông, xe đạp công cộng, metro...

Ngoài ra, đơn vị còn nghiên cứu tận dụng một phần lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe cho khách vào các tuyến phố đi bộ nhằm tăng nguồn thu và giải quyết vấn đề thiếu bãi đậu xe hiện nay ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Phạm vi nghiên cứu "Siêu phố đi bộ" ra sao?

"Siêu phố đi bộ" khu trung tâm bao gồm: khu văn hóa thanh niên (Công trường Quốc tế và Phạm Ngọc Thạch từ hồ Con Rùa tới đường Lê Duẩn), khu lịch sử - văn hóa (cụm công trình Công xã Paris gồm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Đường sách TP.HCM, tòa nhà Metropolitan), khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ Công xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp...), khu biểu diễn nghệ thuật (Công trường Lam Sơn và Nhà hát TP với quảng trường trước nhà hát bao quanh các khách sạn 4-5 sao)...

"Siêu" phố đi bộ ngay trung tâm TP.HCM có gây kẹt xe?'Siêu' phố đi bộ ngay trung tâm TP.HCM có gây kẹt xe?
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên