TS Nguyễn Lương Hải Khôi - Ảnh: L.ĐIỀN
Đó là Shibusawa Eiichi, người được mệnh danh là "tổ phụ" của nền kinh tế thị trường Nhật Bản.
Như một trùng hợp ngẫu nhiên, quyển tự truyện Vũ Dạ Đàm của Shibusawa Eiichi do TS Nguyễn Lương Hải Khôi (tiến sĩ triết học ở ĐH Nihon - Nhật Bản, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu, ĐH Oregon, Hoa Kỳ) chuyển ngữ cũng vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Thế giới sách kỳ này có dịp trao đổi với TS NGUYỄN LƯƠNG HẢI KHÔI xoay quanh cuộc đời Shibusawa, tinh thần trí thức Nhật Bản và những bài học có thể có ích cho Việt Nam.
* Từ một nông dân "áo vải" trở thành nhà thiết kế nhiều quy chuẩn/định chế tài chính cho Chính phủ Nhật Bản và giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định hướng đi cho quốc gia Nhật Bản hiện đại ngay từ lúc giao thời Minh Trị, loại bỏ yếu tố cơ may, quả thật con người Shibusawa Eiichi phải có tố chất nào đó đặc biệt. Ông tâm đắc những tố chất nào của Shibusawa Eiichi?
- Có thể thấy yếu tố quyết định sự thành công của Shibusawa Eiichi chính là tính cách và tư tưởng. Tố chất quyết định là thực học. Ông học nghề trồng cây tràm, trồng dâu nuôi tằm, buôn bán, học cách nghiên cứu về thị trường (để biết xã hội đang khuyết điều gì).
Ngay cả việc học sách vở, ta thấy Shibusawa Eiichi và giới sĩ phu Nhật Bản đương thời cũng khác Nho sĩ Việt Nam ở chỗ thực học. Shibusawa cũng như thế hệ của ông được học cả tư tưởng Nho giáo Trung Quốc lẫn Nho giáo Nhật Bản, học cả lịch sử Trung Quốc lẫn lịch sử Nhật Bản, học cả những công trình nghiên cứu Nhật Bản của các danh Nho thời Edo.
Điều đó giúp ý thức dân tộc của ông cũng như của giới võ sĩ đạo thế hệ ông mạnh mẽ ngay cả trong thời bình, chứ không đợi đến khi mất nước thì mới biết yêu nước, mới hi sinh cho nước.
Điều này khác hoàn toàn với giới Nho sĩ Việt Nam: có khí tiết, trong sạch nhưng ngơ ngác trước thời đại, bởi họ học những kiến thức và tư tưởng từng ra đời ở Trung Quốc nhiều thiên niên kỷ trước, hoàn toàn bất lực trước xu thế toàn cầu hóa giai đoạn thực dân chủ nghĩa.
Sách do Phương Nam & NXB Thế Giới ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
* Theo như ông biết, trong giới trí thức Nhật Bản hiện nay, Shibusawa Eiichi có tầm vóc như thế nào? Những ảnh hưởng đáng kể nào từ nhân vật này đến ngày nay vẫn còn và sẽ tiếp tục ở Nhật Bản?
- Tạp chí Tozo Keizai năm 1981 có làm một cuộc khảo sát giới doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản, tức giới doanh nhân đã tái tạo Nhật Bản sau Thế chiến thứ II, xem mẫu hình nhân cách lý tưởng của họ là ai và cuốn sách ảnh hưởng đến cuộc đời doanh nhân của họ nhất là cuốn nào. Câu trả lời là: Shibusawa Eiichi cùng với cuốn sách Luận ngữ và bàn tính của chính ông.
Luận ngữ và bàn tính luận giải về tư tưởng "nghĩa lợi lưỡng toàn", tức kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và đạo đức nhân nghĩa đối với quốc gia, làm cho doanh nhân trở thành mẫu hình đạo đức của xã hội, tương tự như mẫu hình "thánh hiền" của Nho giáo thời trước. Shibusawa xây dựng tư tưởng đó và thực hành nó nghiêm túc, bền bỉ, từ lúc làm quan cho Mạc phủ, cho Minh Trị, rồi như một doanh nhân độc lập trước chính quyền đến khi qua đời.
Ông không chỉ xây dựng hơn 500 công ty, tức mạng lưới doanh nghiệp hiện đại của Nhật Bản, mà đồng thời còn thực hiện cũng hơn 500 dự án giáo dục đại học, y tế, xã hội và văn hóa khác nhau.
Ngày nay, thế giới nói chung rất tín nhiệm doanh nhân Nhật Bản về chữ tín. Chữ tín của thương nhân là điều đã được các Nho gia và các sư Phật giáo thời Edo khởi xướng, được Shibusawa phát triển và thực hành triệt để cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Từ đó, nó trở thành một đặc trưng nổi bật của doanh nhân Nhật Bản hiện đại.
* Có một quan điểm về doanh nhân được Shibusawa Eiichi diễn đạt từ khi Nhật Bản còn chưa hình thành tầng lớp doanh nhân, đó là: "phải xóa bỏ thói quen tuân theo và dựa dẫm vào mệnh lệnh quan chức của người dân" để "nếu phát triển trí tuệ cho giới doanh nhân, nâng cao phẩm cách của họ thì đồng thời cũng sẽ thúc đẩy được khả năng kinh tế của họ". Ông nghĩ gì về điều này?
- Như trên đã nói, Nhật Bản nhận ra vai trò quan trọng của doanh nhân đối với quốc gia từ rất sớm. Khi Shibusawa từ quan để bước vào thương trường năm 1873, một người bạn của ông đã tức giận viết thư cho ông, mắng ông hám tiền nên "từ bỏ chức quan cao quý trong triều đình để đi theo bọn con buôn".
Ông viết thư trả lời: "Công thương nghiệp là nền tảng của quốc gia. Chọn những kẻ tầm thường làm quan chức triều đình thì cũng chẳng sao. Nhưng doanh nhân phải là bậc hiền tài. Nếu lực lượng doanh nhân là những bậc hiền tài thì sẽ bảo vệ được sự phồn thịnh của quốc gia. [...]
Ngày nay, nhiệm vụ cấp bách của nước ta là thấu hiểu lề lối tư duy của xã hội, loại trừ những suy nghĩ sai trái của nó, nâng cao vị thế xã hội của doanh nhân, phát triển nhân tài để xây dựng xã hội thương nghiệp, làm cho doanh nhân trở thành tầng lớp thượng lưu của xã hội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận