17/12/2016 11:06 GMT+7

Sẽ xây dựng quy chế biểu diễn trên phố đi bộ

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Hà Nội sẽ xây dựng bộ quy chế cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Biểu diễn nghệ thuật trên góc phố Hàng Khay, Hà Nội - Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Biểu diễn nghệ thuật trên góc phố Hàng Khay, Hà Nội - Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Ông Phạm Tuấn Long, phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho Tuổi Trẻ biết như trên tại hội thảo quốc tế Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội. Ông khẳng định các nhóm nhạc muốn biểu diễn trong phố đi bộ bắt buộc phải đăng ký với Sở VH-TT hoặc Q.Hoàn Kiếm.

Cái lý và cái khó của nhà quản lý

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, tuy nhiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến phố đi bộ Hà Nội lại chưa được bàn thảo sâu kỹ bởi các tham luận thường hướng đến những bài học của các phố đi bộ trên thế giới thay vì đề cập trực tiếp đến khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Liên quan đến vấn đề quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ đã được Tuổi Trẻ phản ánh (Tuổi Trẻ ngày 6 và 7-12), KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng quy định các nhóm nhạc muốn biểu diễn tại khu vực này cần đăng ký với cơ quan quản lý trước năm ngày là nên làm.

“Bởi nếu tự do quá thì sẽ rất khó quản lý, nhưng nếu cơ quan quản lý làm quá chặt chẽ thì sẽ làm mất đi sự sáng tạo của cộng đồng - ông Ánh phân tích - Hà Nội cũng nên hướng đến không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ là không gian văn hóa tiêu biểu của cả nước, nên các nhóm nhạc tham gia cũng cần tự hoàn thiện mình, để giữ chân công chúng bằng tài năng của mình”.

KTS quy hoạch đô thị Nguyễn Nga cũng cho rằng “việc đăng ký biểu diễn là để cơ quan quản lý biết những nhóm nhạc đang biểu diễn ở đâu và tránh trường hợp lợi dụng biểu diễn nghệ thuật để có những hành động không đúng với thuần phong mỹ tục. Điều này cũng có lý của các nhà quản lý”.

Lý giải về sự việc những nhóm nhạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) bị các cơ quan quản lý gây khó dễ, bà Nga cho rằng đó là do các bộ phận quản lý chưa có sự kết nối với nhau. Cách giải quyết tình trạng này là cần phải có một bộ phận chuyên trách quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ để có nhiệm vụ tiếp nhận việc đăng ký biểu diễn và tạo điều kiện cho các nhóm nhạc biểu diễn.

Bài học nào cho phố đi bộ?

GS Kim Donyun, thành viên ban cố vấn tổng thống Hàn Quốc, nêu bài học từ việc xây dựng thành phố thân thiện với người đi bộ ở Seoul, Hàn Quốc là phải cố gắng thực hiện hài hòa giữa một thành phố của quá khứ và thành phố của hiện đại.

Ông nói: “Trong suốt thời gian dài, khu phố cổ Hà Nội và khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được sử dụng hỗn độn với quá nhiều mục đích khác nhau. Mặt tích cực là khiến cho phố cổ có nhiều hoạt động phong phú cả ngày và đêm. Nhưng điều tiêu cực có thể nhìn thấy rõ là sự ô nhiễm”. GS Kim Donyun cũng kỳ vọng trong tương lai, phố đi bộ Hà Nội sẽ được mở vào tất cả các ngày trong tuần, thay vì chỉ mở vào cuối tuần như hiện nay.

KTS Mochizuki Shinichi - điều phối viên Nhật Bản và châu Á chương trình Ngày không khói xe - lại cảnh báo Hà Nội không nên quá phụ thuộc nhiều vào nguồn thu du lịch từ không gian phố đi bộ. Bởi những năm 1980, Nhật Bản bị rơi vào cơn suy thoái kinh tế một phần do quá phụ thuộc vào nguồn lực từ du lịch.

Ông nhấn mạnh: khía cạnh quan trọng và thú vị nhất ở phố đi bộ là hoạt động văn hóa của con người.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, lưu ý thành phố cần hướng những hoạt động trong không gian phố đi bộ đến những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của khu vực.

KTS Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập Hà Nội Creative City, nêu một giải pháp nữa là cần phải có các chuyên gia chuyên xử lý về âm thanh để tính toán, đảm bảo cho âm thanh biểu diễn nghệ thuật của nhóm này không ảnh hưởng đến nhóm khác và không ảnh hưởng đến cư dân trong khu vực phố đi bộ.

Ông cũng đề xuất Hà Nội nên chọn lọc để đưa thêm các tác phẩm mỹ thuật vào khu vực phố đi bộ như trên phố sách Đinh Lễ có thể thiết kế chú voi cầm sách hay một người đọc sách..., có thể lắp gạch phản quang trên vỉa hè các tuyến phố với những dòng chữ thân thiện chào đón mọi người.

Nghệ sĩ, nhóm hát tự phát không được cấp phép biểu diễn

Sau các bài viết về tình trạng biểu diễn ở phố đi bộ “Mới xôm tụ đã đìu hiu” trên báo Tuổi Trẻ, ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM - đã có văn bản trả lời về những vấn đề bài viết đặt ra. Theo đó, Sở VH&TT đã cấp phép cho CLB âm nhạc thuộc Đảng ủy khối cơ sở Bộ VH-TT&DL biểu diễn định kỳ vào 19g30-21g thứ bảy tại khu vực trước nhà sách Fahasa thuộc phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Dẫu vậy, những chương trình kể trên không mang tính ngẫu hứng của nghệ thuật đường phố. Trước câu hỏi nếu muốn trình diễn tại không gian công cộng này thì cần làm gì, văn bản của sở cũng nêu: Việc biểu diễn tại phố đi bộ do các cá nhân nghệ sĩ, nhóm hát tự phát không có pháp nhân theo quy định, do vậy Sở VH&TT không cấp phép cho biểu diễn được.

Còn với những cá nhân hay đơn vị có pháp nhân thì việc xin phép biểu diễn ở phố đi bộ vẫn sẽ theo các quy định từ nghị định 79 và nghị định 15 đã được ban hành. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức liên hoan nghệ thuật đường phố để đưa các loại hình nghệ thuật đường phố có nội dung tốt, phù hợp với không gian và trật tự đường phố phục vụ khán giả tại phố đi bộ.

Q.N.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên