Phóng to |
Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú, TP.HCM hướng dẫn học sinh ra về. Một lớp học hơn 50 học sinh như thế này khiến giáo viên rất mệt mỏi - Ảnh: H.HG. |
Kỳ 1: Áp lực dồn lên người thầyKỳ 2: Khi thầy lẫn trò thiếu kỹ năng sống“Chúng tôi đã cân nhắc kỹ việc kỷ luật thầy B.” Buộc thôi việc thầy giáo bắt học sinh thụt dầu 100 cáiHọc sinh nhập viện vì bị thụt dầu 100 lầnQuá nhiều sức ép từ bệnh thành tích
- Chuyện giáo viên phạt học sinh thô bạo không phổ biến mà chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Vì vậy, nếu cho rằng do áp lực thành tích, do chương trình, do điều kiện dạy học... khiến giáo viên có hành vi đáng chê trách là khiên cưỡng. Nguyên do chính ở đây phải là vấn đề bất ổn ở chính cá nhân của một số nhà giáo.
* Nhưng ít nhiều những áp lực đó đã và đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý, nhiệt huyết của nhà giáo nói chung. Vậy với trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo về chuyên môn, theo ông, cần có những can thiệp ra sao để giúp các thầy cô giáo yên tâm với nghề?
- Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên dạy học bám sát chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng, nhưng ở nhiều địa phương, các cơ sở GD-ĐT giáo viên đã không thực hiện đúng. Điều đó tạo nên áp lực mà nhiều người cho rằng do chương trình nặng, do đặt ra yêu cầu quá cao với những đối tượng học sinh có năng lực không tương ứng, do mục tiêu thi cử... Vì vậy từ đầu năm học, chúng tôi đã cố gắng chỉ đạo, hướng dẫn nhằm điều chỉnh bất cập này.
Cụ thể trong nội dung dạy học, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ bám sát chuẩn tối thiểu và đối tượng học sinh. Giáo viên cũng theo đó điều chỉnh những công việc liên quan đến dạy học; việc kiểm tra, đánh giá hiệu suất công việc của giáo viên cũng phải điều chỉnh. Tới đây ngoài việc hướng dẫn, chúng tôi sẽ đi kiểm tra việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục để kiến nghị chấn chỉnh những vấn đề chưa hợp lý, trong đó có tình trạng gây áp lực cho giáo viên trong dạy học nhằm chạy theo thành tích.
* Theo ông, với hành vi phạt học sinh của thầy B., việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc có quá nặng không khi đằng sau có thể có những áp lực khiến họ không giữ được sự đúng mực của nhà giáo?
- Xem xét kỷ luật đối với một nhà giáo cụ thể phải căn cứ vào trường hợp cụ thể. Nếu hành vi thô bạo với học sinh xuất phát từ cá tính của người thầy, lặp đi lặp lại nhiều lần và mức độ vi phạm quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe học sinh thì sẽ phải cân nhắc để chuyển họ sang làm công việc khác, không trực tiếp đứng lớp.
Nhưng nếu xung quanh việc làm của người thầy đó có những tác động khách quan, có những tình tiết đẩy họ vào hành động bột phát, không cố ý thì mức độ xử lý có thể nhẹ hơn, đồng thời phải có biện pháp giúp đỡ, tạo cơ hội cho họ khắc phục nhược điểm, sửa chữa sai lầm.
Đào tạo giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp - Ở nơi này nơi khác, có thể cũng có những nguyên nhân khách quan tác động đến hành vi của giáo viên khiến họ bị “lệch chuẩn”. Nhưng không thể vin vào đó để bao biện cho những việc làm phản giáo dục. Điều kiện dạy học và áp lực, nếu có cũng là tình hình chung đối với cả triệu giáo viên, nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn có đạo đức, lối sống đúng mực, thương yêu, hết lòng vì học sinh. Tôi vẫn nghĩ vấn đề là ở cá nhân một số giáo viên, trong đó có một phần trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, nơi các giáo viên đó làm việc. * Vậy với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà giáo, phải có động thái thế nào để ngăn chặn trước những việc làm đáng tiếc, hạn chế tình trạng “để xảy ra rồi mới xử lý”? - Gần đây Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp của giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Trong đó có quy định rất rõ các chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn, chuẩn về đạo đức nhà giáo, kể cả những ứng xử cụ thể của giáo viên. Tôi nghĩ nếu các nhà quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục sát sao, phổ biến kỹ các quy định đến từng giáo viên, bám sát chuẩn nghề nghiệp, chứ không chỉ căn cứ vào kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên thì sẽ hạn chế nhiều tình trạng vi phạm. Còn những áp lực như sĩ số đông, sự phó mặc trách nhiệm của gia đình, xã hội lên vai người thầy, để giải quyết cần có sự can thiệp của các sở GD-ĐT, chính quyền địa phương, các đoàn thể và việc tuyên truyền mạnh mẽ, hiệu quả để đi đến mục đích chung tay vì học sinh. * Việc thiếu những kỹ năng sư phạm cần thiết khiến giáo viên có hành vi sai lệch, theo ông, có phải việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn đối với giáo viên hiện nay bất ổn? - Tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp - điều mà từ trước đến giờ chưa làm được. Theo đó, ngoài tập huấn việc dạy kiến thức chuyên môn, sẽ đặt ra các tình huống sư phạm cụ thể để hướng dẫn, định hướng cho giáo viên trong việc xử lý. Giáo viên sẽ được tập huấn theo cả “chuẩn đạo đức nhà giáo”. Không chỉ đổi mới tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đang trong nghề mà chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên sẽ được đưa vào các trường sư phạm. Các trường sư phạm sẽ phải bám sát chuẩn nghề nghiệp để thiết kế chương trình đào tạo, trong đó cung cấp cho sinh viên sư phạm cả kiến thức, kỹ năng sư phạm, những hiểu biết về chuẩn mực trong đạo đức, lối sống nhà giáo để có thể đảm nhiệm tốt công việc. Trịnh Vĩnh Hà thực hiện |
=====================================================================
* Là giáo viên, cứ đầu năm học, chúng tôi phải đăng ký thi đua theo chỉ tiêu ban giám hiệu đưa ra. Trong đó có nhiều ràng buộc như: không được có học sinh bỏ học; không được để học sinh ở lại lớp; không để học sinh bị điểm kém...
Nếu giáo viên nào để học sinh "dính" vào một trong những ràng buộc đó, chắc chắn giáo viên đó sẽ bị phê bình trong các phiên họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn, công đoàn... Áp lực thành tích vẫn đè nặng lên vai giáo viên.
* Đầu năm, khi họp hội đồng sư phạm, chúng tôi phải biết được con số mà đội ngũ giáo viên trường tôi phải thực hiện được như: giỏi bao nhiêu phần trăm, khá bao nhiêu phần trăm... Và những con số này phải bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu của cả quận, không được thấp hơn. Nhất là không để cho học sinh nghỉ học. Và đó là con số mà chúng tôi phải cố xoay sở, vì bản thân mình và cũng vì tập thể nhà trường.
Còn đây là trường hợp mà tôi và cả đồng nghiệp của tôi thường mắc phải, tôi xin nêu ra để mọi người giúp đưa ra giải pháp. Trường tôi bị thanh tra toàn diện, khi kiểm tra sổ điểm cá nhân thì họ không đồng ý khi có điểm 0 hay điểm 1 trong sổ điểm cá nhân. Họ bảo rằng phải cho học sinh có cơ hội để gỡ điểm. Nhưng điểm thì yêu cầu chúng tôi cập nhật đúng thời hạn, nhập trễ thì khiển trách, chúng tôi xoay sở bằng cách để chừa vài chỗ̉ trống, hẹn thời gian cho các em làm lại thì các em không làm, kể cả cho đề về nhà làm nhưng các em vẫn không nộp! Vậy thì chẳng lẽ cho điểm khống? Vì 0 hay 1 điểm đều không được.
Khi rơi vào trường hợp này tôi đều thẳng tay cho điểm kém, nhưng đồng nghiệp tôi có lại có người không làm vậy, vì thế cuối năm tỉ lệ của tôi năm nào cũng thấp, số học sinh thi lại cả hàng chục học sinh trong khi các lớp khác chỉ vài học sinh. Tôi chỉ biết phó mặc số phận mình, đến đâu thì đến, miễn là lương tâm của tôi không cắn rứt. Tôi muốn nói ra để mọi người hiểu thêm và xin cho lời khuyên hay vài kinh nghiệm từ các đồng nghiệp.
* Bệnh thành tích trong ngành giáo dục ư? Theo tôi thấy hiện nay bệnh vẫn còn và bị biến tướng ngày một tinh vi hơn. Đầu năm, kiểm tra chất lượng đầu học kỳ chỉ khoảng hơn 30% trên trung bình ở bộ môn, nhưng khi đăng ký thi đua, giáo viên bộ môn đó bị ban giám hiệu ép phải đăng ký chỉ tiêu từ 70% học sinh từ trung bình trở lên, nếu không đạt thì cắt thi đua, chậm lên lương, bị chuyển công tác (đang dạy lớp khá - chuyển sang dạy lớp yếu).
Chưa kể hiện nay trong rất nhiều trường cấp 2 vẫn còn đâu đó lớp chọn, lớp chuyên mặc dù điều này đã bị Bộ GD- ĐT "khai tử" từ lâu, các lớp này là đặc quyền dành cho các giáo viên biết "nghe lời" cấp trên, nắm các lớp này "anh" đạt thi đua là cái chắc!
Phải giữ vững sĩ số là yếu tố hàng đầu bắt buộc giáo viên phải tuân theo. Điều đó bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải ngó lơ mặt giáo dục hạnh kiểm của học sinh - vì đụng tới học sinh cá biệt - em đó nghỉ học một cái là "chết"! Sổ sách phải làm sao cho đẹp, thi giáo viên dạy giỏi, đủ thứ chuyện nói hoài cả ngày cũng chưa hết!
Hỏi với những áp lực công việc như thế đó, cộng thêm đồng lương cực thấp - bị trừ đủ thứ khoản - không đủ sống, phải bươn chải kiếm thêm, liệu người giáo viên còn đủ nghị lực để không nóng giận khi gặp học trò "ngổ ngáo" hay không?
* Mình là sinh viên mới ra trường, xin được việc mình mừng biết bao. Chân ướt chân ráo bước vào trường mình cứ nghĩ rằng dồn hết tâm huyết với nghề là được, nhưng ảo tưởng đó dần mất đi khi mình gặp phải những học trò khó bảo mà lại lười học cộng vào đó là áp lực chất lượng. Nếu cuối năm mà chất lượng thấp thì trường sẽ không cho mình hoàn thành chương trình tập sự. Giờ đây mình chẳng biết làm thế nào để đảm bảo được chất lượng như các thầy cô đã đề ra cho lớp cả. Mình phải làm thế nào đây để có gắn bó với nghề?
* Cám ơn tác giả bài viết "Áp lực dồn lên người thầy" đã hiểu rõ và chia sẽ trước những khó khăn hiện đang còn tồn đọng trong nghề giáo.
Ba mẹ tôi vất vả nuôi tôi suốt 4 năm đại học, bằng được cấp gắn chữ sư phạm (chỉ có thể đi dạy), rồi xếp hàng nộp hồ sơ lấy quyết định phân công nhiệm sở, cứ nghĩ là sẽ tìm được một việc làm ổn định, nuôi sống được bản thân và lo cho gia đình.
Thầy tôi đã từng nói nghề dạy nghề, lúc đó tôi nghĩ nghề giáo rất đơn giản, chỉ cần chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp là có thể dạy được. Đến khi đi dạy rồi tôi mới thấy không phải là màu hồng: học sinh ham chơi, phụ huynh không hợp tác, quá nhiều hồ sơ sổ sách chuyên môn, dự giờ thăm lớp học hỏi đồng nghiệp, bị thanh kiểm tra đột xuất, phải giáo dục kỹ năng sống, tâm sinh lý, giáo dục ý thức cho học sinh...
Một lớp học 45 - 48 học sinh, thành phần gia đình đa số lao động nghèo ở nhà thuê mướn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, nhưng cuối năm học giáo viên phải dạy làm sao để lớp đó đạt tỷ lệ học sinh lên lớp 98%. Tôi thật sự rất khâm phục những thầy cô giáo đã và đang từng ngày dạy chữ - dạy người vì cái tâm - cái tình dành cho học sinh với mục đích sống cao đẹp.
* Tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn đọc. Cám ơn báo Tuổi Trẻ Online đã mở chuyên đề này. Quả là người giáo viên chịu rất nhiều áp lực. Hãy tạo điều kiện cho họ được nói, được viết để cùng chia sẻ, thông cảm với những thầy cô ấy.
Chỉ có những người giáo viên trực tiếp đúng lớp, giảng dạy mới thấu hiểu những nỗi khổ của bệnh thành tích. Nghề giáo có đối tượng là học sinh, là con người thì không thể đơn giản xử lí, so sánh số liệu như những ngành nghề khác. "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" là như thế. Các nhà quản lý hãy nghiên cứu cách thức để “cởi bỏ” áp lực cho giáo viên, hãy tạo điều kiện tốt nhất cho họ được cống hiến một cách trung thực nhất.
-------------------------
Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận